Vắng khách Trung Quốc, du lịch thế giới gặp họa

02/02/2020 10:26
02-02-2020 10:26:25+07:00

Vắng khách Trung Quốc, du lịch thế giới gặp họa

Kể từ khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona bùng phát, lượng du khách Trung Quốc ra nước ngoài giảm chóng mặt.

Vào 18h ngày thứ Bảy (1/2), Bill Egerton nhận được một email cảnh báo.

"Tất cả chương trình du lịch từ Trung Quốc đã được đặt với tôi đều bị huỷ. Tôi đã mất 15 chương trình của tháng 2”, Egerton, 77 tuổi, người đã điều hành công ty du lịch Koala Blue Tours tại Queensland, Australia trong 25 năm qua, chia sẻ với CNN.

“Du khách Trung Quốc mang lại khoảng 10-20% doanh thu của công ty tôi...Tôi cho rằng chính phủ không thực sự hiểu thiệt hại về lợi nhuận và ảnh hưởng của việc này tới các doanh nghiệp. Các công viên chủ đề, khách sạn sẽ chịu thiệt hại khi không còn các nhóm du khách lớn từ 20 - 500 người. Trung Quốc hiện là thị trường khách nước ngoài lớn nhất của chúng tôi”.

Tại thành phố biển Gold Coast, điểm du lịch hàng đầu tại Australia, du khách Trung Quốc là thị trường khách nước ngoài lớn và giá trị nhất khi chi tiêu tới 1,6 tỷ USD trong năm 2019. Năm ngoái, Australia đón tổng cộng 9,4 triệu du khách, trong đó có 7,96 triệu người đến từ Trung Quốc và chi tiêu 21,95 tỷ USD.

Koala Blue Tours của ông Bill Egerton trong trường hợp nói trên không phải là công ty lữ hành duy nhất chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh doanh sau lệnh cấm du lịch theo đoàn và các gói du lịch trọn gói của Trung Quốc gần đây.

Du khách Trung Quốc ra nước ngoài giảm chóng mặt

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới khiến gần 9.000 người nhiễm bệnh và hơn 250 người thiệt mạng kể từ cuối tháng 12/2019, lệnh cấm này đã và được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng chục điểm du lịch trên khắp thế giới.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Du lịch Quốc tế Trung Quốc/CNN

Trung Quốc là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, tăng vọt từ 4,5 triệu người vào năm 2000 lên tới 150 triệu người vào năm 2018. Trong những năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tại Trung Quốc tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%.

Du khách Trung Quốc cũng là nhóm chi tiêu du lịch nhiều nhất thế giới, chiếm tới 16%, tương đương 277 tỷ USD, trong tổng số chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).

Sau lệnh cấm du lịch theo đoàn và đặt chương trình trọn gói gần đây, các điểm du lịch tại khu vực châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc mạnh nhất. Khu vực này vốn phụ thuộc lớn vào du khách Trung Quốc. Ngoài ra, các điểm du lịch tại châu Âu và châu Mỹ cũng sẽ vắng bóng khách Trung Quốc.

Các chuyến bay tới nhiều thành phố của Trung Quốc bị huỷ hàng loạt vì dịch bệnh. Ảnh: Getty Images

Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Hôm thứ năm (30/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, gióng thêm hồi chuông cảnh báo trên khắp thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát cảnh báo công dân nước này không tới Trung Quốc. Anh và Canada cũng có động thái tương tự. Các hàng hàng không như United, American, Delta, British Airways, KLM, Air Canada và Lufthansa đều ngừng tất cả chuyến bay đi và đến nhiều thành phố của Trung Quốc, còn Cathay Pacific của Hong Kong giảm số chuyến.

Vào ngày 31/1, Mỹ công bố lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả người nước ngoài từng tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày để hạn chế lây lan dịch bệnh. Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố mọi du khách từng tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày không được phép nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore.

Hong Kong, Macau, Mông Cổ, Triều Tiên và Nga đều đã đóng cửa toàn bộ hoặc một phần biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với các lệnh cấm trên diện rộng như vậy, về cơ bản các điểm du lịch thường đông đúc như đền Angkor Wat ở Campuchia; Hoàng cung tại Bangkok, Thái Lan hay Cung điện Hoàng gia tại Tokyo, Nhật, đều vắng khách đáng kể so với thường nhật.

Theo một báo cáo của công ty phân tích du lịch ForwardKeys, theo dõi 17 triệu giao dịch đặt dịch vụ du lịch mỗi ngày, ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành du lịch sẽ vô cùng lớn bởi hiện tại đang là mùa lễ hội Tết Nguyên Đán, một trong những mùa du lịch đông khách nhất tại Trung Quốc. Phân tích của công ty này cho thấy số lượng các giao dịch đặt dịch vụ du lịch trong khoảng từ 19 - 26/1, giai đoạn trước Tết, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm có hiệu lực, dữ liệu cho thấy lượng giao dịch giảm thêm 6,8%.

Du lịch toàn cầu chịu thiệt hại nặng

Các điểm du lịch như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi người Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong số du khách nước ngoài, chịu thiệt hại nặng nề bởi lệnh cấm trên. Năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc đóng góp tới 51% doanh thu du lịch tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, theo Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC).

Du khách Trung Quốc chiếm tới 30% tổng khách quốc tế tới Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Tại Thái Lan, nơi du khách Trung Quốc chiếm tới 30% du khách nước ngoài, ảnh hưởng của dịch bệnh đã hiện rõ. Theo Vichit Prakobgosol, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan, khoảng 1,2 đến 1,3 triệu du khách Trung Quốc đã hủy chuyến du lịch tới Thái Lan trong tháng 2 và tháng 3.

"Ảnh hưởng có thể kéo dài tới tháng 4. Thật khó để ước tính vào thời điểm này”, Prakobgosol cho biết thêm.

Dịch bệnh có thể khiến Thái Lan thiệt hại 3 tỷ USD. Ảnh: Getty Images

Yuttasak Supasorn, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan, ước tính, nước này sẽ chịu thiệt hại khoảng 3 tỷ USD vì dịch bệnh.

Những điểm đến nhỏ hơn cũng chịu ảnh hưởng lớn. Đặc khu kinh tế Macau của Trung Quốc chứng kiến lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục giảm hơn 75% trong 4 ngày đầu năm mới theo lịch âm so với cùng kỳ năm ngoái. Du khách từ Trung Quốc đại lục chiếm tới 70,8% trong tổng số 39,4 triệu du khách tới Macau trong năm 2019.

Tại Nhật Bản, nơi người Trung Quốc chiếm gần 27% tổng du khách nước ngoài, các chương trình du lịch theo đoàn từ Trung Quốc cũng bị huỷ hàng loạt. Theo công ty du lịch Kamome, có trụ sở tại Tokyo, hơn 20.000 khách hàng đặt chương trình du lịch trọn gói tới 10/2 của công ty này đã huỷ chuyến. Năm 2019, du khách Trung Quốc chi tiêu 15,7 tỷ USD tại Nhật, chiếm 36,8% tổng doanh thu du lịch quốc tế của nước này.

Trong khi đó, châu Âu, châu Mỹ, những nơi ít phụ thuộc vào du khách Trung Quốc, có thể cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Tại Pháp, nơi đón 2 triệu du khách Trung Quốc mỗi năm, Hiệp hội Lữ hành Trung Quốc tại Pháp (ACAV) đã dừng tất cả hoạt động và dự báo sẽ bị “thiệt hại lớn”, theo tin từ đài phát thanh RFI của Pháp. Theo số liệu của ACAV, tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của các công ty lữ hành thành viên của hiệp hội đã giảm ít nhất 33%.

Lạc quan về khôi phục hậu dịch bệnh

Dù hiện tại còn quá sớm để tính toán thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh, những ảnh hưởng tới ngành du lịch trên toàn cầu phụ thuộc chủ yếu vào thời gian kéo dài của dịch bệnh.

So sánh với các dịch bệnh trong quá khứ, dịch SARS năm 2002-2003 gây thiệt hại khoảng 30 - 50 tỷ USD cho kinh tế thế giới. Trung Quốc mất 16 tháng để phục hồi lại lượng du khách quốc tế hậu khủng hoảng, theo người phát ngôn của WTTC. Nhưng lần này, chính phủ Trung Quốc được cho là đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh. Nước này không chỉ hành động nhanh hơn so với dịch SARS trước đây, mà còn minh bạch thông tin hơn với cộng đồng quốc tế. Vì thế, các chuyên gia tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi của ngành du lịch sau dịch bệnh do virus corona lần này.

Hương Ly

Zing.vn







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

EU cứng rắn với Trung Quốc về thương mại

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh Châu Âu (EU) sẵn sàng sử dụng mọi công cụ để bảo vệ nền kinh tế, nếu Trung Quốc không mở cửa...

Maersk: Vận tải biển quốc tế gặp khó vì Houthi mở rộng phạm vi tấn công tàu hàng

Theo thông báo của Maersk gửi tới khách hàng được Thời báo New York đăng tải, các tàu vận tải hiện đối mặt với phạm vi nguy hiểm mở rộng, khiến việc giao hàng thêm...

Hậu COVID-19, 3 đại gia vắc-xin làm ăn ra sao?

AstraZeneca báo cáo lợi nhuận sau thuế 2.18 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2024, tăng đáng kể so với mức 1.8 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng trưởng này có được...

Châu Âu và "ván cược" ngành chip lần hai

Từng là trung tâm của ngành chip toàn cầu những năm 90, châu Âu giờ đã tụt hậu đáng kể trong ngành so với Mỹ hay các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Warren Buffett: Thuế doanh nghiệp có thể tăng để giải quyết thâm hụt ngân sách

Tỷ phú Warren Buffett cho biết thuế doanh nghiệp tại Mỹ có thể sẽ tăng khi các nhà lập pháp tìm cách giảm thâm hụt liên bang.

Mỹ tạo ít việc làm hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.9%

Nền kinh tế Mỹ có thêm ít việc làm hơn dự báo trong tháng 4/2024, chấm dứt chuỗi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trước đó - một yếu tố đã khiến Fed phải tỏ ra cẩn...

OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại...

Sàn giao dịch điện nở rộ, thu hút nhà đầu tư

Thị trường điện châu Âu có những bước tiến tự do hóa xa hơn. Hợp đồng điện tương lai được giao dịch rộng rãi, ước tính có quy mô gấp bảy lần quy mô thị trường giao...

"Ông lớn" dược phẩm Pfizer với cái kết hậu COVID-19

Giám đốc tài chính của Pfizer bày tỏ hài lòng về mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 11% của các sản phẩm không liên quan tới COVID-19 trong quý vừa qua của công ty...

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98