Tăng xuất khẩu chính ngạch, bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc

14/10/2019 13:16
14-10-2019 13:16:03+07:00

Tăng xuất khẩu chính ngạch, bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc

Sau một thời gian dài chịu nhiều thiệt thòi, không ít doanh nhân Việt đang đầu tư bài bản để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Viễn cảnh được mùa mất giá, bị ách tắc ở biên giới, bị trả hàng… sẽ giảm.

Tăng xuất khẩu chính ngạch, bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc - Ảnh 1.
Cảnh xe xếp hàng ở cửa khẩu Lạng Sơn để xuất nông sản sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm khi tăng xuất khẩu chính ngạch - Ảnh: L.THANH

Phía Trung Quốc đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe với doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu chính ngạch. Nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ từ chính Việt nam.

Làm ăn bài bản

Bán thanh long qua đường tiểu ngạch nhiều năm, 2 năm trở lại đây Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu chọn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mỗi tháng bán khoảng 20 container 40 feet sang thị trường này, ông Trần Ngọc Hiệp, phó giám đốc công ty, cho biết thị trường Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ lớn, nếu khai thác tốt đường chính ngạch sẽ mang lại hiệu quả lớn.

"Xuất khẩu qua đường chính ngạch doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch động thực vật chặt chẽ hơn, thủ tục bao bì đóng gói cũng phải tuân thủ. Song nếu đáp ứng, vận chuyển thuận lợi thì xuất khẩu chính ngạch có lợi hơn, vì chi phí thấp hơn. Hiện xuất qua đường tiểu ngạch tổng chi phí cho mỗi container thường cao hơn 40 triệu đồng" - ông Hiệp cho hay.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, ông Hiệp cho rằng thị trường Trung Quốc có nhu cầu cả sản phẩm cấp thấp và cấp cao, nên nếu tận dụng tốt thì sẽ là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Hiện chưa có thị trường nào thay thế được Trung Quốc...

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện NutiFood xác nhận sau một thời gian không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp này đang trong những bước thủ tục cuối cùng để có thể xuất chính ngạch những lô sữa đầu tiên vào thị trường 1,4 tỉ dân. Vị đại diện này cho hay để đạt được bước tiến như hiện nay, doanh nghiệp sữa Việt Nam phải trải qua quá trình dài đánh giá của phía Trung Quốc.

Họ yêu cầu doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu phải hoàn thiện bộ hồ sơ có thể nói là "khủng". Muốn đáp ứng, doanh nghiệp phải có quy trình làm ăn bài bản. Dù điều kiện khó khăn nhưng đại diện NutiFood đánh giá sau khi vượt qua, cơ hội ở thị trường Trung Quốc là không nhỏ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu chính ngạch yêu cầu doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vì bán trực tiếp, không thông qua thương lái nên được giá cao hơn. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch cũng an toàn hơn về thanh toán.

Nhiều cảnh báo

Ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho hay sau một thời gian thâm nhập thị trường Trung Quốc qua con đường chính ngạch, đến nay các sản phẩm của công ty ông đã phủ sóng tại Trung Quốc với hơn 10.000 siêu thị, các kênh thương mại điện tử và 50.000 cửa hàng tiện lợi.

Ông Viên cảnh báo ban đầu các doanh nghiệp Việt nên thâm nhập thị trường thông qua kênh cửa hàng, siêu thị, không nên mua đứt bán đoạn hay qua trung gian. Sau khi thành công ở kênh này, nên tiếp tục bán hàng online qua các kênh Taobao, Alibaba... Ông Viên đúc kết: làm ăn với Trung Quốc quan trọng nhất là phải bảo hộ được thương hiệu.

Ông Đặng Phúc Nguyên đưa ra thực tế với ngành xuất khẩu rau quả: khó khăn hiện nay là công tác cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn đóng gói bao bì... triển khai chậm. Nguyên nhân là theo quy định, vùng trồng ứng dụng Vietgap hay GlobalGap phải có diện tích từ 6-10ha trở lên, nhưng nhiều địa phương quy mô vùng trồng của nông dân nhỏ lẻ nên không đáp ứng.

Ông Nguyên cũng cảnh báo: vẫn khó khăn về thủ tục, chỉ một số loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch. Yêu cầu xuất khẩu chính ngạch cao hơn nhiều so với đường tiểu ngạch.

Chính quyền cần vào cuộc

Bắc Giang là vùng trồng cây ăn quả lớn thứ ba toàn quốc, trong đó diện tích trồng vải thiều chuyên canh lớn nhất, và đàn heo đứng thứ ba cả nước. Ông Nguyễn Văn Phương, phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, chia sẻ thực tế chính quyền địa phương phải chủ động phát triển thị trường.

Như với vải thiều, chục năm nay Bắc Giang tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tại Lạng Sơn, Lào Cai để mời thương nhân Trung Quốc sang dự, kết nối cung cầu. Thậm chí chính quyền địa phương còn trực tiếp sang làm việc với một số tỉnh bạn. Nhờ thế, "sản phẩm vải thiều của Bắc Giang chưa bao giờ bị tồn đọng ở cửa khẩu" - ông Phương nói.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tô Ngọc Sơn, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho hay xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc là tăng kiểm soát truy xuất nguồn gốc và chất lượng, xuất khẩu nông sản, trái cây vào thị trường này sẽ chịu sức ép cao hơn.

Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chủ động đẩy nhanh đàm phán mở cửa thị trường, tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ tại một số địa phương có nhu cầu lớn như Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh...

* Ông Đặng Phúc Nguyên (tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam):

Xuất khẩu trái cây chính ngạch tăng mạnh

Chín tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giảm khoảng 10%, nguyên nhân là do nước này siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Việc này dẫn tới những mặt hàng lâu nay xuất tiểu ngạch như sầu riêng, bưởi bị giảm kim ngạch, song những loại trái cây xuất khẩu chính ngạch được vào Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ, ví dụ như chuối xuất chính ngạch tăng so với năm ngoái 300%, thanh long tăng hơn 20%…

* Bà Đỗ Tú Quân (đại diện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam):

Yến sào chuẩn bị xuất chính ngạch vào Trung Quốc

Lâu nay, yến sào Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch, nhưng với nghị định thư mà hai bên đã ký kết, Việt Nam sẽ xuất khẩu 100 tấn yến sào, trị giá khoảng 150 triệu USD sang Trung Quốc các năm tới. Trung Quốc đang tiêu thụ 90% lượng yến sào thế giới nên vào được thị trường này sẽ giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, yến sào Việt nếu muốn được xuất qua Trung Quốc phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát với bảng lên đến hơn 100 câu hỏi.

Nếu đưa thành công yến vào thị trường Trung Quốc chính ngạch, có thể nghĩ đến phát triển mạnh ở thị trường khác như Mỹ, châu Âu... vì Trung Quốc là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao với mặt hàng này.

N.AN - N.BÌNH

Tuổi trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thiết kế tuần hoàn trong thực phẩm: Từ nông trại đến bàn ăn

Chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đang chịu áp lực ngày càng lớn từ khủng hoảng khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên, gia tăng dân số và xu hướng tiêu dùng bền vững...

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý tài sản số

Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó nổi bật là chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, trí tuệ...

Huy động nguồn lực nội địa cho kinh tế tư nhân phát triển

Trong bối cảnh tăng trưởng đầu tư tư nhân đang chậm lại trong những năm gần gần đây, Nghị quyết 68 của Bộ chính trị đã khơi dậy niềm tin của giới doanh nghiệp, tạo...

Tài khoản định danh điện tử cho doanh nghiệp: Nút thắt cần gỡ cho các doanh nghiệp FDI

Chưa đầy một tháng nữa, quy định mới trong Nghị định 69/2024/NĐ-CP sẽ được áp dụng nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang trong tình trạng “chờ đợi” mà không biết...

Khởi tố hai đối tượng sản xuất hơn 3 tấn bò khô, khô gà giả không nguồn gốc

Từ lời khai ban đầu và quá trình điều tra, Công an Thái Bình đã phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả quy mô lớn với hàng chục ngàn gói hàng khô...

H&M và SYRE muốn đưa Việt Nam thành trung tâm dệt may tuần hoàn toàn cầu

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Stockholm, lãnh đạo H&M và SYRE cam kết mở rộng đầu tư xanh tại Việt Nam, với dự án nhà máy tái chế trị giá...

Phá đường dây đánh cắp thông tin 21,000 thẻ tín dụng quốc tế để chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Công an Đà Nẵng vừa triệt phá một đường dây tội phạm mạng quy mô lớn do 2 đối tượng cầm đầu, sử dụng trái phép dữ liệu thẻ Visa, Mastercard, Discover của người nước...

Việt Nam - Thụy Điển nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược ngành về đổi mới sáng tạo

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ulf Kristerson nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước trong lĩnh vực đổi mới...

Tập đoàn Ericsson 'sẵn sàng giúp Việt Nam đi tắt đón đầu' trong số hóa

Sáng 13/6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày giờ Hà Nội), trong chương trình thăm chính thức Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Borje Ekholm, Tổng...

Thủ tướng kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Thụy Điển vào Việt Nam

Trong chương trình thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, chiều 12/6 (giờ địa phương), tại Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Hợp tác phát...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98