Ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD
Ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD
Chiều 17/6/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời thông báo những kết quả đạt được của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2019.
Ảnh minh họa
|
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp ước tăng 2,7-2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn ngành cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 2,1%
Ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi) tăng khoảng 1,68%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,53% và thủy sản tăng khoảng 6,5%.
Tính đến hết tháng 6, cả nước đã gieo cấy được 5.403 nghìn ha lúa, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018; thu hoạch được 3.123,7 nghìn ha, tăng 0,7% cùng kỳ năm 2018. Ước năng suất lúa bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 66 tạ giảm 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 23,3 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Về chăn nuôi, đàn bò tăng khoảng 2,9% (sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 193 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018); đàn gia cầm tăng 11-12%. Riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng ra 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,6 triệu con.
Do vậy, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ...
Đối với ngành lâm nghiệp, ước đến hết tháng 6/2019, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 105 nghìn ha, tăng 0,6%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 6,5 triệu m3, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng ước đạt hơn 3,78 triệu tấn; tăng 6,2% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác ước đạt 1,88 triệu tấn, tăng 5,4%; nuôi trồng ước đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 19,75 tỷ USD, tăng 2,1% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm hàng nông sản giảm 8,8%; thủy sản tăng 0,7%; lâm sản tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ về tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu.
Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho hay, ngày 18/6/2019, tại Tp.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì "Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau hai năm triển khai nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.
Diện mạo nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Tính đến tháng 6/2019, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,6%), gấp hơn 2,7 lần so với thời điểm năm 2015.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.
Thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải đối mặt với các thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nhanh chóng hoàn chỉnh Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, an toàn trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản; đảm bảo sự phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững theo 3 vùng vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển...
Chu Khôi