Mỹ nguy cơ tiếp tục 'vỡ trận' trước Covid-19

23/06/2020 21:27
23-06-2020 21:27:27+07:00

Mỹ nguy cơ tiếp tục 'vỡ trận' trước Covid-19

Mỹ dường như đang trở lại những ngày đầu của đại dịch, khi nCoV âm thầm tích tụ rồi lan rộng tại các sự kiện và địa điểm đông người.

Các hình thức tụ tập bị hạn chế trong nhiều tháng khi các bang của Mỹ áp phong tỏa, bởi chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan nCoV. Tuy nhiên, quá trình tái mở cửa đã tạo điều kiện cho dịch bệnh trỗi dậy một lần nữa. Ngày càng nhiều người đi mua sắm, dùng bữa tại nhà hàng, thăm gia đình, bạn bè và trao nhau những cái ôm, dù Covid-19 chưa biến mất.

Hệ quả là số ca nhiễm nCoV mới đang gia tăng tại 23 bang của Mỹ, trong bối cảnh tình hình ngày càng trầm trọng ở miền nam và miền tây đất nước. Số ca nhập viện vì nCoV lên mức cao nhất tại Arizona và Texas, còn bang Missouri ghi nhận tổng số ca nhiễm cao nhất trong một ngày hồi cuối tuần.  

Những nơi từng thoát khỏi viễn cảnh tồi tệ của đại dịch giờ đây lại bị virus tấn công. Hồi đầu tháng 6, hạt Union ở bang Oregon, một cộng đồng nông thôn gồm khoảng 27.000 dân, chỉ báo cáo 8 ca nhiễm nCoV. Tuy nhiên, con số này hôm 20/6 tăng vọt lên hơn 250.

Các thực khách tại một nhà hàng ở thành phố New York, Mỹ, hôm 22/6. Ảnh: Reuters.

"Đây chính xác là viễn cảnh hầu hết mọi người dự đoán khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa", Rebecca Christofferson, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Louisiana, cho hay, nói thêm rằng việc tái mở cửa cùng sự mệt mỏi của người Mỹ vì các quy tắc giãn cách xã hội đang tạo ra những cụm dịch mới. "Hành vi của người dân, các hoạt động tiếp xúc gần và virus, tất cả kết hợp lại và khiến vấn đề trở nên phức tạp".

Hầu hết ca nhiễm ở hạt Union liên quan tới cụm dịch tại Nhà thờ Lighthouse, một nhà thờ theo đạo Tin lành của địa phương. "Điều này phần nào gây ngạc nhiên, bởi nhiều người đã tuân thủ yêu cầu ở nhà suốt thời gian dài", Paul Anderes, ủy viên hội đồng hạt Union, cho biết.

Những nơi thờ phụng, địa điểm từng bị đóng cửa tại nhiều bang, đang trở thành nguồn lây nhiễm nCoV nghiêm trọng. Các cụm dịch tại nhà thờ còn xuất hiện tại một số bang khác như Alabama, Kansas và Tây Virginia.

Thống đốc Tây Virginia Jim Justice cho biết bang này ghi nhận 6 cụm dịch liên quan tới các nhà thờ, bao gồm ba cụm vẫn tiếp tục lây nhiễm tính đến tuần trước. Tuy nhiên, ông không có ý định đóng cửa các nhà thờ với lý do "đây là khu vực linh thiêng nhất", dù thừa nhận chúng đặt ra mối nguy hiểm đáng kể, nói thêm rằng chính quyền đang yêu cầu các tín đồ tuân thủ quy tắc phòng dịch.

Những nguồn lây nhiễm khác cũng nhanh chóng xuất hiện sau khi các bang nối lại hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như cuộc sống cộng đồng. Ít nhất 4 ca nhiễm nCoV liên quan tới một câu lạc bộ thoát y ở thành phố Wisconsin Dells, bang Wisconsin. Một vài trường hợp có nguồn gốc từ những bữa tiệc của sinh viên tại thành phố Oxford, bang Mississippi.

Tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, ít nhất 100 người dương tính với nCoV sau khi tới quán bar ở khu Tigerland. Tại một trại hè gần thành phố Colorado Springs, bang Colorado, ít nhất 11 nhân viên bị ốm ngay trước buổi khai mạc, khiến chương trình bị hủy ngay lập tức.

Chỉ vài tuần sau khi các sòng bạc mở cửa trở lại ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, nhiều nhân viên từ những cơ sở này, cùng các nhà hàng và khách sạn, cũng nhiễm nCoV. Hôm 22/6, các nhân viên trong khu vực đã khẩn cầu khách hàng đeo khẩu trang thông qua buổi họp báo trực tuyến,

"Tôi vô cùng sợ hãi", Diana Thomas, nhân viên tại một sòng bạc ở Las Vegas, bày tỏ. Việc hầu hết khách hàng không đeo khẩu trang khiến bà lo sợ nguy cơ đem virus về nhà và lây sang con trai 21 tuổi bị bệnh hen suyễn. "Tôi là một bà mẹ đơn thân, nên không thể chấp nhận việc để con mình nhiễm virus".

Hạt Clark, nơi thành phố Las Vegas tọa lạc, ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới trung bình hàng ngày tăng gấp hai lần trong vòng hai tuần, từ 124 lên 250 hôm 21/6. Bang Nevada tuần trước cũng báo cáo mức tăng cao nhất trong một ngày, với 452 ca nhiễm.

"Thật tuyệt vời khi du khách đang quay trở lại, nhưng nhân viên cũng cần được đảm bảo an toàn", Florence Lee, người làm việc tại sòng bạc MGM Grand, nêu ý kiến. "Xin hãy đeo khẩu trang và duy trì cách biệt cộng đồng vì chúng tôi".

Khách hàng tại một sòng bạc ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, hôm 4/6. Ảnh: Reuters.

Hàng loạt cụm dịch mới, với quy mô khác nhau và xuất hiện từ thành phố lớn đến thị trấn nhỏ, phản ánh diễn biến khó lường của Covid-19. Ngày càng nhiều địa phương mở cửa cũng đồng nghĩa với việc dự đoán nơi bùng phát dịch mới trở nên khó khăn hơn.

"Đặc điểm của chủng virus này là sự lây lan không đồng nhất giữa các tình huống, khiến dịch bệnh khó kiểm soát. Nó rất thất thường", tiến sĩ Arnold Monto, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Michigan, cho hay.

Cũng như giai đoạn trước của Covid-19 tại Mỹ, các cụm dịch tiếp tục bùng phát trong nhà tù, viện dưỡng lão và cơ sở chế biến thực phẩm. Hơn 230 người tại một cơ sở đóng gói rau ở thành phố Springfield, bang Ohio, nhiễm nCoV. Hơn 10 ca nhiễm được ghi nhận tại hạt Oswego, bang New York, liên quan tới một cơ sở đóng gói táo.

Hơn 50 trường hợp nhiễm nCoV còn được phát hiện trong đám đông tham gia biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát sau cái chết của George Floyd. Một số cụm dịch mới liên quan đến các đội thi đấu thể thao.

Những cụm dịch mới khiến hệ thống y tế tại một số địa phương bị quá tải. Thống đốc bang Washington Jay Inslee cuối tuần trước cảnh báo hệ thống y tế cộng đồng tại hạt Yakima, nơi số ca nhiễm nCoV tăng đột biến, đang rơi vào "tình huống tuyệt vọng" do các bệnh viện đã hoạt động hết công suất.

Diễn biến này tương tự giai đoạn trước, khi bang Washington gần như "vỡ trận" với cụm dịch nghiêm trọng đầu tiên của Mỹ, bùng phát tại một trung tâm dưỡng lão gần thành phố Seattle hồi tháng 2. Sau khi kiểm soát được tình hình, giới chức địa phương giờ đây lại phải vật lộn với sự trỗi dậy của virus tại hạt Yakima, nơi 250.000 người sinh sống và đã ghi nhận hơn 6.400 ca nhiễm.

"Chúng tôi thật sự đang ở thời điểm nguy kịch. Chúng tôi không muốn nhìn người dân mắc kẹt trong bãi đỗ xe vì không thể nhập viện. Viễn cảnh đó sẽ xảy ra nếu không hành động quyết liệt ngay bây giờ", Thống đốc Inslee cho hay.

Ánh Ngọc

Vnexpress







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98