ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành: Năm 2019 sẽ giải quyết tất cả tồn đọng, dự kiến lỗ ròng 588 tỷ đồng
Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành: Năm 2019 sẽ giải quyết tất cả tồn đọng, dự kiến lỗ ròng 588 tỷ đồng
Chiều ngày 24/06, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), ông Mai Hữu Tín cho biết: “Tôi biết cổ đông đã buồn về TTF trong 2 năm qua, nhưng chúng ta phải xử lý vấn đề để có thể tiếp tục. Tôi có lòng tin và khả năng để thực hiện điều đó".
Năm 2019 sẽ lỗ ròng 588 tỷ đồng
Ban lãnh đạo TTF cho biết, năm 2018, TTF chọn lọc bớt khách hàng và dành thời gian để xử lý những vấn đề tồn đọng của các năm trước để lại.
Kế hoạch năm 2019, TTF trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu thuần hơn 1,234 tỷ đồng và vẫn tiếp tục chịu lỗ gộp. Bên cạnh đó, các chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp dự kiến vẫn rất lớn, với các chỉ tiêu lần lượt gần 147 tỷ đồng và hơn 273 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu là vì TTF sẽ có những khoản xử lý đưa vào đây. Chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay. Về phần chi phí doanh nghiệp, phía TTF cho biết sẽ có những khoản trích lập dự phòng thêm đối với những tồn đọng cũ của Công ty.
Kết quả, TTF dự kiến sẽ lỗ ròng 588 tỷ đồng trong năm 2019. “Năm nay sẽ là năm giải quyết tất cả các tồn đọng từ trước đến nay” - vị đại diện TTF phát biểu.
Nguồn: TTF
|
Đại diện Công ty khẳng định nếu không thực hiện trích lập, thực tế TTF vẫn có lãi đối với hoạt động kinh doanh năm 2019. Sang năm 2020, TTF sẽ "sạch" toàn bộ, không còn ảnh hưởng bởi những vấn đề quá khứ.
Ông Tín cho biết thêm: "Chúng tôi tăng vốn rất lớn từ ngày vào TTF đến nay, và đã lỗ rất lớn kể từ ngày đó. Những khoản lỗ này không phải chúng tôi giấu cổ đông, mà nói cho đúng là người khác giấu chúng tôi. Chúng tôi rất vất vả để truy từng con số một ẩn giấu rất nhiều năm. Chúng ta đã đi đến con số cuối cùng.
Tôi là cổ đông lớn nhất, tôi phải chấp nhận con số đó. Ta phải chấp nhận để đi đến tận cùng thì mới có thể lập lại một cuộc chơi mới".
Các con số trích lập, dự phòng trong năm 2019 đã là cuối cùng chưa? – một cổ đông hỏi.
Ông Tín khẳng định: "Hôm nay là lúc mà tôi thoải mái đứng trước các anh chị, tự tin nói rằng giờ tôi đã biết chính xác tôi có những gì, có con số thế nào. Cái khó nhất là ý chí, để ta đẩy TTF đi đúng kế hoạch mà chúng ta mong muốn. Đó là trở thành doanh nghiệp nội thất số 1 Việt Nam. Chúng ta có con người, quan hệ, năng lực để giúp TTF đi thật xa. Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy tự tin hơn lúc này".
TTF còn rất nhiều kế hoạch để trở thành Công ty tỷ USD vào năm 2030. TTF sẽ còn phải sáp nhập, hợp tác với nhiều đối tác khác. Ông Tín cho biết TTF sẽ hợp tác với những công ty hàng đầu của thế giới.
“Tình hình trước mắt là rất sáng. Nhưng có một điều tôi lo lắng chính là chi phí nhân công có thể tăng rất nhanh. Chứ tôi không lo về vốn, thị trường, khách hàng, khả năng của anh em. Thực tế, TTF hiện đang không cần thêm nguồn tiền nữa. Về phát hành thêm thì cũng để cho giá cổ phiếu lên 10,000 đồng/cp thì mới dám phát hành chứ.” - Ông Tín dí dỏm.
Đẩy mạnh hợp tác cùng BOHO DÉCOR, phát triển sản phẩm mới cùng Sứ Thiên Thanh
Năm 2019, TTF sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác lớn, như: Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, Sun Group,…
Với đối tác Vingroup, TTF và ông lớn bất động sản này thực hiện hợp đồng trên cơ sở các đơn hàng lần lượt, chứ không phải một lần. “Vingroup hợp tác rất tốt với TTF. Đương nhiên chúng ta vẫn đấu thấu bình thường với những nhà cung cấp khác, và chúng ta thắng. Chứ không phải chúng ta yêu cầu họ phải giao cho ta". Về khoản nợ với Vingroup thì TTF đang chịu lãi khoảng 6.5%.
Về Sứ Thiên Thanh, TTF sẽ cung cấp và bổ sung các nguồn lực để mở rộng hơn nữa thương hiệu này. Công ty dự kiến nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm trong thời gian sắp tới kết hợp giữa gỗ và các sản phẩm thiết bị vệ sinh, để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp, mở rộng tập khách hàng.
Sứ Thiên Thanh đang làm 450,000 sản phẩm mỗi năm, TTF đang cố gắng đẩy năng suất lên 800,000 sản phẩm vào đầu năm 2020. Sứ Thiên Thanh vẫn đang hoạt động có lãi, thị trường trong nước tăng trưởng 20%. TTF sẽ lấy Sứ Thiên Thanh làm nhà cung cấp, nâng cấp chất lượng sản phẩm Sứ Thiên Thanh lên và sẽ xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện, Sứ Thiên Thanh đang nghiên cứu phát triển sản phẩm gỗ kết hợp sứ vệ sinh. “Có một thị trường xuất khẩu trị giá 4 tỷ USD cho những sản phẩm này, TTF cùng Sứ Thiên Thanh sẽ cố gắng khai thác nó" - đại diện TTF cho biết.
Về mảng rừng, TTF vẫn chưa bán được, việc này “rất khó khăn chứ không phải dễ dàng!”, ông Tín cho biết. “Nhưng rừng khi bán thì chắc chắn sẽ không lỗ, vì thế mà chúng tôi không đưa vào dự phòng. Hy vọng năm sau bán được thì sẽ lời một mớ cho quý vị".
Được hỏi về hàng tồn kho của TTF, ông Tín phân tích: “Gỗ chúng ta tồn mênh mông, chỉ việc bảo quản chừng đó gỗ thì cũng mất ăn mất ngủ. Nhưng chúng ta không thể bán tháo, vì sẽ bị ép giá. TTF có một ban thanh lý đi kiểm kê từng thanh gỗ một, để TTF có thể bán một cách thận trọng, bán đúng giá nhất. Đương nhiên, có những thứ chúng ta giữ lại xài và có những thứ chúng ta không thể nào bán được. Chúng ta trích lập trước và sẽ bán lần lượt từ từ, không thể vội vã. Về mặt pháp lý ta phải bảo đảm, về mặt kinh tế ta phải chắc chắn. Chúng ta đã thanh lý được nhiều lắm là 1/4 kho gỗ, nhưng vui ở chỗ là ta đã trích lập dự phòng được tất cả".
Nhắc đến cổ đông lớn Đồng Tâm, ông Tín cho biết Đồng Tâm hiện có 39 phòng trưng bày, đó là những showroom của Đồng Tâm. TTF sẽ được bán các mặt hàng và trưng bày tại những nơi đó. Điều này một phần giúp Công ty không phải đầu tư xây hệ thống bán lẻ. Thêm nữa, nhiều sản phẩm của Đồng Tâm tương thích với TTF và có thể bán cùng trong các công trình, như là các sản phẩm cửa, sàn nhà,...
Về năng lực thiết kế, ông Tín cho biết TTF đã có riêng một phòng thiết kế. Công ty đang tăng dần nhân sự ở mảng này bằng hoạt động tuyển dụng, hoặc sẽ cộng tác với nhiều bên (ví dụ là hội kiến trúc sư trẻ Việt Nam). Đáng chú ý, ông Tín chia sẻ rằng TTF cũng đang gặp gỡ với những nhà thiết kế nổi tiếng của thế giới: “Chúng ta mua bản quyền của họ và trả phí bản quyền sử dụng. Có những thiết kế trị giá hàng trăm nghìn USD, chúng ta mua bản quyền và sử dụng những thiết kế đó để làm sản phẩm. Chúng ta phân chia lợi nhuận với họ, mượn chất xám của họ để tăng khả năng của chúng ta".
TTF cũng sẽ tìm kiếm các đơn vị tiềm năng hợp tác để tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công để tạo ra “giải pháp nội thất toàn diện”. Năm 2019, TTF cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác với BOHO DÉCOR (một đơn vị lớn về năng lực thiết kế thi công) nhằm thúc đẩy lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất mang tính dự án tại Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Tín tiết lộ rằng BOHO DÉCOR và TTF đã ký một hợp đồng để TTF cung ứng sản phẩm cho tất cả các công trình của Unicons, Coteccons (CTD).
TTF đẩy mạnh hàng xuất khẩu, dự kiến tăng doanh thu qua các thị trường khó tính (như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ý,…) và thông qua các nhà bán lẻ uy tín (như IKEA, Ashley, At Home, Kosmo,…).
Công ty tiếp tục việc chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con, liên kết, liên doanh nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc sản xuất chính tại công ty mẹ.
Con trai Chủ tịch Đồng Tâm sẽ vào HĐQT
Nguồn: Đại hội thường niên 2019 của TTF.
|
Tại Đại hội lần này, TTF cũng sẽ trình cổ đông thông qua một loạt các tờ trình liên quan đến việc thay đổi các vị trí trong bộ máy nhân sự cấp cao. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ông Mai Hữu Tín sẽ thôi giữ vị trí Tổng Giám đốc và thay thế ông Hồ Anh Dũng (từ nhiệm) giữ chức Chủ tịch HĐQT. Theo thông tin công bố trước Đại hội, Thành viên HĐQT - ông Nguyễn Trọng Hiếu sẽ được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc TTF.
Đáng lưu ý, con trai của "ông bầu" Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Đồng Tâm) là ông Võ Quốc Lợi cũng sẽ được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT TTF.
Về luân chuyển nhân sự cấp cao đợt này, ông Tín cho biết đây là động thái để thúc đẩy hơn các hoạt động quản lý, quản trị được tốt hơn. “Chúng ta đã triển khai được hệ thống quản lý ERP, hệ thống của TTF là loại tối tân nhất tại Việt Nam, chưa một nhà máy gỗ nào có cả. Chúng ta hình thành các năng lực lõi về công nghệ, quản trị để rồi sau đó có thể nhân rộng lên khi công ty phát triển". – ông Tín nói.
Cuối cùng, Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
FILI