Đại án đất vàng tại Q.1, TP.HCM: 'Lận đận' số phận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng

23/04/2021 09:37
23-04-2021 09:37:20+07:00

Đại án đất vàng tại Q.1, TP.HCM: 'Lận đận' số phận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) trước 1975 là Nhà máy bia Chợ Lớn, sau giao Bộ Công thương, trực tiếp Sabeco quản lý. Nằm tại trung tâm quận nhất, khu "đất vàng" này có không ít biến động cùng với số phận nhiều người.

* Đại án đất vàng ở Q.1, TP.HCM: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói ‘đã quên nhiều’

* Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì?

Đại án đất vàng tại Q.1, TP.HCM: 'Lận đận' số phận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng nằm ở vị trí siêu đẹp tại Q.1, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Hơn 6.000 m2 “đất vàng” ở quận nhất có từ đâu?

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) có nguồn gốc từ đâu? Vì sao một số cựu lãnh đạo Bộ Công thương và cựu lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM… phải hầu toà khi tham gia “hô biến” đất công thành đất tư. Nhất là khi cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đang phải hầu toà trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; và "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại Bộ Công thương và liên quan đến khu đất này.

Theo tài liệu Thanh Niên thu thập được, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có tiền thân là Nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng B.G.I của Pháp. Sau năm 1975, hãng B.G.I được Chính phủ giao cho Bộ Lương thực và Thực phẩm, sau này là Bộ Công thương trực tiếp quản lý. Trong đó, có khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) rộng 6.080 m2, dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Khu đất này có vị trí được giới kinh doanh bất động sản ví như “đất vàng” vì nằm ở vị trí quận trung tâm nhất TP.HCM với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ).

Năm 2007, Sabeco thực hiện cổ phần hoá. Vốn điều lệ là hơn 6.400 tỉ đồng với ngành nghề chính là sản xuất bia, rượu và nước giải khát. Từ năm 2008 đến trước khi nhà nước thoái vốn năm 2017, vốn nhà nước tại Sabeco chiếm hơn 89%, theo luật Doanh nghiệp 2005 thì đến trước 30.6.2015, công ty này là doanh nghiệp nhà nước. Từ 1.7.2015, theo luật Doanh nghiệp 2014, Sabeco là công ty cổ phần có vốn nhà nước. Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần góp vốn tại Sabeco.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương tỏ ra có vấn đề về sức khoẻ khi đến toà vào ngày 22.4. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Theo cáo trạng được công khai tại phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm liên quan đến khu đất này, đại diện VKS nêu, năm 2001, Thủ tướng có chỉ thị về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Năm 2006, Bộ Công thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 80 TP.HCM để Sabeco giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1) với mục đích thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, hội thảo, văn phòng cho thuê.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa “phớt” chỉ đạo của Thủ tướng

Để triển khai, năm 2007, Sabeco liên doanh thành lập Công ty CP bất động sản Sabeco (Sabeco Land), với cổ đông sáng lập gồm: Sabeco; Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên; Công ty CP Đầu tư Rồng Á Châu. Sabeco Land đã thuê đơn vị tư vấn, lập hồ sơ pháp lý; thuê tư vấn thiết kế kiến trúc công trình toà nhà Sabeco Tower tại khu đất kể trên để triển khai xây dựng dự án, tổ chức thi tuyển kiến trúc…

Tháng 10.2010, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của Dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng là khu phức hợp, chức năng là khách sạn 6 sao, văn phòng, thương mại dịch vụ; không có chức năng căn hộ và cho thuê.

Tháng 7.2011, UBND TP.HCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1 với số tiền lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Do số tiền phải nộp cho nhà nước quá lớn nên chưa bố trí được đúng hạn, Sabeco đã báo cáo Bộ Công thương. Tháng 10.2012, Bộ Công thương có văn bản gửi UBND TP.HCM với nội dung gia hạn nộp số tiền sử dụng đất nêu trên cho Sabeco để có thêm thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng được HĐXX cho ngồi trả lời thẩm vấn vì lý do sức khoẻ. Ảnh: chụp màn hình

Cũng theo cáo trạng, năm 2011, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Năm 2012, tiếp tục có nghị quyết chỉ đạo đến năm 2015 phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bảo toàn ở mức cao nhất vốn nhà nước. Nhưng cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vẫn không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, không phải ngành nghề kinh doanh chính, thực hiện lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho liên doanh không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước.

Tháng 2.2013, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco (BPQLVNN) gồm: ông Phan Đăng Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sabeco; bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Sabeco; ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco; ông Bùi Ngọc Hạnh, Thành viên HĐQT Sabeco đề xuất Bộ Công thương cho giải thể Sabeco Land vì các nhà đầu tư trong liên doanh không đủ năng lực tài chính. Đồng thời, cho liên doanh góp vốn với nhóm 5 nhà đầu tư khác là: Công ty CP tập đoàn Đại Dương, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Công ty CP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương, Công ty TNHH Thịnh Việt và Công ty CP đầu tư Mê Linh triển khai dự án.

Tháng 6.2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có văn bản đồng ý cho giải thể Sabeco Land và đồng ý với đề xuất của Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco là hợp tác với nhóm 5 doanh nghiệp nêu trên thực hiện dự án.

Giải thể Sabeco Land, Sabeco tiếp tục liên doanh lập ra Sabeco Pearl

Tuy nhiên, tháng 4.2014, BPQLVNN tại Sabeco bất ngờ báo cáo Bộ Công thương về việc nhóm 5 nhà đầu tư nêu trên xin rút không thực hiện dự án. Đồng thời, đề xuất cho Sabeco hợp tác với nhóm 3 nhà đầu tư khác là: Công ty CP Attland, Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An (Công ty Hà An), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (Công ty Mê Linh) thành lập công ty cổ phần để triển khai dự án.

Phương án hợp tác là Sabeco và nhóm các nhà đầu tư sẽ thành lập công ty cổ phần. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn điều lệ (8% bằng tiền mặt, 8% bằng giá trị lợi thế khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng). Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn điều lệ bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng đất hơn 1.200 tỉ đồng, tiền phạt do chậm nộp…

Các bị cáo trong vụ án gây thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại toà sơ thẩm. Ảnh: CTV

Giữa tháng 6.2014, bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương, đã trình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dự thảo công văn trả lời Sabeco về việc đồng ý cho 3 nhà đầu tư mới cùng lập liên doanh triển khai dự án. Cựu Thứ trưởng Thoa đã yêu cầu xin ý kiến cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước khi ký gửi Sabeco.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã ghi thêm vào dự thảo văn bản với nội dung: “Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét, quyết định”. Sau đó, cựu Thứ tưởng Thoa đã ký ban hành công văn gửi Sabeco với nội dung: “Về chủ trương, Bộ Công thương đồng ý để Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thể nhóm nhà đầu tư cũ (xin rút) để triển khai thực hiện dự án; việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể phải báo cáo Bộ xem xét…”.

Sau đó, tháng 11.2014, Sabeco và các nhà đầu tư đã ký Hợp đồng nguyên tắc về hợp tác đầu tư. Ngày 11.2.2015, Sabeco và các nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư với nội dung thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) để triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngày 14.2.2015, Sabeco Pearl được thành lập theo hợp đồng hợp tác ký ngày 11.2.2015. Sau đó, Sabeco Pearl tăng vốn điều lệ nhưng tỷ lệ góp vốn của các cổ đông không thay đổi. Tổng công ty Sabeco góp vốn thành lập vào Sabeco Pearl tổng số tiền là hơn 92 tỉ đồng. Sau đó, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án nhưng không được định giá để tính vào phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl. Đây là một trong những nguyên nhân trực triếp gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.

Lê Quân

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Dự án kêu gọi đầu tư tuần 20-26/04: Đồng Tháp có khu dân cư gần 3.4 ngàn tỷ đồng

Tuần từ ngày 20-26/04/2024, có 5 tỉnh, thành kêu gọi đầu tư dự án, trong đó Đồng Tháp và Thanh Hóa mời đầu tư dự án với quy mô hàng ngàn tỷ đồng.

Hàng ngàn công nhân thi công xuyên lễ trên công trường sân bay Long Thành

Trên công trường sân bay Long Thành đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các công nhân, kỹ sư vẫn làm việc 3 ca 4 kíp, dàn trải đều ở nhiều hạng mục.

Đà Nẵng chuyển đổi condotel thành chung cư: Nguy cơ vỡ quy hoạch ven biển

Hàng ngàn căn hộ condotel tại các dự án ven biển Đà Nẵng được chuyển đổi thành chung cư với quy mô dân số hàng ngàn hộ dân được cảnh báo sẽ phá vỡ quy hoạch ven...

Thông tin mới nhất về các gói thầu của Tập đoàn Thuận An tham gia tại TPHCM

Liên quan việc ảnh hưởng của CTCP Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) tại các dự án của TPHCM, chiều 25/04, đại diện các chủ đầu tư đã thông tin rõ tại họp báo về...

Dự án làm thay đổi khẩu vị đầu tư bất động sản của người Đà Nẵng

Với nhu cầu đầu tư, người Đà Nẵng thường ưu tiên đất nền. Lâu nay, nhiều người còn chưa quen thuộc với loại hình căn hộ. Vì vậy, việc khách hàng là người Đà Nẵng...

Bà Rịa – Vũng Tàu thu hồi chủ trương đầu tư khu đô thị gần 180ha

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản 4743/UBND-VP về việc thu hồi chủ trương đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên tại xã Tóc Tiên...

Liên danh đến từ Hà Nội muốn làm khu đô thị hơn 3.2 ngàn tỷ ở Trà Vinh

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu khu đô thị Tây Nam phường 7, thành phố Trà Vinh. Kết quả chỉ có duy nhất...

Khởi tố vụ án liên quan dự án Thành An Tower trên đường Lê Văn Lương

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại dự án Thành An Tower số 21 Lê Văn Lương (Hà Nội)...

T&T của bầu Hiển xin dừng thực hiện 2 khu đô thị hơn 8.6 ngàn tỷ tại An Giang

Do cơ chế chính sách về đất đai cũng như công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên Tập đoàn T&T đề nghị xin dừng thực hiện hai khu đô thị hơn 8.6 ngàn tỷ...

Hơn 560 dự án đăng ký sử dụng đất rồi... bỏ đó

Hơn 560 dự án, công trình tại TPHCM tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Giao thông có 117 dự án, thương mại dịch vụ có 18 dự án, phát triển đô thị có 73 dự án, giáo...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98