Chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc, Shanghai vọt 2.4%
Chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc, Shanghai vọt 2.4%
Chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc vào sáng ngày thứ Năm (20/06) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, nhưng để ngỏ khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới.
Tính tới lúc 14h25 ngày thứ Năm (20/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 69.32 điểm (tương đương 2.38%), còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 280.45 điểm (tương đương 0.99%) khi ông lớn Tencent vọt 1.61%.
Trên thị trường Nhật Bản, Nikkei 225 tiến 0.60%, còn Topix cộng 0.31% khi hầu hết lĩnh vực đều leo dốc. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất, nhấn mạnh rủi ro đang gia tăng về các vấn đề như căng thẳng thương mại.
“Rủi ro suy giảm liên quan tới những nền kinh tế bên ngoài đang lớn, vì vậy chúng tôi phải theo dõi tác động của chúng tới tâm lý doanh nghiệp và hộ gia đình tại Nhật Bản”, BoJ cho biết trong tuyên bố.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0.31%. Chỉ số ASX 200 của Australia cộng 0.59%.
Nguồn: CNBC
|
Đêm qua, chứng khoán Mỹ lại tăng điểm, tiếp tục củng cố đà tăng trong tháng này, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra gợi ý sắp tới sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 38.46 điểm lên 26,504, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0.3% đóng cửa ở mức 2,926.46. Nasdaq Composite tăng 0.4% lên 7,987.32.
Tại cuộc họp chính sách tháng 6, Fed giữ nguyên lãi suất như kỳ vọng chung của nhiều người. Mặc dù không phát đi tín hiệu rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất trong trong năm nay, Fed đã loại bỏ từ “kiên nhẫn” ra khỏi phát biểu của mình và nói rằng họ sẽ hành động “một cách phù hợp” để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Các dự báo về lãi suất của Fed, được công bố cùng với báo cáo hôm thứ Tư, cho thấy 8 thành viên của Fed đều nhắm tới việc cắt giảm trong năm nay. Đây cũng là tín hiệu mà các nhà giao dịch đinh ninh rằng Fed đang tiến gần đến việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, ý kiến bình quân của toàn thị trường vẫn cho rằng không phải trong năm này mà tới năm 2020 mới tiến hành cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết trong cuộc họp báo rằng một số quan chức của Fed tin tưởng tình huống phải nới lỏng chính sách càng ngày càng rõ ràng.
“Đây chính là kịch bản cơ bản của chúng tôi. Rốt cục, Fed đã ‘mở cửa’ cho việc cắt giảm. Trước đó, họ đã duy trì sự độc lập trước một số hành động muốn giảm lãi suất từ chính quyền,” ông Charlie Faranello, làm việc công ty Chứng khoán AmeriVet, cho biết. “Trong ngắn hạn, điều này sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế. Nếu các số liệu cho thấy cần phải cắt giảm, Chủ tịch sẽ nói rằng Fed đã sẵn sàng điều chỉnh chính sách.”
Kỳ vọng về mức lãi suất thấp hơn đã giúp thị trường hồi phục trong tháng này sau màn trình diễn “nóng bỏng” trong tháng 5. Các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều tăng hơn 6% trong tháng 6.
Trong khi đó, hy vọng Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại ngày càng gia tăng ở Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp gặp mặt ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản – dự kiến diễn ra vào tuần tới. Ông Trump cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai nhóm thương mại sẽ bắt đầu trước khi ông Trump gặp ông Tập.
“Việc họ bắt đầu trao đổi trở lại đã là một tín hiệu tốt”, Sian Fenner, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nói trên chương trình “Street Signs” trong ngày thứ Năm (20/06). “Những gì chúng tôi đang hy vọng là ít nhất chúng ta sẽ thấy căng thẳng lắng xuống vì vậy sẽ không có bước leo thang thuế quan nữa”.
“Liệu có tiến tới thỏa thuận tại cuộc gặp này? Nhiều khả năng là không, vì còn quá nhiều rào cản mà họ phải vượt qua”, bà nói, đồng thời nói thêm cả hai bên phải đưa ra bước nhượng bộ.
FILI