Bộ trưởng Tài chính: 'Giải ngân vốn ODA chậm đáng báo động'
Bộ trưởng Tài chính: 'Giải ngân vốn ODA chậm đáng báo động'
Số vốn đã giải ngân cho giai đoạn 2016 - 2020 hiện vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch, theo Bộ Tài chính.
Tại hội nghị trực tuyến về tiến độ giải ngân vốn ODA ngày 26/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu cho thấy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao là 244.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019 chỉ hơn 133.000 tỷ đồng, mới đạt xấp xỉ 37% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải
|
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ ngành và địa phương hiện rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều nơi không có nguồn để giải ngân.
Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch, tiến độ triển khai cũng như với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu cần bổ sung là trên 34.000 tỷ đồng.
Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ tồn tại kéo dài. Một số đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn, như dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh Thanh Hóa, chương trình đào tạo nghề 2008...
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định rất phức tạp qua nhiều cấp. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Ví dụ dự án nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long, dự án Phát triển đô thị loại vừa vay vốn World Bank, đường hành lang ven biển phía Nam...
Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định mức độ trung bình giải ngân của Việt Nam chỉ bằng một nửa giai đoạn trước và so với các nước cùng nhận tài trợ từ ADB.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thủ tục. Ông dẫn chứng, ngay cả những thay đổi nhỏ trong các dự án như bổ sung phạm vi, gia hạn khoản vay trong 6 tháng, thay đổi cơ cấu chi phí, sử dụng các khoản dự phòng... cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khi chờ đợi, các hoạt động, thanh toán đều bị tạm dừng.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc giải ngân chậm sẽ làm phát sinh chi phí, Chính phủ phải trả phí cam kết cao hơn, chậm trễ, thậm chí dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị cũng dẫn chứng từng dự án cụ thể đang gặp khó khăn bởi những sự chậm trễ giải ngân nói trên. Đại diện TP HCM cho biết, trong năm 2019, nhu cầu vốn ODA cấp phát ngân sách trung ương cho 5 dự án là 11.491 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ phê duyệt bố trí vốn cho 3 dự án với tổng mức 199 tỷ đồng. Trong đó, dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên cần 7.000 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước có nhu cầu cấp vốn 2.500 tỷ đồng đều không được bố trí.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội. Địa phương này cho biết, dự toán giao hàng năm cho các dự án đều thiếu, song năm 2019 là đỉnh điểm của thiếu vốn khi nhu cầu là 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ được giao 310 tỷ đồng. Vị này kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép sử dụng vốn bổ sung trung hạn để trả các đơn vị tư vấn và nhà thầu, hiện nợ khoảng 400 tỷ đồng.
Nguyễn Hà