Chủ tịch Fed: Đây không phải là lúc để bàn tới chuyện giảm quy mô mua tài sản
Chủ tịch Fed: Đây không phải là lúc để bàn tới chuyện giảm quy mô mua tài sản
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tìm cách dập tắt những tin đồn về chuyện giảm bớt quy mô mua trái phiếu, cho rằng “đây không phải là lúc để bàn về chuyện đó”.
“Chúng tôi biết là bản thân cân phải rất cẩn trọng khi truyền tải thông tin về chương trình mua tài sản”, ông nói trong ngày 14/01. “Giờ không phải là lúc để nói về chuyện rút lại. Tôi nghĩ đây là một bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phải cẩn trọng để không thoát chế độ nới lỏng quá sớm”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Taper tantrum là hiện tượng thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi giảm, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường này năm 2013 - thời điểm Chủ tịch Fed Ben Bernanke thông báo sẽ giảm bớt quy mô nới lỏng định lượng. |
Một số đồng nghiệp của ông tại Fed đã gợi lại cho nhà đầu tư về tình trạng taper tantrum của năm 2013 khi tranh luận về việc giảm bớt quy mô mua tài sản sau đó trong năm nay nếu kinh tế phục hồi mạnh. Cùng với đó là khả năng tung ra thêm gói kích thích quy mô lớn sau khi Đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện – một yếu tố đã đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn lên cao hơn.
Thế nhưng, ông Powell cho biết nền kinh tế “vẫn còn cách rất xa so với mục tiêu của chúng tôi”, đồng thời lưu ý tới bài học của 7 năm về trước. Còn nhớ, năm 2013, thị trường chao đảo và lợi suất trái phiếu vụt tăng giữa lúc nhà đầu tư kinh ngạc trước thông tin Fed đang cân nhắc giảm bớt quy mô chương trình mua tài sản. Điều này để lại bài học các quan chức rằng họ phải lựa lời cẩn thận khi muốn truyền tải thông điệp.
“Ông Powell rõ ràng không muốn gấp rút ‘khóa vòi’ tiền tệ”, Roberto Perli, Đối tác tại Cornerstone Macro ở Washington và từng là chuyên gia kinh tế tại Fed, cho hay. “Điều khôn ngoan hơn là không đưa ra lịch trình về chuyện giảm quy mô kích thích tại giai đoạn này”.
Tháng trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) cam kết tiếp tục dành ra 120 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) cho đến khi kinh tế Mỹ “đạt bước tiến đáng kể về việc làm và lạm phát”.
Sự mù mờ trong tuyên bố mới của Fed đã dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau từ phía nhà đầu tư và chuyên gia, trong đó ít nhất 4 Chủ tịch Fed cho biết kinh tế hồi phục mạnh có thể thôi thúc Fed bàn về chuyện giảm bớt quy mô mua trái phiếu vào cuối năm nay.
Các quan chức Fed không muốn giảm quy mô kích thích quá sớm. Tuần trước, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida dự báo sẽ không điều chỉnh quy mô mua trái phiếu trong năm nay và Thống đốc Lael Brainard xem nhịp độ mua 120 tỷ USD/tháng là hợp lý trong một khoảng thời gian dài.
Ông Powell nhấn mạnh tuyên bố của Fed cố tình không đưa ra bất kỳ ngày cụ thể nào về thời điểm bàn tới chuyện rút lại quy mô mua tài sản. Bằng cách này, Fed hướng tới chuyện kìm hãm chi phí đi vay dài hạn ở mức thấp. Thế nhưng, Chủ tịch Fed hứa sẽ cảnh báo trước nếu điều kiện đã “chín muồi” để cân nhắc rút lại quy mô mua tài sản.
“Sẽ để thế giới biết trước”
“Chúng tôi sẽ cho thế giới biết về chuyện đó”, ông nói. “Chúng tôi sẽ truyền tải một cách rất rõ ràng tới công chúng và sẽ thông báo trước khi thực sự cân nhắc giảm dần dần quy mô mua tài sản”.
Nhận định của ông Powell đã gây áp lực lên lãi suất ngắn hạn nhưng lại thúc đẩy lãi suất dài hạn, qua đó càng làm đường cong lãi suất thêm dốc.
Dù rằng tỏ ra lạc quan về kinh tế Mỹ trong vài năm tới, nhưng nhà lãnh đạo Fed cũng lưu ý về một mùa đông đầy khó khăn.
Số lượng người Mỹ thất nghiệp cao hơn khoảng 9 triệu người so với thời điểm trước dịch và Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành khắp nước Mỹ. Ông Powell và các đồng nghiệp cam kết sử dụng tất cả công cụ để hỗ trợ đà hồi phục, báo hiệu trong tháng trước rằng sẽ giữ lãi suất gần mức 0% cho tới ít nhất là năm 2023.
Không sớm nâng lãi suất
Ông vừa củng cố thông điệp đó trong ngày 14/01, lưu ý rằng sẽ không sớm nâng lãi suất.
Sau nhiều năm lạm phát quá thấp, Fed đã đưa ra định hướng chính sách mới trong tháng 9/2020. Cụ thể, NHTW Mỹ sẵn sàng giữ lãi suất ở mức gần 0 cho đến khi lạm phát tăng lên ngưỡng 2% và có khả năng vượt ngưỡng 2% một chút.
“Chúng tôi sẽ không có lý do để nâng lãi suất, trừ khi chúng tôi nhận thấy lạm phát ở mức báo động hoặc những sự mất cân bằng khác có thể đe dọa tới mục tiêu”, ông Powell cho biết. “Đây là sự thay đổi rất lớn với Fed”.
* Chủ tịch Fed: Giá chứng khoán chưa quá cao khi xét tới mức lãi suất cực thấp hiện tại
* Fed cam kết duy trì mua trái phiếu cho đến khi xuất hiện trạng thái toàn dụng nhân công
* Đằng sau đà tăng phá vỡ kỷ lục trên thị trường là những nỗ lực phi thường của Fed