37 dự án BOT sẽ tăng phí?
37 dự án BOT sẽ tăng phí?
Trong 61 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý có 25 dự án doanh thu thực tế thấp hơn dự báo, 37 dự án phải tăng phí từ 12-18% theo lộ trình cam kết trong hợp đồng.
Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang có vấn đề về sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ, là một trong 37 dự án BOT có thể sẽ tăng phí - Ảnh: NAM TRẦN
|
Theo Bộ GTVT, nếu không tăng phí BOT đúng lộ trình, đến năm 2021 sẽ có 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không thể tăng phí đồng loạt mà cần cân nhắc cụ thể từng dự án để hạn chế tác động xã hội.
Đến hạn tăng phí 12-18%
Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước.
Tính đến tháng 5-2019, Bộ GTVT đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần 59 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, 2 dự án còn lại đang thi công. Điều đáng nói, hầu hết hợp đồng BOT được ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư tư nhân đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.
Tổng cục Đường bộ ghi nhận trong năm 2018 có 31 dự án BOT lưu lượng xe thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT, 11 dự án lưu lượng xe thực tế đạt 80-100% dự báo và 10 dự án có lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự báo.
Theo thông tư 159 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm 1 lần. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5-2016 đến nay Bộ GTVT chưa thực hiện tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.
Chiếu theo điều khoản đã ký kết của 59 hợp đồng BOT, theo Bộ GTVT, đến thời điểm này có 37 dự án tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình. Trong đó, năm 2018 tăng phí 2 dự án, năm 2019 tăng phí 35 dự án, năm 2020 tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021. Bộ GTVT cũng cho biết đến nay đã nhận được đề xuất tăng phí của nhiều nhà đầu tư BOT.
Không thể không "cứu"?
Trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Bộ GTVT cảnh báo nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời "cứu" 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.
Ví dụ, doanh thu một số trạm BOT sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế được đưa ra là: trạm BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 38, tuyến tránh TP Phủ Lý, quốc lộ 5, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam...
Nguyên nhân do kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không đúng dự báo làm giảm lưu lượng xe, một số trạm thu phí BOT có số lượng sử dụng vé tháng, vé quý lớn cũng làm doanh thu các trạm giảm 15-20%...
Bộ GTVT cũng cho rằng tình trạng các trạm BOT sụt giảm lưu lượng xe một phần xuất phát từ việc các địa phương đầu tư các dự án giao thông chạy song hành với tuyến đường BOT, đường ngang chạy qua khu vực trạm BOT dẫn tới thất thoát lưu lượng xe, hoặc tình trạng các phương tiện vận tải cố ý tránh trạm thu phí...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN - đề nghị không tăng phí dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường. Ông Quyền cho rằng hoạt động thu phí tại các trạm chưa bảo đảm minh bạch theo mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Khi trạm BOT hụt thu cần phân tích nguyên nhân do phương tiện không đạt như dự báo, hay biên chế các trạm thu phí BOT quá nhiều, tổ chức không hợp lý dẫn tới chi phí tổ chức thu cao...
Các trạm BOT hiện nay có 2 nhóm: dự án đầu tư mới hoàn toàn, người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song song để đi thì điều chỉnh mức thu không tạo ý kiến trái chiều từ phía người sử dụng. Với trạm thu BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng, tăng số làn xe trên tuyến cũ, người dân không có sự lựa chọn thì không nên tăng phí.
"Hiện mức thu phí giữa tuyến đường BOT đầu tư mới và các tuyến chỉ nâng cấp, cải tạo vẫn na ná như nhau, đây là một bất hợp lý không phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - ông Quyền nói.
Không tăng phí, Nhà nước bù lỗ 3.000 tỉ đồng
Trả lời Tuổi Trẻ về đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ cho hay bộ đã trình Thủ tướng quyết định, vì các dự án BOT có thời gian thu phí dài.
Trong văn bản, nếu phí BOT không tăng theo lộ trình 3 năm 1 lần, Bộ GTVT cho rằng phương án tài chính của tất cả dự án BOT bị phá vỡ, Nhà nước buộc phải cân đối nguồn để bù đắp cho dự án nhằm bảo đảm các dự án BOT kinh doanh hiệu quả.
Vì vậy, bộ này đề xuất Chính phủ 2 phương án: thứ nhất tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ GTVT sẽ đàm phán trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn.
Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.
Bộ GTVT cũng cho biết đang nghiêng về phương án 1 vì có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách nhà nước cứu các dự án BOT.
Chủ đầu tư nói gì? Một số chủ đầu tư đã đề nghị tăng phí. Ông Hồ Anh Sơn - giám đốc Công ty TNHH MTV CECO 545 BOT (thuộc Công ty CP Xây dựng công trình 545) quản lý trạm BOT Điện Bàn qua quốc lộ 1, Quảng Nam - khẳng định theo hợp đồng ký với Bộ GTVT, lộ trình 3 năm tăng phí 1 lần, tăng theo kiểu trượt giá. Đáng lẽ năm 2019 trạm sẽ tăng giá vé nhưng trước đây có nhiều chuyện nên lùi thời gian tăng. Ông Sơn cho hay tại trạm BOT Điện Bàn hiện tụt khoảng 60% doanh thu. Trạm BOT phải tăng phí bởi trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều tuyến đường như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và nhiều đường vòng, tránh, làm trạm thất thu lớn. "Doanh nghiệp của chúng tôi khá bức xúc... Câu chuyện này bộ phải lo, nếu không tăng được giá dễ dẫn đến doanh nghiệp vỡ phương án tài chính, không hoàn vốn được theo hợp đồng" - ông Sơn nói. (LÊ TRUNG) |
Một số dự án BOT phía Nam hụt thu năm 2018 được đề xuất tăng phí Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu được đề xuất sẽ tăng phí - Ảnh: T.T.D. Mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1125 - km1153, tỉnh Bình Định (doanh thu chỉ đạt 49% dự báo trong hợp đồng BOT) Mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1212 - km1265 qua Bình Định, Phú Yên (doanh thu đạt 72-90% dự báo) Mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1642 - km1692, tỉnh Bình Thuận (doanh thu đạt 84% dự báo) Mở rộng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (doanh thu đạt 77% dự báo) Mở rộng quốc lộ 1 đoạn km2118 - km2127 và xây dựng tuyến tránh TP Sóc Trăng (doanh thu đạt 76% dự báo) Nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1K trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM (doanh thu đạt 91% dự báo) Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 (doanh thu đạt 88% dự báo) (T.PHÙNG) |
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông): "Xem lại chính sách 3 năm tăng phí BOT 1 lần" Để tăng phí cho hàng chục trạm BOT đến hạn như hiện nay là không thể. Cần làm rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về bên nào, doanh nghiệp BOT cũng phải chịu một phần rủi ro về lưu lượng xe. Đặc biệt, khi các điểm nóng BOT chưa hạ nhiệt, nên xem xét từng dự án cụ thể trên cơ sở minh bạch nguồn thu. Cần xem lại chính sách 3 năm tăng phí 1 lần cho các dự án BOT. Cần đặt trong bối cảnh phát triển hạ tầng dài hạn ở VN chắc chắn sẽ còn thiếu hụt vốn, rất cần sự tham gia của tư nhân. Vì vậy nếu xử lý không khéo bài toán BOT giao thông thì chi phí đầu tư tương lai có thể đắt hơn rất nhiều. |
BẢO NGỌC