SBV: “Món ngon” khó nuốt
SBV: “Món ngon” khó nuốt
SBV lên sàn như một món ăn lạ giữa giai đoạn hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam. Và rồi cũng theo chân thị trường, cổ phiếu này trải qua khoảng thời gian đáng quên. Tuy vậy, đằng sau cú rơi ấy có vẻ không đơn giản chỉ là một ảnh hưởng liên đới đơn thuần giữa SBV và thị trường.
CTCP Siam Brothers Việt Nam (HOSE: SBV) là doanh nghiệp vốn FDI và cũng là một trong những nhà cung cấp hậu cần ngành cá hàng đầu Việt Nam. Ngày mới lên sàn, cổ phiếu này được săn đón bởi giới đầu tư và nhanh chóng song hành cùng VN-Index bước chân lên những nấc cao.
SBV ngày đó không đơn thuần là trường hợp doanh nghiệp chào sàn gọi vốn thành công mà còn được kỳ vọng sẽ là một người tiên phong cho làn sóng doanh nghiệp FDI, công ty nước ngoài muốn đưa cổ phiếu niếm yết tại thị trường Việt Nam được báo đài đưa tin độ ấy. Nó như một đại diện điển hình cho sự thịnh vượng bất ngờ của thị trường chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ.
Thế rồi, giấc mơ hóa rồng của chứng trường Việt chẳng bao lâu sau thì hứng một gáo nước lạnh. VN-Index trải qua giai đoạn đáng quên, cổ đông của SBV cũng không tránh khỏi chuỗi ngày ưu phiền.
Nhưng, liên đới bởi ảnh hưởng của VN-Index có vẻ không phải lý giải đầy đủ cho “cú búng tay” bay mất gần 60% vốn hóa thị trường của SBV.
Cổ phiếu SBV mất giá gần 60% (đã điều chỉnh) kể từ ngày đầu niêm yết
Nguồn: VietstockFinance
|
“Món ngon”
SBV lên sàn với một lý lịch chào hàng không thể chê, cùng “cộp mác” doanh nghiệp FDI lại càng làm giới đầu tư chú ý.
Được chia sẻ (ngày 19/04/2017) trên website của SBV là lời tựa có cụm “người khổng lồ bước ra ánh sáng”. Theo đó, tổ chức tư vấn niêm yết cho SBV - CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) đã đưa ra mức định giá cao hơn 30% so với giá chào sàn (40,000 đồng/cp trước điều chỉnh) cho cổ phiếu này, cùng những lời có cánh ví SBV như “món ngon”, “quả ngọt” vào buổi roadshow giới thiệu đến nhà đầu tư, trong chuỗi hoạt động hành lang trước ngày cổ phiếu niêm yết.
Một số công ty chứng khoán cũng không tiếc lời: “Kỳ vọng đột phá”, “vượt trội so với doanh nghiệp cùng ngành”, “khuyến nghị OUTPERFORM”.
Kỳ vọng sau cuối cũng chỉ là kỳ vọng. Doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu liên tục nhiều năm bỗng nhiên chững lại ngay sau khi gọi vốn thành công, và rồi lợi nhuận cũng tiêu biến. Giới đầu tư có lẽ bắt đầu trông SBV bằng ánh mắt dè chừng thay thế cho sự háo hức về một “món ăn lạ”.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhưng, vấn đề tại SBV dường như không chỉ nằm ở bề nổi là những kết quả kinh doanh tuột dốc. Tính minh bạch của doanh nghiệp này có lẽ cũng nên được đặt dấu chấm hỏi.
Giao dịch chồng chéo với các bên liên quan
Tại SBV, các tổ chức liên quan đến Ban lãnh đạo (hoặc những cá nhân đã từng nằm trong Ban lãnh đạo) đóng khá nhiều vai trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Những bên liên quan là khách hàng, là nhà cung cấp và thậm chí những tài sản cố định của SBV cũng được mua từ một trong các tổ chức này. Đáng nói hơn, SBV có vẻ sẵn lòng ưu ái giao dịch kiểu “trả trước thu sau” khi làm việc với các đơn vị này.
Ví dụ trong năm 2017, gần 262 tỷ đồng tương ứng quá nửa doanh thu của SBV là bán hàng cho những bên liên quan gồm Công ty TNHH Thương mại Nghĩa Thái và Cửa hàng Ngọc Tỷ. Cuối năm đó, tổng khoản phải thu đối với 2 đơn vị kể trên tại BCTC hợp nhất kiểm toán của SBV vào khoảng 74 tỷ đồng, cao hơn cả giá trị hàng tồn kho ghi nhận.
Năm 2018, việc làm ăn của SBV với Nghĩa Thái và Ngọc Tỷ vẫn “trơn tru”. Đối với riêng 2 tổ chức này, SBV ghi nhận tổng doanh thu bán hàng cả năm là 203 tỷ đồng và một khoản phải thu gần 87 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018.
Số liệu hàng tồn kho và khoản phải thu vào thời điểm cuối mỗi năm. Nguồn:
SBV
VietstockFinance
|
Đương nhiên không thể khẳng định, nhưng với lượng vốn mà các bên Nghĩa Thái và Ngọc Tỷ chiếm dụng được từ việc SBV sẵn lòng bán chịu, họ hoàn toàn có khả năng “tay không bắt giặc”. Hãy thử làm phép so sánh hàng tồn kho của SBV và doanh thu của SBV; doanh thu bán hàng của SBV cho Nghĩa Thái & Ngọc Tỷ và khoản mục phải thu của SBV đối với 2 tổ chức này.
Trong trường hợp kể trên, lợi ích của những cổ đông SBV (mà không có lợi ích tại các bên liên quan) sẽ được bảo vệ và tối đa hóa đến mức nào? Nguy cơ xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông SBV là khá rõ ràng. Thêm nữa, làm ăn mật thiết với các bên liên quan cùng với việc biên lãi gộp giảm mạnh sau ngày lên sàn không lâu thật khiến nhà đầu tư không khỏi đặt dấu chấm hỏi.
Nguồn: Thuyết minh tại các BCTC 2016 – 2018 kiểm toán của SBV, Vietstock tổng hợp
|
Đa phần các tổ chức liên quan kể trên thuộc sở hữu của những người trong cuộc là Chủ tịch Veerapong Sawatyanon và Thành viên HĐQT là bà Ngô Từ Đông Khanh.
Một điểm cần lưu ý khác, ngày 07/05/2018, 2 cá nhân là ông Huỳnh Văn Tỷ và bà Lê Thị Ngọc đã từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT SBV. Với động thái này, từ năm 2019, SBV sẽ không còn trách nhiệm phải công bố các con số doanh thu bán hàng đối với Công ty TNHH Nghĩa Thái (ông Huỳnh Văn Tỷ sở hữu) và Cửa hàng Ngọc Tỷ (bà Lê Thị Ngọc sở hữu).
Người trong cuộc háo hức, cổ đông bên ngoài lạnh nhạt
Trên thị trường chứng khoán, sau cú rơi thị giá vào khoảng cuối 2018 thì bắt đầu thấy được nhiều hơn những giao dịch cổ phiếu từ những người liên quan của Chủ tịch Veerapong Sawatyanon. Tuy vậy, hiếm khi nào mà những cá nhân kể trên thực hiện được các giao dịch một cách trọn vẹn, mà chỉ mua được một phần trong tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua.
Đáng chú ý, chính SBV cũng công bố một đợt mua cổ phiếu quỹ. Tuy vậy, kết thúc thời gian đăng ký giao dịch, Công ty công bố không mua được cổ phiếu nào với lý do không thỏa thuận được mức giá thực hiện.
Cuối tháng 4/2019, buổi họp ĐHĐCĐ thường niên của SBV vắng bóng cổ đông. Hình ảnh mà có lẽ ít ai nghĩ đến khi hồi tưởng những ngày mới chào sàn “nóng sốt” của cổ phiếu này.
VN-Index hiện không còn cái vẻ hào nhoáng của hai năm về trước. Dù vậy, giới đầu tư vẫn tràn đầy hy vọng về thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng với cổ phiếu từng là một phần của quá khứ hào nhoáng đó - SBV, kỳ vọng có vẻ là thứ gì đó xa xỉ hơn rất nhiều. Giờ đây, nói về SBV có lẽ nhà đầu tư sẽ không còn hào hứng kể về một doanh nghiệp FDI niêm yết làm ăn tăng trưởng, mà thay vào đó là cái nhíu mày đầy ái ngại và câu hỏi còn bỏ ngõ về những vấn đề xoay quanh tính minh bạch.
Mong về một món khai vị lạ miệng mở đầu cho bữa tiệc cùng những người ngoại quốc, nhưng đến giờ có lẽ giới đầu tư chỉ nhận được một bản sao khác của những câu chuyện vốn đã ngán ngẩm tại chứng trường Việt.
FILI