Rủi ro gì từ làn sóng tìm vốn ngoại tệ ở nước ngoài?
Rủi ro gì từ làn sóng tìm vốn ngoại tệ ở nước ngoài?
Không chỉ tăng cường huy động vốn trong nước, các ngân hàng trong hai năm trở lại đây còn tích cực tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng này và liệu có rủi ro nào đối với các ngân hàng từ chiến lược trên?
VPbank vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế. Ảnh: THÀNH HOA
|
Làn sóng tìm vốn ngoại tệ nước ngoài
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế. Theo đó, phương án 1 sẽ phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm trong năm nay và năm 2020, phương án 2 phát hành 120 triệu đô la trái phiếu doanh nghiệp xanh kỳ hạn ba năm với mục đích tài trợ cho danh mục xanh/khoản vay đáp ứng tiêu chí xanh.
Vào đầu tháng 6 này, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu đô la trái phiếu quốc tế, với thời gian phát hành dự kiến từ ngày 28-6 đến 12-7-2019. Hay như trước đó vào cuối tháng 9-2018, HDBank cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu đô la trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm 1 ngày với lãi suất cố định cho dưới 100 nhà đầu tư.
Trong bối cảnh rủi ro lãi suất ngoại tệ và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng hiện nay cũng như giai đoạn tới đã giảm xuống đáng kể, trong khi nhu cầu tăng vốn tự có, vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn tiếp tục rất lớn, nhưng nguồn lực tài chính trong nước có những hạn chế nhất định, thì con đường tìm kiếm vốn ngoại tệ ở nước ngoài dường như là chiến lược phù hợp nhất hiện nay. |
Không chỉ phát hành trái phiếu ngoại tệ, các ngân hàng còn tích cực tìm kiếm vốn nước ngoài thông qua các hợp đồng tín dụng hay tài trợ thương mại trong hai năm trở lại đây. Đơn cử như vào cuối tháng 8 năm ngoái, LienVietPostBank đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu đô la, kỳ hạn ba năm với JPMorgan Chase Bank, N.A., chi nhánh Singapore. Tiếp đến, vào tháng 9 cùng năm, đến lượt SHB ký kết khoản vay 20 triệu đô la với Ngân hàng Đầu tư quốc tế Nga (IIB) và 20 triệu euro với Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế Nga (IBEC).
Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cũng là tên tuổi quen thuộc thường xuyên cung cấp các gói tài trợ thương mại hoặc cho vay ngoại tệ đối với các ngân hàng trong nước. Trong năm 2018, IFC đã cho OCB vay 100 triệu đô la, cho TPBank vay 100 triệu đô la sau khi đã rót 405 tỉ đồng vào TPBank để sở hữu 5% vốn của ngân hàng này từ năm 2016. Trước đó, trong năm 2017, ABBank cũng đã được nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu đô la từ IFC và VIB nhận gói tài trợ 185 triệu từ IFC và ba ngân hàng ngoại với kỳ hạn năm năm.
Nhận diện rủi ro
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài đầu tiên sẽ nhằm mục tiêu tăng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Theo quy định hiện tại, các giấy tờ có giá (GTCG) kỳ hạn từ năm năm trở lên sẽ được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng (TCTD). Do đó, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu bằng tiền đồng cũng như ngoại tệ, như ACB gần đây đã phát hành 2.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm, VietinBank muốn phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay.
Nếu như phát hành trái phiếu bằng nội tệ thường đòi hỏi lãi suất phải đủ cao để thu hút nhà đầu tư, do phải đảm bảo bù được lạm phát và hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên, thì phát hành trái phiếu ngoại tệ có thể được lãi suất “dễ chịu” hơn, từ đó tiết giảm chi phí tài chính cho các TCTD. Đối với các trái phiếu hoặc khoản vay có lãi suất thả nổi, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giảm lãi suất trở lại trong thời gian tới, thì rủi ro lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể so với những năm trước.
Đáng lưu ý là đối với các khoản vay ngoại tệ, ngoài rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá cũng quan trọng không kém, do các ngân hàng thường chuyển phần lớn nguồn vốn ngoại tệ này sang tiền đồng để cho vay nhằm có được biên độ lãi suất cao hơn, với điều kiện mức độ phá giá tiền đồng phải thấp hơn lợi ích đạt được từ việc chuyển đổi này. Cụ thể nếu ngân hàng bán ngoại tệ lấy tiền đồng cho vay với lãi suất cao hơn 4%/năm so với cho vay ngoại tệ, thì mức độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ phải dưới mức tối thiểu 4%, nếu không sẽ bị thiệt hại.
Trong những năm qua, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước được kiểm soát khá ổn định, theo đó mức độ phá giá trên thị trường chính thức mỗi năm không quá 2%. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp cũng như ngân hàng mạnh dạn vay đô la Mỹ từ thị trường quốc tế. Diễn biến tỷ giá trong những năm gần đây cũng có thể dự báo được, khi nhà điều hành có những cam kết và chính sách can thiệp khi cần thiết.
Với triển vọng nguồn cung ngoại tệ từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục dồi dào, thì tiền đồng được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng ổn định so với đô la Mỹ, nhất là khi đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang có dấu hiệu đi xuống trở lại sau khi Fed bày tỏ khả năng đảo ngược chính sách.
Ngoài mục tiêu tăng vốn tự có, việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ kỳ hạn dài còn giúp các ngân hàng tăng được nguồn vốn trung và dài hạn, đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh doanh trong giai đoạn kế tiếp, nhất là trong bối cảnh nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ tiếp tục giảm về 30% trong giai đoạn 2021-2022, do đó nhu cầu vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn rất cấp thiết. Với những ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ, cho vay tiêu dùng thì nhu cầu vốn trung và dài hạn là rất lớn.
Mặt khác, từ khi nhà điều hành đưa trần lãi suất huy động đô la Mỹ về 0% từ cuối năm 2015, nguồn vốn huy động ngoại tệ tại các ngân hàng sụt giảm, hoặc có xu hướng chảy về những ngân hàng lớn có thế mạnh về ngoại tệ như Vietcombank. Trong khi đó, nhu cầu vay ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn rất lớn. Do đó, các ngân hàng nếu không có nguồn vốn ngoại tệ thì sẽ mất dần thị phần ở nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Như tại VPBank, tiền gửi của khách hàng bằng ngoại tệ quy đổi sang tiền đồng đến cuối quí 1-2019 là gần 4.970 tỉ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng là gần 6.790 tỉ đồng. Đáng lưu ý là nếu so với cuối năm 2018, trong khi tiền gửi khách hàng bằng ngoại tệ giảm 15% thì dư nợ cho vay ngoại tệ lại tăng mạnh 41%. Còn nếu so với thời điểm cuối năm 2015, tiền gửi khách hàng bằng ngoại tệ của ngân hàng này cũng đã giảm đến 57%, theo xu hướng chung của cả thị trường.
Nói tóm lại, trong bối cảnh rủi ro lãi suất ngoại tệ và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng hiện nay cũng như giai đoạn tới đã giảm xuống đáng kể, trong khi nhu cầu tăng vốn tự có, vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn tiếp tục rất lớn, nhưng nguồn lực tài chính trong nước có những hạn chế nhất định, thì con đường tìm kiếm vốn ngoại tệ ở nước ngoài dường như là chiến lược phù hợp nhất hiện nay.
Thụy Lê