Tân Bộ trưởng Nông nghiệp có phá được nghịch lý 'được mùa rớt giá', 'giải cứu nông sản'?

09/04/2021 13:20
09-04-2021 13:20:07+07:00

Tân Bộ trưởng Nông nghiệp có phá được nghịch lý 'được mùa rớt giá', 'giải cứu nông sản'?

Để tăng giá trị nông sản, tiến tới không còn phải “giải cứu” trước hết phải thay đổi và định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế chứ không chỉ là ngành sản xuất, kỹ thuật với chăn nuôi, trồng trọt đơn thuần.

Tân Bộ trưởng Nông nghiệp có phá được nghịch lý 'được mùa rớt giá', 'giải cứu nông sản'?
Ông Lê Minh Hoan trong một chuyến khảo sát vùng trồng củ cải tại xã Tráng Việt (H.Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Sơn Thủy

Phải tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế

Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thay ông Nguyễn Xuân Cường, ông Lê Minh Hoan với cương vị Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã làm việc với các cục, vụ quan trọng của ngành nông nghiệp.

Một trong những thông điệp được ông Hoan nhấn mạnh tại các buổi làm việc là phải định hình tư duy: nông nghiệp là ngành kinh tế.

Tại cuộc làm việc vào đầu tháng 3 với Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, ông Hoan chia sẻ, ở Nhật Bản, Hàn Quốc nếu nông dân trồng táo được 100 tấn thì họ chia làm 3 phần. Phần ngon nhất bán ra thị trường, phần còn lại trữ trong kho lạnh chờ bán dần và phần cuối cùng là quả không đủ tiêu chuẩn bán tươi thì đưa vào chế biến.

“Đó là tư duy kinh tế, nông dân nói đó là tư duy họ được học ngay từ lúc nhỏ”, ông Hoan nói. Còn nông dân Việt Nam thì sao? Ông Hoan dẫn chứng câu chuyện ở Đồng Tháp. Doanh nghiệp muốn mua xoài xuất khẩu cũng không được vì họ chỉ mua loại đủ tiêu chuẩn. Còn các nhà vườn thì “người ta bán cả cây”, nông dân nói “không có người để lựa” lớn bé, xanh chín đều bán hết lượt để lấy tiền vào vụ sau.

Giá rẻ, ế ẩm do dịch Covid-19, người dân bỏ củ cải thối trên đồng hồi tháng 2 năm nay. Ảnh: Phan Hậu

Ông Hoan nhấn mạnh, trong kinh tế học, giá cả phản ánh sự khan hiếm hàng hoá. Như nông dân Hàn Quốc, thay vì bán 100% thì giá chắc chắn thấp hơn giá khi chỉ bán 30% như thế là người ta tạo khan hiếm giả.

Còn Việt Nam mình thì sao, nhất là vào mùa thu hoạch, nông sản chịu nhiều sức ép vô hình và sản lượng lớn cũng dẫn đến dư thừa. Ông Hoan nhấn mạnh, “được mùa rớt giá” là quy luật muôn đời, không phải là do thương lái ép giá, bán cái gì mà chợ có nhiều thì giá rẻ.

Nhắc đến câu chuyện "giải cứu nông sản" ở Hải Dương vừa qua là do ảnh hưởng dịch Covid-19, thế nhưng ngay cả không có dịch thì chúng ta vẫn phải giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi, thanh long Bình Thuận.

“Đâu phải tại dịch Covid-19, bởi vì đó là quy luật hàng hoá, quy luật cung cầu. Để giải quyết câu chuyện này, chúng ta phải thay đổi, đừng xem nông nghiệp là ngành nông nghiệp, là ngành kỹ thuật trồng trọt mà phải xem nông nghiệp ngành kinh tế, trong đó không chỉ có năng suất, chất lượng mà còn có cả bài toán về chi phí, thị trường, chế biến, phân phối…”, ông Hoan nói.

Công nghệ bảo quản, chế biến là khâu then chốt

Tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để tư duy nông nghiệp từ ngành sản xuất sang ngành kinh tế thì vai trò công nghệ sau thu hoạch rất lớn. Giá trị gia tăng của công nghệ phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến tinh… có khi tạo ra giá trị gấp đôi sản phẩm chính.

Dẫn chứng trái cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang) có công nghệ bảo quản vận chuyển vài ngày trên tàu, qua các chợ đầu mối rồi mới đến tay người tiêu dùng ở Đồng Tháp nhưng vẫn tươi ngon.

Trong khi đó, xoài Đồng Tháp chuyển ra Hà Nội thì hao hụt đến 30%, thương lái, doanh nghiệp phải hạ giá thu mua để bù đắp.

“Nếu mình có công nghệ bảo quản để không làm nông sản hao hụt thì tạo ra biết bao nhiêu giá trị, như thế đã giúp người nông dân tăng thu nhập rồi”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Hoan nhận bàn giao chức vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT từ người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Cường chiều 8.4. Ảnh: Văn Giang

Bàn về câu chuyện gia tăng giá trị nông sản, ông Hoan nhấn mạnh, vai trò của các hợp tác xã rất quan trọng. Ở các nước phát triển, hợp tác xã có kho lạnh bảo quản, sơ chế phân loại sản phẩm đầu vào, thậm chí là chế biến, kết nối với doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường giống như mô hình doanh nghiệp.

Còn ở Việt Nam, hợp tác xã kiểu cũ chỉ làm các dịch vụ kỹ thuật, chưa kết nối được với thị trường. “Tới đây phải chọn thí điểm một số mô hình cụ thể để tập trung chính sách, nguồn lực hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ làm cho được khâu bảo quản, sơ chế, phân loại sản phẩm… Phải làm cho ra được hình mẫu hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tăng được giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản”, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, thực trạng công nghệ chế biến nông sản hiện nay, chỉ có 10% là doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại. Đây có thể coi là “đại bàng” nhưng 90% còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã nông nghiệp của nông dân, số này là “chim sẻ”.

Chính sách khoa học công nghệ tới đây phải có 2 hướng, doanh nghiệp thì có chính sách khác, có thể liên kết để đặt hàng các sản phẩm. Nhưng với khoảng 17.000 hợp tác xã đang có hiện nay, liên quan trực tiếp đến hàng chục triệu nông dân thì phải tập trung hỗ trợ mạnh hơn.

“Đại bàng” có sứ mệnh của “đại bàng”, “chim sẻ” có sứ mệnh của “chim sẻ”. Nhưng "đại bàng” chỉ là số ít, có bao nhiêu đâu, trong khi “chim sẻ” thì rất nhiều và nếu biết cách biết tập hợp lại, khơi động lực phát triển ở khối này thì “chim sẻ” còn mạnh mẽ hơn “đại bàng” rất nhiều”, ông Hoan nói.

Chờ hoàn thiện hết, thì còn gì làm nữa!

Khẳng định giá trị gia tăng của nông sản còn nằm ở công nghệ chế biến, ông Hoan lấy dẫn chứng, trái quýt ở Trung Quốc người ta thu hoạch từ khi quả còn xanh rồi nạo lấy lõi sản xuất nước uống, còn lại vỏ quả có tinh dầu thì dùng để ướp chè. Trong khi trái quýt ở mình, nông dân không biết làm gì, thừa chỉ có đổ đi...

Với cà phê, Trung Quốc có công nghệ chế biến xử lý toàn bộ phần vỏ quả, bã cà phê để trồng nấm. Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu nấm thu về 17 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động ở nông thôn.

Còn ở Việt Nam, cà phê chỉ lấy được mỗi tí nước, còn lại đều đổ bỏ đi. Mới đây, ở Đồng Tháp, nông dân đã biết khởi nghiệp với trái xoài thối đưa ruồi lính đen vào để tạo thành phân nuôi cá, nuôi gà.

“Nông nghiệp còn nhiều chuyện để nghiên cứu, đẩy giá trị nông sản giá trị gia tăng nhiều hơn. Đừng trông chờ cái hoàn thiện, chứ nếu hoàn thiện hết thì còn làm gì nữa”, ông Hoan gợi ý.

Phan Hậu

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và...

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98