Genco 3 đặt mục tiêu năm 2019 với tổng doanh thu tới 42,550 tỷ đồng
Genco 3 đặt mục tiêu năm 2019 với tổng doanh thu tới 42,550 tỷ đồng
Ngày 27/06 tới, Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3, UPCoM: PGV) sẽ tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhằm thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 cũng như kế hoạch 2019.
Theo đó, năm 2019, PGV trình cổ đông mục tiêu sản lượng điện 32,570 triệu kWh, tăng gần 7% so với năm 2018. Tổng doanh thu 42,550 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Còn lợi nhuận trước thuế 409 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ trước thuế 519 tỷ đồng của năm 2018. Trong đó, đáng chú ý là lợi nhuận từ sản xuất điện đóng góp chính yếu với 1,350 tỷ đồng
Sản lượng điện trong 5 tháng đầu năm của PGV đạt mức 14,371 triệu kWh, xấp xỉ cùng kỳ 2018 và đạt hơn 40% kế hoạch cả năm. Doanh thu mang về 17,832 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2018.
Nói về tình hình kinh doanh năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu về sản lượng, tổng doanh thu và lợi nhuận thuần của PGV đều đạt kế hoạch đề ra, thậm chí vượt kế hoạch ở khoản mục tổng lợi nhuận cả giai đoạn trước và sau khi cổ phần hóa. Cụ thể, tổng doanh thu đạt mức 38,134 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Còn tổng lợi nhuận chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá đạt mức 2,088 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch đề ra trong đó lợi nhuận từ sản xuất điện đạt 1,703 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch.
Thêm dự án vận hành thương mại, nghiên cứu đầu tư dự án điện khí
Đáng chú ý, năm qua, dòng tiền của PGV chuyển động khá lớn khi khả năng trả nợ vốn vay gồm cả gốc và lãi tới 4,807 tỷ đồng, chi hơn 2,225 tỷ đồng đầu tư thuần các dự án.
Kế hoạch năm 2019, PGV dự kiến chi 5,484 tỷ đồng để trả nợ vốn vay (cao hơn nhiều so với con số của năm 2018) và đầu tư thuần hơn 1,186 tỷ đồng. Kế hoạch này cho thấy khả năng tạo ra dòng tiền của PGV trong năm 2019 khá lớn.
Trong năm nay PGV sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án mình làm chủ đầu tư như Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42.65 MWp) - dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào tháng 6/2019... Tổng Công ty cũng xúc tiến bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng dự án Điện mặt trời Ninh Phước 7 (200 MWp), Buôn Kuốp và Srêpók 3 (100 MW)... Bởi PGV luôn chú trọng phát triển đồng bộ các dạng năng lượng, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, đồng thời củng cố và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, những dự án này sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với các dự án PGV thực hiện tư vấn quản lý dự án gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tiếp tục quyết toán hoàn thành dự án; còn nhiệt điện Vĩnh Tân 4 MR phấn đầu phát điện thương mại trước 30/10/2019 sớm hơn tiến độ đề ra trong hợp đồng khoảng 2 tháng.
Điểm nhấn đáng chú ý là ngoài các dự án điện mặt trời, PGV cũng sẽ xúc tiến đầu tư các dự án nguồn điện mới như Trung tâm Điện lực Long Sơn sử dụng khí LNG nhập khẩu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi theo Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, để phát triển nguồn điện đạt quy mô 130,000 MW vào năm 2030, Việt Nam cần bổ sung nguồn điện mới cùng với đảm bảo nguồn cung ứng nhiên liệu cho vận hành các nhà máy điện, xem xét đa dạng hóa nguồn nhiên liệu sơ cấp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Xu hướng phát triển các dự án điện khí sử dụng LNG là lựa chọn tất yếu của hệ thống điện Việt Nam, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng điện trung bình hơn 10%/năm trong thời gian tới.
Như vậy, ngoài các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời với hiệu suất hoạt động đem lại kết quả cao, điện khí cũng sẽ góp phần gia tăng nguồn thu vững chắc cho PGV trong tương lai.
Fili