Xuất khẩu gạo giảm do chuyển hướng quá đà?

17/05/2021 08:48
17-05-2021 08:48:08+07:00

Xuất khẩu gạo giảm do chuyển hướng quá đà?

Xuất khẩu gạo trong tháng 4-2021 tuy tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng xuất khẩu của bốn tháng đầu năm lại giảm, giá xuất khẩu cũng đã bớt “nóng” hơn. Điều đáng nói là nguyên nhân của sự suy giảm này dường như là hệ quả của việc chuyển hướng quá mạnh sang sản xuất xuất gạo nếp, gạo thơm để xuất khẩu.

Vẫn còn đó hàng loạt vấn đề rất quan trọng cần tìm ra những lời giải thỏa đáng cho xuất khẩu gạo. Ảnh: N.K

Thiếu gạo trắng do chuyển hướng quá đà?

Theo Tổng cục Thống kê, lượng gạo xuất khẩu tháng 4 vừa qua đạt 700.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ, với kim ngạch đạt 362 triệu đô la Mỹ và tăng 36,6%. Lũy kế bốn tháng xuất khẩu gạo đạt 1,89 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu là 1,01 tỉ đô la và giảm 1,2%.

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 4 vừa qua chỉ còn đạt 518 đô la/tấn, giảm 6,2% so với kỷ lục 552 đô la/tấn trong tháng 1 và chỉ còn tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo tháng 4 vừa qua tăng tốc so với cùng kỳ là do thời điểm này năm ngoái việc xuất khẩu bị tạm ngưng một thời gian. Dù vậy, mức gia tăng đột biến đó cũng không đủ để “cứu” sản lượng xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm, mà nhiều khả năng là do việc chuyển sang sản xuất và xuất khẩu gạo thơm và gạo nếp để có giá trị cao hơn gạo trắng, dù là hướng đi đúng, nhưng dường như đã có phần quá đà.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy xuất khẩu gạo của nước ta trong bốn tháng qua giảm chủ yếu là do gạo trắng xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Á giảm.

Cụ thể, trong 1,19 triệu tấn xuất khẩu trong quí 1, gạo trắng đạt 532.000 tấn, giảm tới 38,1% so với cùng kỳ, còn gạo thơm và gạo nếp đạt 625.000 tấn, chỉ giảm không đáng kể. Như vậy, đây chính là lần đầu tiên nhóm gạo có giá cao hơn vượt gạo trắng và cơ cấu hầu như đã đảo ngược hoàn toàn, bởi tỷ trọng này quí 1-2020 còn là 54,4% và 41,6%, còn hiện nay là 44,7% và 52,5%.

Đến nay gạo nếp xuất khẩu của chúng ta vẫn là thứ gạo nếp giá rẻ, lại vẫn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” Trung quốc... Năm 2017 chúng ta đạt được kỷ lục xuất khẩu 1,41 triệu tấn là nhờ Trung quốc đạt kỷ lục nhập khẩu 1,32 triệu tấn.

Năm 2020 vừa qua, xuất khẩu gạo nếp đã phục hồi khá ấn tượng với sản lượng 961.000 tấn, trong đó riêng Trung Quốc đã nhập tới 724.000 tấn.

Nếu xét theo cơ cấu thị trường, có thể khẳng định rằng, thị trường châu Á là tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng nói trên, bởi trong tổng lượng giảm 388.000 tấn, thì thị trường này chiếm 346.000 tấn, trong đó riêng gạo trắng chiếm 276.000 tấn, còn gạo thơm và nếp chỉ chiếm 56.000 tấn.

Ở thị trường châu Phi, xuất khẩu gạo trắng cũng giảm đáng kể, nhưng gạo thơm và gạo nếp lại tăng khá, cho nên tính chung thì giảm không đáng kể.

Còn thị trường châu Mỹ, châu Úc, châu Âu và các thị trường khác thì tổng lượng cũng như cơ cấu mặt hàng hầu như không có biến động gì nhiều.

Xuất khẩu gạo trắng giảm mạnh như vậy là do chúng ta, chứ không phải do nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng giảm.

Theo số liệu thống kê quí 1-2021, hai khách hàng “ruột” lâu nay là Philippines và Malaysia đã giảm nhập khẩu gạo Việt Nam tới 278.000 tấn, tương ứng với tỷ lệ giảm 36,2%.

Trong khi lượng gạo trắng các nước này nhập của Ấn Độ chỉ trong hai tháng đầu năm nay đã tăng đột biến 3,23 lần, đạt 341.000 tấn với giá bình quân chỉ với 367,5 đô la/tấn. Như vậy, suy đoán về việc giá gạo trắng của chúng ta quá cao đã khiến khách hàng quay lưng lại và chuyển sang nguồn cung có giá cả hấp dẫn hơn là hoàn toàn chính xác.

Mặt khác, cũng từ thực tế này, có thể suy luận ngược trở lại là, diện tích gieo trồng cho gạo trắng phẩm cấp thấp và giá rẻ đã được thu hẹp quá mức, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến giá mua cũng như giá chào xuất khẩu của các doanh nghiệp đã bị đẩy lên quá cao, chứ hoàn toàn không phải do chất lượng đã được nâng cao, được các thị trường chấp nhận như không ít ý kiến đã khẳng định.

Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam phải nhập gần 47.000 tấn gạo trắng của Ấn Độ trong hai tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ nhập mấy trăm tấn.  

Gạo thơm, gạo nếp dù giá cao hơn nhưng vẫn là phân khúc giá rẻ

Chuyển hướng sang sản xuất gạo thơm và gạo nếp có giá cao hơn để tăng giá trị xuất khẩu là hướng đi đúng, nhưng việc này cũng cần tính đến nhu cầu của thị trường xuất khẩu để tránh cho nguồn cung gạo bị “lệch pha”.

Trước hết, dù xuất khẩu gạo nếp cũng là một hướng đi cần phát triển, nhưng đến nay gạo nếp xuất khẩu của chúng ta vẫn là thứ gạo nếp giá rẻ, lại vẫn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” Trung Quốc, cho nên rất cần được xem xét một cách thấu đáo.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), giá gạo nếp xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong năm năm gần đây chỉ đạt 507 đô la/tấn, thấp hơn của Thái Lan tới 42,7%. Còn về thị trường xuất khẩu, theo số liệu thống kê của USDA, năm 2017 chúng ta đạt được kỷ lục xuất khẩu 1,41 triệu tấn là nhờ Trung Quốc đạt kỷ lục nhập khẩu 1,32 triệu tấn, chiếm 93,4%, nhưng hai năm sau đó liên tục giảm mạnh trở lại. Năm 2020 vừa qua, xuất khẩu gạo nếp đã phục hồi khá ấn tượng với sản lượng 961.000 tấn, trong đó riêng Trung Quốc đã nhập tới 724.000 tấn.

Thứ hai, gạo thơm có lẽ là hướng phát triển tốt nhất, nhưng giá cả và việc mở rộng thị trường cũng không hề dễ dàng, cho nên cũng phải cân nhắc.

Cho dù đây cũng là loại gạo có giá cao hơn gạo trắng, nhưng xét trên bình diện toàn cầu, giá gạo thơm xuất khẩu bình quân của chúng ta trong năm năm qua chỉ đạt 493 đô la/tấn, thấp hơn tới 49,7% so với gạo Basmati của Pakistan và thấp hơn 51,1% so với gạo Thai Hom Mali của Thái Lan, thậm chí thấp hơn tới 57,1% so với gạo Basmati của Ấn Độ.

Có lẽ đây là lý do thị trường gạo thơm Việt Nam mạnh nhất vẫn là châu Phi, với sản lượng xuất khẩu ba tháng đầu năm nay đạt 208.000 tấn, chiếm hơn một nửa trong tổng lượng xuất khẩu hơn 400.000 tấn.

Do vậy, cũng giống như đối với gạo nếp, vấn đề mấu chốt đặt ra là tìm được mặt hàng gạo thơm có giá cao hơn hẳn hiện nay để nhắm vào những thị trường coi trọng chất lượng, có giá cao.

Tóm lại, sau nhiều năm nỗ lực điều chỉnh cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, chúng ta đã giành được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó hàng loạt vấn đề rất quan trọng cần tìm ra những lời giải thỏa đáng.  

Nguyễn Đình Bích

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và...

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98