Miễn nhiệm ông Trần Ngọc Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM
Miễn nhiệm ông Trần Ngọc Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM
Ông Trần Ngọc Hà - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) bị miễn nhiệm là người đại diện vốn nhà nước tại công ty này.
Ông Trần Ngọc Hà phát biểu tại một hội nghị đầu năm 2018 - Ảnh: VEAM
|
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết trong đó nêu việc thống nhất miễn nhiệm ông Trần Ngọc Hà - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) trong vai trò là người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Văn bản được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Bí thư thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương ký ngày 10-6-2019 nêu rõ đã thống nhất thông qua chủ trương miễn nhiệm đối với ông Trần Ngọc Hà.
Nghị quyết cũng giao Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ có văn bản đề nghị Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Công Thương xem xét xử lý về mặt đảng đối với ông Trần Ngọc Hà phù hợp với việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM và miễn nhiệm Người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, chức danh Thành viên Hội đồng quản trị VEAM của ông Trần Ngọc Hà.
Trước đó, ngày 29-3, Hội đồng quản trị VEAM đã chính thức ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà. Lý do bãi nhiệm không được công bố chi tiết. Ông Hà khi bị bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đang làm người đại diện 18,47% vốn nhà nước tại VEAM.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng phương án để thực hiện vai trò đại diện vốn nhà nước tại VEAM, thay thế cho ông Trần Ngọc Hà sau khi quyết định miễn nhiệm được chính thức ban hành.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, từ kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, VEAM hiện là doanh nghiệp sở hữu 88,47% vốn nhà nước nhưng chủ yếu các khoản lãi đều đến từ hoạt động liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ôtô và từ tiền lãi gửi ngân hàng.
Trong khi đó, một loạt các dự án đầu tư của VEAM được thực hiện đều thua lỗ và kém hiệu quả. Đơn cử như việc rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM (VM) không thông qua hội đồng thành viên lên tới hàng trăm tỉ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư lên tới 331,8 tỉ đồng.
VM đã liên tục được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 462,46 tỉ đồng lên 698,67 tỉ đồng từ năm 2004 - 2013, trong khi công suất thiết kế không thay đổi.
Ngoài ra là các phi vụ chi ra gàn 79 tỉ đồng mua 1.500 linh kiện từ Công ty Mekong Auto (MKA), trong khi chưa có phương án kinh doanh, tiêu thụ. Đồng thời rót trên 1.634 tỉ đồng mua 3.000 bộ linh kiện mà không thực hiện việc tham khảo giá, đàm phán giá, vượt thẩm quyền được giao.
Thanh tra Bộ Công thương cho biết đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Ngọc An