Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng châu Á 1998

30/07/2021 11:18
30-07-2021 11:18:14+07:00

Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng châu Á 1998

Trong năm nay, Thái Lan có nguy cơ trở thành nền kinh tế có tăng trưởng kém nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia kinh tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng của xứ sở Chùa Vàng khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng phá kỷ lục, bất ổn chính trị leo thang trong khi những hy vọng về phục hồi lĩnh vực du lịch mờ nhạt dần.

Theo dự báo mới nhất của 36 chuyên gia kinh tế trong một khảo sát của Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ tăng trưởng 1.8% trong năm nay. Con số này trên thực tế khá đáng thất vọng vì đã được so với cái nền thấp của năm 2020. Trong năm 2020, GDP của quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận mức sụt giảm 6,1% - mức giảm tồi tệ nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ.

Hồi tháng 4/2021, Bộ Tài chính Thái Lan dự báo tăng trưởng GDP nước này sẽ đạt 2.3%. Tuy nhiên, mức dự báo này có nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh lại. Kể từ đợt tái bùng dịch bắt đầu vào tháng 4/2021, số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong tại Thái Lan liên tục phá vỡ các mức kỷ lục. Nhiều chuyên gia kinh tế đang cảnh báo về khả năng Thái Lan phải trải qua một cuộc suy thoái về mặt kỹ thuật trong nửa cuối năm nay. Nước này thậm chí có nguy cơ đối mặt với năm sụt giảm thứ 2 liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

“Chúng tôi nhận thấy Thái Lan là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ nhất trong khu vực trong năm 2021 và 2022”, theo ông Charnon Boonnuch, Chuyên gia kinh tế của Nomura Holdings tại Singapore. “Dự báo của chúng tôi ám chỉ rằng sản lượng kinh tế sẽ không thể quay lại các mức trước đại dịch trước quý 3/2022, mức thấp nhất khu vực, một phần phản ánh sự phụ thuộc của Thái Lan quá nhiều vào du khách quốc tế”.

Từ tuần trước, thủ đô Bangkok cùng với 12 tỉnh khác - đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng kinh tế Thái Lan - phải áp lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm khi biến chủng Delta đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế công của nước này. Theo NHTW Thái Lan, đại dịch bùng phát có thể khiến GDP giảm đi ít nhất 2 điểm phần trăm trong năm nay nếu các biện pháp hiện nay không kiểm soát được tình hình và dịch bệnh tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2021.

Tính đến ngày 28/07, Thái Lan ghi nhận 16,533 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng số ca nhiễm trong cả nước lên 543,361 ca. Trong số đó, có đến 95% số ca nhiễm được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, làn sóng Covid-19 mới này có thể sẽ giảm đi vào tháng 10/2021.

Theo công cụ theo dõi tiêm vắc-xin Covid-19 của Bloomberg, Thái Lan đã phân phối gần 16 triệu liều vắc-xin Covid-19, đủ tiêm chủng cho khoảng 11% dân số cả nước. Trước đây, NHTW Thái Lan từng kỳ vọng nước này sẽ đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, hiện họ cho rằng mục tiêu này sẽ không thể đạt được cho đến sau năm 2022.

Maria Lapiz, Giám đốc quản lý của Maybank Kim Eng Securities Thailand, cho rằng: “Hiện có khá nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm một lần nữa trong năm nay. Chúng ta không có lý do nào để lạc quan cả”.

Nền kinh tế thứ 2 Đông Nam Á đang chứng kiến cuộc khủng khoảng kinh tế, y tế diễn ra song song với sự gia tăng về bất ổn chính trị. Sau 6 tháng im ắng, phong trào ủng hộ dân chủ lại trỗi dậy. Kể từ ngày 24/06, gần như ngày nào cũng có nhiều nhóm người thường xuyên tụ tập trên các đường phố Thái Lan để tham gia phong trào.

“Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và hệ thống y tế của chúng ta đang bên bờ vực sụp đổ”, Burin Adulwattana, kinh tế trưởng tại Bangkok Bank cho biết. “Do chương trình hỗ trợ không thỏa đáng, ngày càng có nhiều người mất lòng tin với Chính phủ và một số người đã đổ xô ra các đường phố. Điều này có thể làm suy yếu sự ổn định chính trị và tiếp tục làm tổn hại niềm tin về Chính phủ”.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đặt mục tiêu sẽ chào đón thêm nhiều du khách quốc tế kể từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng tại Phuket - hòn đảo du lịch nghỉ dưỡng đã bắt đầu áp dụng chính sách miễn cách ly cho du khách đã tiêm đủ vắc-xin Covid-19 vào tháng 7/2021 - có khả năng đe dọa mục tiêu vực dậy ngành du lịch của xử sở Chùa Vàng. Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch Thái Lan đóng góp 1/5 vào tăng trưởng kinh tế quốc gia và thuê mướn khoảng 20% lực lượng lao động trong nước.

Trong năm 2020, Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch vay mượn 1 ngàn tỷ Bath (tương đương 30.4 tỷ USD) để ứng phó đại dịch. Năm nay, chương trình vay mượn đã bổ sung thêm 500 tỷ Bath trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm gần đây. Vào giữa tháng 7/2021, Nội các Thái Lan đã thông qua một khoản ngân sách bổ sung lên tới 30 tỷ Bath để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do áp dụng các biện pháp hạn chế gần đây.

Hai lực kéo còn lại của nền kinh tế - chi tiêu chính phủ và xuất khẩu - cũng đối mặt với những bất ổn. Trong tháng 6/2021 xuất khẩu Thái Lan tăng 43.8% so với cùng kỳ năm 2020, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm, nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, lực đẩy tăng trưởng này cũng có thể đối mặt với rủi ro nếu chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 vẫn diễn ra chậm chạp.

“Thật khó để giữ vững niềm hy vọng rằng Thái Lan sẽ mở cửa lại vào tháng 10/2021. Nếu điều này có thể xảy ra, sẽ có sự khác biệt lớn tại đất nước này”, Lapiz của Maybank nói.

Khai Tâm (Theo Bloomberg)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98