Thị trường trái phiếu phát tín hiệu đáng sợ, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể xuống 2%
Thị trường trái phiếu phát tín hiệu đáng sợ, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể xuống 2%
Trái phiếu Chính phủ Mỹ đang đi tiên phong trong đà tăng mạnh của thị trường trái phiếu toàn cầu, có khả năng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2% lần đầu tiên kể từ cuối năm 2016.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm gần 40 điểm cơ bản kể từ giữa tháng 4/2019 xuống tới mức 2.23% trong ngày thứ Tư (29/05). Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Australia và New Zealand đều rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đang ở mức đáy 3 năm tại -0.1%.
“Đà giảm tốc diễn ra trên toàn cầu, lạm phát chưa đạt mục tiêu của NHTW và bất ổn liên quan tới thương chiến Mỹ-Trung góp phần dẫn tới đà leo dốc của thị trường trái phiếu”, Tano Pelosi, Chuyên gia quản lý danh mục tại Antares Capital ở Sydney – vốn quản lý tương đương 22 tỷ USD, cho hay. “Tôi có thể thấy trước viễn cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống 2% nếu áp lực từ thương chiến Mỹ-Trung tiếp diễn”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ vẫn “chưa sẵn sàng” tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc cùng với việc Ý và Liên minh châu Âu (EU) đang căng thăng đã châm ngòi cho làn sóng né tránh rủi ro trên toàn cầu và làm gia tăng khả năng các NHTW sẽ giảm lãi suất để vực dậy tăng trưởng. Các trader hiện đang tập trung vào cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019, ngay cả khi hai bên gần đây đang cố gắng củng cố vị thế đàm phán của mình.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm tới 3 điểm cơ bản trong ngày thứ Tư (29/05) xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017, sau khi giảm 5 điểm cơ bản trong ngày thứ Ba (28/05). Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm giảm xuống mức âm 12 điểm cơ bản, mức âm lớn nhất kể từ năm 2007.
Lợi suất trái phiếu Australia kỳ hạn 10 năm cũng giảm tới 5 điểm cơ bản xuống 1.48%, dao động dưới mức lãi suất cơ bản của NHTW lần đầu tiên kể từ năm 2015, trong khi Lợi suất trái phiếu New Zealand kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 1.7%. Lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản.
Các phiên đấu giá trái phiếu càng thể hiện rõ nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu. Trong ngày thứ Tư (29/05), đợt bán 3 tỷ AUD (tương đương 2.1 tỷ USD) trái phiếu đến hạn vào năm 2031 thu hút lượng đăng ký tới 10.8 tỷ AUD, vượt cả mức 8.5 tỷ USD tại cuộc đấu giá ở quy mô tương đương trong năm 2018.
“Nếu các nhà hoạch định chính sách giữ nguyên chính sách và tăng trưởng giảm quá mạnh thì ngưỡng 2% của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể xuất hiện”, Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings ở Singapore, nhận định. Mô hình của S&P Global Rating cho thấy khả năng Mỹ suy thoái đã tăng lên 25% trong vài tháng qua, từ mức 20%, ông nói.
Theo các hợp đồng tương lai dựa trên lãi suất quỹ liên bang Mỹ (Fed funds rate), thị trường đang phản ánh có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Thị trường cũng báo hiệu NHTW Australia sẽ thực hiện 2-3 đợt giảm lãi suất vì lo ngại nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc đang suy yếu.
“Nếu Fed giảm lãi suất, liệu họ có giảm 25 điểm cơ bản?”, Rajeev De Mello, Giám đốc đầu tư tại Bank of Singapore, cho hay. “Không có khả năng, họ có thể giảm lãi suất bớt 50 điểm cơ bản và đó là những gì đang được phản ánh vào thị trường”.
FiLi