Bức tranh kinh doanh năm 2020: Buồn vui xen lẫn!
Bức tranh kinh doanh năm 2020: Buồn vui xen lẫn!
Khép lại năm 2020 - năm “đại hạn” của nền kinh tế toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu thì chắc hẳn ai cũng đã biết. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng đã phần nào thể hiện rõ tác động mà cơn đại dịch Covid-19 đem đến. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp đã phục hồi, vươn lên và thậm chí tăng trưởng khá tốt.
Doanh nghiệp buồn vui xen lẫn. Thiết kế: Tuấn Trần
|
Theo dữ liệu của Vietstock, tính đến ngày 31/12/2020 có 686 doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) đã công bố BCTC năm 2020 với 616 doanh nghiệp có lãi và 70 doanh nghiệp lỗ. Trong đó, 283 doanh nghiệp báo lãi giảm, 52 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 10 doanh nghiệp tăng lỗ, 307 doanh nghiệp tăng lãi, 8 doanh nghiệp giảm lỗ và 26 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của 686 doanh nghiệp trên đạt hơn 1,976,266 tỷ đồng và 144,220 tỷ đồng.
Ngậm ngùi với đống lỗ
Top 20 doanh nghiệp chuyển lỗ trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý cuối năm, Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) bất ngờ báo lỗ ròng gần 44 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ ròng lũy kế cả năm lên gần 432 tỷ đồng (năm trước lãi 1,217 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên Tập đoàn này báo lỗ kể từ khi niêm yết (22/12/2009).
Hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản này tại thời điểm đầu năm tăng từ gần 6.8 ngàn tỷ đồng lên xấp xỉ 10.3 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang dài hạn. Tổng chi phí lãi vay Công ty trả trong năm này gần 308 tỷ đồng, tăng gần 56% so với 2019.
Kết quả kinh doanh của DXG kể từ khi niêm yết đến nay. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Cùng cảnh ngộ, 4 quý lỗ liên tiếp đã đánh gục lợi nhuận của doanh nghiệp nằm trong top đầu thị phần kinh doanh taxi. Trong khi năm trước doanh nghiệp này báo lãi gần 109 tỷ đồng thì năm 2020, Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS) “chở lỗ” hơn 207 tỷ đồng. Theo VNS, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 làm cho doanh thu dịch vụ taxi sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, số lượng nhân viên tính đến ngày 31/12/2020 là 4,398 trong khi đầu năm ghi nhận 5,790 nhân viên. Như vậy, trong năm 2020, VNS đã cắt giảm 1,392 nhân viên.
Do kinh doanh dưới giá vốn và không còn nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại của Ủy Ban Nhân dân TP.HCM cho dự án nước Củ Chi số tiền 200 tỷ đồng như năm 2019, Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, HOSE: SII) lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết (12/09/2012) với mức lỗ ròng đến hơn 105 tỷ đồng.
Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, kết thúc năm 2020, Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) chỉ thu về 81 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 92% so với năm 2019 và lỗ ròng 200 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 94 tỷ đồng.
Năm 2020, FTM đặt mục tiêu mang về 799 tỷ đồng doanh thu và gần 4.5 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, FTM mới chỉ thực hiện được 10% kế hoạch doanh thu. Cũng trong năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FTM âm 47 tỷ đồng (cùng kỳ dương 203 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp tăng lỗ trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Do lỗ nặng trong quý 2 đã khiến kết quả kinh doanh cả năm 2020 của Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) chỉ ghi nhận vỏn vẹn 2 tỷ đồng, “lao dốc” 99% so với cùng kỳ. Cho năm 2020, Công ty đặt kế hoạch đi lùi với chỉ tiêu doanh thu 3,400 tỷ đồng và lãi sau thuế là 54 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 30% và 70% so với năm trước. Như vậy, so với kế hoạch, ROS chỉ mới thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 4% kế hoạch lợi nhuận 2020.
Không có nguồn thu tài chính đột biến cộng với việc biên lãi gộp giảm mạnh khiến Đầu tư LDG (HOSE: LDG) chỉ đạt lãi ròng gần 13 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong khi năm 2019 đạt 603 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp giảm lãi mạnh nhất năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
24 doanh nghiệp lãi trên ngàn tỷ
“Ông lớn” bất động sản Vinhomes (HOSE: VHM) đạt doanh thu thuần gần 70.9 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 27.8 ngàn tỷ đồng, tăng 37% và 28% so với năm trước. Tuy vậy, VHM chỉ thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận 2020.
Cùng họ, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) ghi nhận doanh thu thuần hơn 110 ngàn tỷ đồng và lãi ròng hơn 5 ngàn tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 32% so với năm trước. Trong đó, mảng kinh doanh chuyển nhượng bất động sản đóng góp xấp xỉ 65% doanh thu thuần với gần 71,600 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là mảng sản xuất công nghiệp của VinFast và VinSmart với gần 19,600 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đạt doanh thu 91,279 tỷ đồng và 13,439 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 42% và 79% so với năm 2019. Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Thị phần thép Hòa Phát hiện ở mức 32.5%. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 11.7% doanh thu và 12.4% lãi sau thuế toàn tập đoàn.
Được biết, đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Theo HPG, điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước đối với sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC). Theo đó, mục tiêu cho năm nay sẽ là 2.7 triệu tấn HRC, và trên 5 triệu tấn phôi, thép xây dựng.
Các doanh nghiệp có lãi ngàn tỷ trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
“Ông trùm” Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt đạt hơn 27.6 ngàn tỷ đồng và gần 11.1 ngàn tỷ đồng, tăng 4% và 5% so với năm trước. So với kế hoạch, Công ty đã vượt 2.5% chỉ tiêu lãi sau thuế. Tổng tài sản của VNM cuối năm 2020 đạt 48.4 ngàn tỷ đồng, tăng 8.3% so với đầu năm.
Một đại diện đến từ ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) ghi nhận lãi ròng tăng 32% với cùng kỳ, đạt 4,279 tỷ đồng. Được biết, trong tháng cuối năm 2020, GVR đã bán thành công 9.34 triệu cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, khoản lãi từ việc thoái vốn này khoảng 1,373 tỷ đồng. Ngoài ra, GVR cũng đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần CTCP Xây dựng và Tư vấn đầu tư.
Nhờ động lực từ mảng chuyển đổi số và dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường toàn cầu, bên cạnh sự ổn định của mảng viễn thông, CTCP FPT (HOSE: FPT) đạt doanh thu thuần trên 29.8 ngàn tỷ đồng và lãi ròng trên 3.5 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng 7.6% và 12.8% so với năm trước.
Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp lãi ngàn tỷ, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) báo lãi tăng mạnh nhất, đạt 1.4 ngàn tỷ đồng, gấp 4.6 lần năm trước. Kết quả đi lên chủ yếu nhờ xu hướng giá thịt lợn tăng mạnh, ngành chăn nuôi hồi phục sau tác động của dịch tả lợn Châu Phi.
Ngược lại, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) báo lãi đi lùi 21%, xuống còn 1,958 tỷ đồng. Qua đó, đơn vị này vượt 130% kế hoạch lãi sau thuế đề ra trong năm 2020.
Lãi tăng đột biến
Dẫn đầu trong top doanh nghiệp báo lãi tăng phi mã là In và Bao bì Mỹ Châu (HOSE: MCP). Tính chung cả năm 2020, MCP đem về 688 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 19 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt gấp 2.5 lần và 19 lần năm 2019. So với kế hoạch, Công ty đã thực hiện được 97% về doanh thu và vượt 51% chỉ tiêu lãi ròng.
Top 20 doanh nghiệp có lãi tăng mạnh nhất năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Liền sau đó là Thaiholdings (HNX: THD). Nhờ bán tài sản của công ty con, thu về cho THD hơn 1,000 tỷ đồng lãi trước thuế. Nhờ đó, cả năm 2020, THD có gần 909 tỷ đồng lãi ròng, gấp 19 lần năm trước. Tính tới thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của THD đã lên tới 10,765 tỷ đồng, gấp gần 13 lần hồi đầu năm. Công ty hiện có tổng cộng 8 đơn vị thành viên, trong đó sở hữu gián tiếp 5 công ty con của Thaigroup.
Các doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Biên lãi gộp cải thiện và khoản thu nhập khác ghi nhận từ việc xóa công nợ là động lực chính yếu tạo nên kết quả lợi nhuận khả quan của Thép Việt Ý (HOSE: VIS) trong quý cuối cùng năm 2020 với lãi ròng đạt 19.7 tỷ đồng. Cho cả năm 2020, VIS đạt doanh thu thuần hơn 4.06 ngàn tỷ đồng, giảm 11.6%, nhưng lãi ròng đạt gần 30 tỷ đồng trong khi năm trước chịu lỗ gần 219 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã vượt gần 12% chỉ tiêu doanh thu và đạt kết quả lợi nhuận vượt xa khỏi kế hoạch (mục tiêu lỗ gần 66 tỷ đồng).