Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hiệp định RCEP là 'vùng lánh nạn'
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hiệp định RCEP là 'vùng lánh nạn'
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng RCEP sẽ là vùng lánh nạn nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thuộc Trung tâm WTO, không thể trông chờ vào RCEP để tránh xu hướng bảo hộ thương mại thế giới
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thuộc Trung tâm WTO, nhiều doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bởi hiệp định sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, với 50% dân số thế giới, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới.
Cùng với đó, người tiêu dùng của RCEP phần lớn không quá khó tính, trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand; nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến...
Tại Hội thảo "Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm" do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23/5, bà Trang cũng cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp vẫn quan ngại về hiệp định này.
Cụ thể, trong các nước tham gia đàm phán ký kết, có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam; các thị trường cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, còn có nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt ở các thị trường mà các đối tác chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) chéo.
Chia sẻ thêm về những vấn đề doanh nghiệp còn quan ngại, bà Trang cho biết doanh nghiệp cho rằng hiệp định RCEP có thể không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu, với các lý do như các ưu đãi thuế quan không được cải thiện, việc mở cửa dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh còn dè dặt, các hàng rào phi thuế quan ít được cải thiện, cạnh tranh gay gắt hơn với các đối tác RCEP...
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng RCEP sẽ là 'vùng lánh nạn', nhưng theo bà Trang, không thể trông chờ vào RCEP để tránh xu hướng bảo hộ thương mại thế giới và cũng không thể trông vào RCEP để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Do vậy, về góc độ doanh nghiệp, bà Trang cho rằng trong quá trình đàm phán, cần chú trọng đến các tiêu chí ưu tiên các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh hay các sản phẩm mà đối tác nhập khẩu lớn, các ưu đãi thuế... để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt.
Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Bộ Tài chính, thành viên đoàn đàm phán, cho hay những kỳ vọng về RCEP rất lớn, bao gồm cơ hội xuất nhập khẩu nhờ các ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn; các quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn; thống nhất các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan.
Cũng theo ông Tuấn Anh, một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông..., nền tảng thương mại điện tử tốt hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ có lợi ích “dự trữ” tốt hơn trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, hay tác động từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
“Hiện Hiệp định này bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng, chúng tôi đang tiến hành đợt tham vấn cuối từ các doanh nghiệp,” ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương, cơ hội về hiệp định này là rất lớn. Song bà Hiền cũng lưu ý các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung theo những hiệp định thương mại mới. Ví dụ như với Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để xuất khẩu sang Nhật Bản, Việt Nam với Nhật Bản đã có hiệp định song phương nên nhiều mặt hàng đã có thuế về 0%, do đó, doanh nghiệp cần tận dụng những hiệp định, các ưu đãi đó.
Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN; trong đó có Việt Nam và 6 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối.
Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác đang là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc..., việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan..
Đức Dũng