Ngành rau quả lại đau đầu với bài toán bảo quản

14/04/2021 21:30
14-04-2021 21:30:58+07:00

Ngành rau quả lại đau đầu với bài toán bảo quản

Giữa bối cảnh thiếu container và thời gian vận chuyển kéo dài, công nghệ bảo quản giúp rau quả tươi ngon lâu càng trở nên bức thiết.

Kinh doanh ngành rau quả, nhiều người vẫn nói vui "sáng rau chiều rác" nếu không có công nghệ bảo quản. Bởi lẽ, đối với rau quả tươi, khả năng cạnh tranh sẽ tăng lên khi bảo quản lâu mà vẫn giữ được chất lượng để có thời gian bán hàng dài hơn. Thị trường sẽ bớt cảnh rộ mùa phải đổ bỏ còn hết mùa thì không có hàng để bán.

Ngưng xuất hàng vì không có công nghệ bảo quản

Vina T&T Group (TP HCM) là một trong những doanh nghiệp (DN) hàng đầu xuất khẩu trái cây đi các thị trường xa như Mỹ, châu Âu (EU) nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc, buồn bã cho biết công ty ông đang phải tạm ngưng xuất khẩu xoài xanh và thanh long ruột trắng bằng đường tàu biển vì không có công nghệ bảo quản.

Ngành rau quả lại đau đầu với bài toán bảo quản - Ảnh 1.
Rau quả tươi được lưu chuyển tại kho CASS (Long An)

"Đây là 2 loại quả tươi chúng tôi đã bảo quản được 30-35 ngày nhưng nay thời gian vận chuyển trên biển kéo dài hơn trước, hàng đến nơi không kịp bán. Nếu bây giờ có công nghệ bảo quản giúp xoài xanh và thanh long ruột trắng vẫn tươi khi đến Mỹ, EU sau 1 tuần là chúng tôi sẵn sàng mua ngay. Hiện tại, DN chủ yếu tập trung xuất khẩu bằng đường hàng không" - ông Tùng bộc bạch.

Theo ông Tùng, công nghệ bảo quản đối với hầu hết các loại trái cây hiện là "bí mật kinh doanh" của từng DN chứ không phải quy trình chung được công bố rộng rãi. Bởi lẽ, để chọn được công nghệ và triển khai thực tiễn, DN nào cũng phải trả giá rất nhiều nên không thể chia sẻ được.

Không đưa ra yêu cầu quá khó như Tập đoàn Vina T&T, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, chỉ mong giữ được thanh long tươi thêm 7-10 ngày đã giúp cho loại quả này đỡ bấp bênh. "Thời điểm thuận mùa thu hoạch rộ, thanh long giữ lại kho lạnh thêm 7-10 ngày, tránh bán ra ồ ạt sẽ giữ được giá. Còn khi mùa nghịch, cần có kho lạnh chờ gom hàng đủ số lượng để giao cho khách. Vấn đề hiện nay là dù tổng công suất kho lạnh tại Long An đủ cho nhu cầu trữ thanh long nhưng các chủ kho đồng thời cũng kinh doanh thanh long nên nhiều thời điểm, kho bỏ trống nhưng họ vẫn không cho nông dân, HTX thuê vì lý do cạnh tranh. Do đó, vẫn có tình trạng thanh long phải bán đổ bán tháo vì thiếu kho trữ. Trong khi đó, nông dân, HTX không đủ vốn để đầu tư kho bảo quản riêng nên rất cần các đơn vị đầu tư xây dựng và cung cấp dịch vụ bảo quản chuyên nghiệp" - ông Trịnh bày tỏ.

Cần giải pháp đồng bộ

Từ kinh nghiệm xây kho lạnh cho khách hàng, bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An) và cộng sự đã quyết định đầu tư hệ thống kho bảo quản nông sản tươi dùng công nghệ điều chỉnh khí hoàn toàn tự động đầu tiên tại Việt Nam với sức chứa lên đến 4.000 pallet (2.000-4.000 tấn, tùy mặt hàng).

Đây là công nghệ được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng, giúp kéo dài thời gian bảo quản tươi lên 2-4 lần so với bảo quản lạnh thông thường. Theo đó, không khí trong kho được rút bớt ôxy về dưới 3% và tăng nitơ lên hơn 90% (bình thường hơn 78%) giúp rau quả tươi giảm hô hấp và rơi vào trạng thái "ngủ sâu", từ đó kéo dài tuổi thọ rau quả và giảm tối đa mất chất dinh dưỡng.

Theo bà Lệ Chân, từ khi dịch Covid-19 làm tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khách hàng thuê kho nhiều hơn do nhu cầu phát triển trong tình hình mới. "Chúng tôi đã nhận bảo quản rất nhiều loại rau quả như: chanh, khoai lang, thanh long, sapoche..., thời gian khách hàng lấy ra trung bình từ 7-10 ngày với chất lượng rất tốt. Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi giữ được nhiều mặt hàng hơn 20 ngày, ngay cả với mặt hàng khó là cherry cho khách hàng nhập khẩu về phân phối trong nước. Nhờ hiệu quả từ công nghệ bảo quản mới nên dù chi phí gửi kho chúng tôi cao hơn gửi kho lạnh thông thường 3 lần, nhiều đối tác vẫn tăng lượng hàng gửi vào" - bà nhìn nhận.

Hiện tại, kho CASS chỉ nhận rau quả đã qua sơ chế đóng gói. Trong tương lai, DN này còn mở thêm dịch vụ sơ chế, rửa, xử lý nhiệt, kiểm tra chất lượng, đóng gói để nông dân, thương lái có thể đến gửi nông sản thô. Theo bà Lệ Chân, sự đầu tư của DN hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu dịch vụ sau thu hoạch của ĐBSCL, góp phần hạn chế tình trạng được mùa mất giá, nâng cao giá trị nông sản Việt.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh công nghệ bảo quản hết sức quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của rau quả tươi. "Quả cherry vỏ mỏng, mọng nước nhưng Chile có công nghệ bảo quản tươi đến 60 ngày nên bán hàng sang Trung Quốc rất tốt. Hàng vận chuyển bằng đường tàu nhưng đến nơi vẫn tươi, đỏ mọng và đẹp mắt nên người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy nhiên, công nghệ cần đồng bộ chứ không đơn giản là kho bảo quản. Trước tiên từ giống, canh tác đến thu hoạch và các vấn đề khác. Hiện tại, các kho bảo quản của chúng ta chỉ phục vụ vào thời gian cao điểm khi thu hoạch rộ hoặc vài ngày trong thời gian gom đủ hàng. Vì vậy, các DN đầu tư cho thuê kho đều tính toán rất kỹ để bảo đảm hiệu quả kinh doanh nên số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều" - ông Nguyên nhận xét.

Mục tiêu vào tốp 5 thế giới

Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030, toàn ngành xuất khẩu được 8-10 tỷ USD (từ mức 3,26 tỷ USD năm 2020), đưa Việt Nam vào tốp 5 thế giới. Đề án cũng đặt mục tiêu tổn thất sau thu hoạch giảm 1%/năm với hơn 70% cơ sở bảo quản, chế biến rau quả đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Người lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và...

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98