Chủ sở hữu Pate Minh Chay sản xuất, kinh doanh thế nào?

04/09/2020 17:27
04-09-2020 17:27:59+07:00

Chủ sở hữu Pate Minh Chay sản xuất, kinh doanh thế nào?

Đến quý II, doanh nghiệp sở hữu Pate Minh Chay mới khai báo doanh thu 29 triệu đồng và chế biến thực phẩm không phải ngành nghề kinh doanh chính.

Cuối tuần trước, Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới do phát hiện các trường hợp nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, độc tố là botulinum.

Công ty Lối sống Mới thành lập tháng 1/2018 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, được góp bởi hai cá nhân cùng trú tại một địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng và đặt trụ sở tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Tới cuối tháng 3, một trong 2 cá nhân góp vốn thông báo thay đổi tỷ lệ vốn góp. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký là nắm giữ tài sản. Hoạt động bán buôn, bán lẻ thực phẩm và cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng phục vụ tiệc cưới, hội họp; sản xuất thức ăn chế biến sẵn... là ngành nghề phụ.

Tháng 1 năm nay, cơ sở được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đáp ứng cơ bản các yêu cầu, dù vẫn còn một số lỗi nhưng theo cơ quan chức năng là "chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn thực phẩm".

Được cấp giấy chứng nhận từ tháng 1 nhưng tới tháng 4, doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất với vài công nhân tại khu nhà xưởng diện tích trên dưới 50m2 tại số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nguồn tin từ quản lý thị trường cho VnExpress biết, máy móc dùng cho sản xuất, chế biến thực phẩm tại xưởng này khá thô sơ với vài chiếc tủ đựng nguyên liệu, máy sấy hấp thực phẩm.

Theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Đông Anh, đến quý II, doanh nghiệp sở hữu Pate Minh Chay mới khai báo doanh thu 29 triệu đồng. Từ 1/7, doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất liên tục với 13 sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, người đồng sáng lập Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới khẳng định không dùng hóa chất trong quá trình sản xuất, sử dụng máy hấp tiệt trùng 120 độ C trong vòng 45 phút. Ngoài ra, việc phát sinh vi khuẩn độc, theo ông Minh, vượt ngoài tầm kiểm soát và "sẵn sàng chịu trách nhiệm sự cố". Công ty còn quảng cáo rằng, sản phẩm được xử lý tiệt trùng theo công nghệ Nhật Bản nên giữ được trong 6 tháng, có thể vận chuyển toàn quốc mà chất lượng không bị ảnh hưởng.

Các nguyên liệu, theo thông tin họ công bố với cơ quan chức năng, gồm: chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến... Tuy nhiên, công ty không xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ của các loại nguyên liệu này.

Nhà hàng Minh Chay - một địa điểm kinh doanh và nhận đổi trả hàng tại 30 Mã Mây (Hà Nội) của Minh Chay chiều 31/8. Ảnh: Anh Tú.

Sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành nghề phụ nhưng đồ chay lại là dòng sản phẩm doanh nghiệp này "dồn lực" giới thiệu, quảng bá trên các kênh bán hàng.

Trên website, Minh Chay được giới thiệu là một thương hiệu xuất phát từ gia đình có truyền thống 30 năm ăn chay trường với mong muốn truyền tải các giá trị chay đến với cộng đồng, luôn tuân thủ pháp luật.

Pate được đóng gói 450 gram mỗi lọ, giá niêm yết 309.000 đồng. Ngoài pate, doanh nghiệp này còn sản xuất các loại ruốc nấm, muối vừng bát bảo, giò lụa lúa mì... Kênh bán hàng, phân phối các sản phẩm chủ yếu được bán trực tuyến qua website minhchay.com, mạng xã hội (zalo, Facebook...) và một phần bán trực tiếp tại Nhà hàng Minh Chay (30 Mã Mây, Hà Nội). Ngoài ra, họ còn bán hàng theo hình thức ký gửi tại một "hợp tác xã" đặt điểm bán hàng tại trung tâm thương mại Syrena (Hà Nội).

Từ 1/7 đến 28/8, Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới đã bán ra thị trường hơn 7.000 sản phẩm, phần lớn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam nhưng hiện khâu thu hồi sản phẩm gặp khó khăn. Tổng cộng, mới có khoảng 360 sản phẩm được thu hồi sau gần một tuần phát hiện các ca nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B vì sử dụng pate Minh Chay.

Dựa vào danh sách khách hàng doanh nghiệp cung cấp, cơ quan chức năng gọi điện trực tiếp tới từng người để hướng dẫn họ "dừng sử dụng, cách ly sản phẩm và tới ngay cơ sở y tế khám nếu có dấu hiệu khác thường về sức khỏe". Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm Hà Nội cho biết, nhiều số điện thoại không đúng, khách hàng tắt máy không liên lạc được hoặc không nghe máy...

Tại TP HCM, theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM, hiện đã xác định được hơn 1.400 khách hàng mua sản phẩm Pate Minh Chay nhưng 780 khách hàng cho biết đã sử dụng hoặc tự hủy sản phẩm sau khi nhận được cảnh báo của cơ quan chức năng cuối tuần trước, nên số này không thể thu hồi.

Việc doanh nghiệp này phân phối, bán hàng chủ yếu qua kênh trực tuyến, mạng xã hội với hình thức "giao dịch thanh toán online, vận chuyển theo hình thức ship hàng", theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cũng khiến việc kiểm soát của cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Botulinum là độc tố mạnh nhất thế giới, có thể gây chết người chỉ với liều lượng rất nhỏ. Độc tố thường được sinh ra trong môi trường bị nhiễm vi khuẩn, yếm khí và nhiệt độ thích hợp. Các ca ngộ độc từng xảy ra với thức ăn chế biến, đồ hộp. Vi khuẩn bị tiêu diệt nếu đồ hộp được đun nấu lại ở nhiệt độ 100 độ C.

Việt Nam hiện không có huyết thanh kháng độc, phải nhập từ nước ngoài. Các bệnh nhân phần lớn được điều trị hỗ trợ thở máy, thay huyết tương, kháng sinh và tập luyện vật lý trị liệu. Trong số 9 người nhập viện ở Hà Nội và TP HCM, 5 người đã ra viện sau nhiều ngày phải thở máy.

Anh Minh - Phương Đông

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đốn hơn 400 cây xanh để xây metro số 2: TPHCM trồng số lượng lớn cây thay thế

Thông tin về việc đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành - Tham Lương, đại diện Sở Xây dựng khẳng định TPHCM sẽ trồng mới cây xanh sau khi hoàn tất việc thi...

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98