Doanh nghiệp ngoại lo rủi ro khi tham gia hợp tác công tư
Doanh nghiệp ngoại lo rủi ro khi tham gia hợp tác công tư
Luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhận được nhiều góp ý từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Góp ý tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), ông Tomaso Andreatia, Phó chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết tổ chức này đã gửi 109 kiến nghị để cải thiện Luật về Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Theo EuroCham, điều quan trọng không chỉ là luật này cần được ban hành càng sớm càng tốt, mà còn là xây dựng mối quan hệ tin cậy lâu dài và các quy tắc rõ ràng giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường.
"Cơ sở hạ tầng là một vấn đề đầu tư lâu dài, không chỉ là sự cần thiết của một cơ chế ra quyết định minh bạch và nhanh chóng để khởi động dự án, mà cần lưu ý rằng những thay đổi bất ngờ từ phía Chính phủ hoặc đối tác tư nhân có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng", đại diện EuroCham cho biết.
Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Ảnh: Giang Huy
|
Đơn vị này cũng chỉ ra hai "di sản" lớn mà Việt Nam cần vượt qua để đưa PPP thực thi có quy mô. "Di sản" đầu tiên được EuroCham nhắc đến là cần minh bạch các dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, không phải dự án của Chính phủ, vì vậy các dự án này cần tuân theo quy định thông thường. Yêu cầu thứ hai là giảm thiểu suy nghĩ "cái gì không được quy định thì sẽ không tồn tại", làm giảm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp.
"Khi Việt Nam ngày càng phát triển, vai trò của Nhà nước cần được thể hiện rõ hơn trong việc định hướng, tạo điều kiện và giám sát các hành vi tốt của tất cả các bên tham gia thay vì trực tiếp thực hiện hầu hết các công việc", tham luận của EuroCham nêu.
Cũng đề cập hình thức đầu tư PPP, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JJCI) nhấn mạnh, hình thức đầu tư này là một trong những biện pháp để hạn chế các khoản vay trong bối cảnh nợ công ở mức cao. Tuy nhiên, JJCI cũng nhấn mạnh, mô hình PPP vẫn tiềm ẩn rủi ro với những nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia.
"Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro của Chính phủ để hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư tư nhân, để họ có thể thu hồi vốn một cách an toàn sau khi đã mạo hiểm thực hiện đầu tư", tham luận của JJCI viết.
Hiệp hội này cũng lưu ý về vấn đề chuyển đổi ngoại tệ với dòng tiền đầu tư và áp dụng "pháp luật nước ngoài" làm luật điều chỉnh. Ngoài ra, JJCI cũng cho rằng cần cho phép sử dụng trọng tài nước ngoài trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm "bất động sản" như một điều khoản về giải quyết tranh chấp.
Trong tham luận gửi tới VBF, nhóm công tác hạ tầng cũng bày tỏ, cần xem xét thêm một số điểm của dự thảo Luật PPP.
Luật Đối tác công tư mới, theo nhóm phân tích, không nên có tính ưu tiên áp dụng thấp hơn so với Luật Đầu tư công. Nhóm này cũng cho rằng, bất kỳ sự tham gia nào của nhà nước trong phần vốn chủ sở hữu của một dự án đối tác công tư phải được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước. "Điều này sẽ tránh được bất kỳ quy định chồng chéo nào về ngân sách nhà nước và vốn nhà nước", tham luận viết.
Nhóm công tác cũng đề nghị xem xét vấn đề phân biệt hình thức hỗ trợ của Chính phủ và nghĩa vụ bảo lãnh của doanh nghiệp Nhà nước trong vai trò là nhà cung cấp hoặc bên bao tiêu sản phẩm.
Minh Sơn