Nông sản bị kiểm soát "gắt" hơn khi thực thi các Hiệp định thương mại tự do
Nông sản bị kiểm soát "gắt" hơn khi thực thi các Hiệp định thương mại tự do
Bộ NNPTNT và Bộ Công thương cùng nhận định: Bên cạnh các cơ hội, thì những thách thức mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại là không ít.
Sáng 26.6, cùng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì hội nghị đánh giá những cơ cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh:
Ngày 30.6.2019 tới đây, cả 2 Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết. Đây là những Hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, khi tham gia vào các Hiệp định FTA, nền kinh tế nói chung của Việt Nam và ngành nông nghiệp nói riêng cũng đối diện nhiều thách thức.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, khi các Hiệp định Thương mại tự do lớn như: EVFTA, CPTPP được thực hiện, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp sự gia tăng cạnh tranh với hàng NK khi hàng rào thuế quan dần được cắt giảm; các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước NK hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn; vấn đề sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, minh bạch hóa thông tin về lao động được đề cao…
Gạo Việt Nam sẽ bị gạo Thái Lan, Campuchia, Myamar cạnh tranh; thủy sản trong đó đặc biệt là tôm và cá tra của Việt Nam sẽ bị các sản phẩm của Agentina, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh cạnh tranh. “Hàng loạt vấn đề đặt ra, trong đó vấn đề an toàn thực phẩm, tòn dư hóa chất bảo vệ thực vật cần được giải quyết sớm và triệt để” - ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược và phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các FTA, điển hình như CPTPP, EVFTA đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho XK sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như: Thủy sản, lâm sản, đồ gỗ, rau quả, trái cây và các nông sản khác (gạo, càphê, caosu...).
Tuy nhiên, cũng sẽ có những thách thức lớn đối với XK nông sản Việt Nam, đó là: Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn; sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội...
"Để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
M.M