Sự bùng phát của biến chủng Delta kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc

05/08/2021 10:06
05-08-2021 10:06:18+07:00

Sự bùng phát của biến chủng Delta kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc

Đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất ở Trung Quốc kể từ cuối năm 2019 đang ghì chặt hoạt động của ngành du lịch và chi tiêu trong mùa hè, qua đó thôi thúc các chuyên viên phân tích xem xét lại dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các cơ quan chức trách vội đóng cửa các điểm du lịch, huỷ các sự kiện văn hoá và các chuyến bay, khi số ca nhiễm biến chủng Delta đã xuất hiện ở gần một nửa trong số 32 tỉnh thành trực thuộc trung ương của Trung Quốc trong vòng chỉ 2 tuần trở lại đây. Ít nhất 46 thành phố đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trừ trường hợp thực sự cần thiết.

Cùng với thiệt hại từ lũ lụt ở một số khu vực, các biện pháp kiểm soát gần nhất có khả năng kìm hãm chi tiêu bán lẻ và tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2021.

“Các biện pháp cứng rắn từ Chính phủ dẫn tới các lệnh cấm đi lại và phong tỏa khắt khe nhất kể từ mùa xuân năm 2020”, Lu Ting, Chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura, cho hay. “Các cơn bão và lũ lụt – đều tệ hơn dự báo – cũng gây ra làn sóng hạ dự báo tăng trưởng quý 3/2021”.

Nomura Holdings hạ dự báo tăng trưởng quý 3 của kinh tế Trung Quốc từ 6.4% xuống 5.1% và tăng trưởng 4.4% trong quý 4. Trong cả năm 2021, Nomura dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 8.2%, giảm từ mức 8.9%.

“Sẽ có một số rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3, và mức độ ảnh hưởng trên thực tế sẽ tuỳ thuộc vào việc đợt dịch này kéo dài bao lâu, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng”, chuyên gia kinh tế Liu Peiqian thuộc Natwest Group nhận định.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn có những ổ dịch bùng phát rải rác, nhưng đều là những ổ dịch nhỏ và được kiểm soát một cách nhanh chóng. Đợt dịch hiện nay đã dẫn tới việc đóng cửa tất cả các điểm du lịch ở Trương Gia Giới, một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Các thành phố khác ở Hồ Nam, Giang Tô và Sơn Tây cũng đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch.

Với các hãng bay, công suất ghế ở Trung Quốc trong tuần này giảm 9.8% so với tuần trước, đánh dấu hai tuần giảm liên tiếp. Công suất hiện tại đang mức tương đương mức 95.7% cùng kỳ năm 2019 - theo dữ liệu từ công ty OAG. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, các hãng hàng không ở Trung Quốc chào bán số lượng ghế bay ít hơn so với cùng kỳ trước đại dịch.

Trang web đặt chỗ du lịch Qunar.com cho biết số lượng hủy chuyến bay và khách sạn tăng vọt trong ngày 29/07 và lên cao gấp 4 lần so với thời gian bình thường.

Đợt bùng dịch này tạo ra áp lực mới lên sự phục hồi còn mong manh của ngành bán lẻ Trung Quốc, đồng thời gia tăng thách thức đối với tăng trưởng kinh tế nước này trong nửa cuối của năm nay. Trước đó, giới phân tích đã dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc trong quý 3 và quý 4 do xuất khẩu tăng chậm lại, thị trường bất động sản hạ nhiệt, và đầu tư cơ sở hạ tầng yếu đi.

“Tăng trưởng tiền lương của người dân Trung Quốc cũng chậm chạp, và nếu người dân giảm chi tiêu do bùng dịch, đó chắc chắn sẽ là một rào cản đối với tiêu dùng trong nửa sau của năm nay”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược thuộc China Renaissance Securities ở Hồng Kông, nhận định.

Đợt bùng phát hiện tại gây áp lực lên đà hồi phục mong manh của doanh số bán lẻ và gây ra thêm hàng loạt rủi ro trong nửa cuối năm, bao gồm đà giảm tốc về xuất khẩu và sự hạ nhiệt của đầu tư bất động sản cũng như cơ sở hạ tầng.

Chỉ số PMI tháng 7/2021 cho thấy sản xuất đang hứng chịu nhiều áp lực. Mặc dù chỉ số PMI dịch vụ của Caixin hồi phục mạnh từ mức đáy 14 tháng trong tháng 6/2021 – chủ yếu là do dịch bệnh ở tỉnh Quảng Đông được kiểm soát – nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm.

Chỉ số này cho thấy đà hồi phục kinh tế không vững chắc, Wang Zhe, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, cho biết trong tuyên bố ngày 04/08. “Nền kinh tế vẫn đối mặt với áp lực giảm khổng lồ”.

Bloomberg Economics ước tính rằng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có thể giảm 0,2% so với tháng trước trong tháng 7 và tháng 8, tương tự như ảnh hưởng trong đợt bùng dịch hồi đầu năm nay ở hai tỉnh Hà Bắc và Cát Lâm. Nếu tính cả năm, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc nhiều khả năng không đạt dự báo tăng 12%.

Giới chức Trung Quốc đã thận trọng về sự giảm tốc tăng trưởng trong những tháng sắp tới, theo đó cam kết sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm hơn 6%.

Lễ hội bia quốc tế Thanh Đảo, lễ hội bia lớn nhất Trung Quốc, đã phải đóng cửa sớm. Tỉnh Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc huỷ lễ hội rước đuốc, một sự kiện du lịch nổi tiếng của địa phương này. Hơn một chục lễ hội âm nhạc ở nhiều thành phố bị hoãn hoặc huỷ. Các rạp chiếu phim đóng cửa ở Nam Kinh, Trương Gia Giới, và Liên Vân Cảng.

Đợt dịch này cũng đã lan tới Bắc Kinh, cho dù thành phố thủ đô áp dụng các biện pháp chống dịch ngặt nghèo. Ngày 03/08, nhà chức trách Bắc Kinh đã cấm hành khách đi tàu từ 23 khu vực trên cả nước tới thành phố này, bao gồm từ Trịnh Châu, Nam Kinh, Dương Châu, Thẩm Dương và Đại Liên. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, tuần này cũng đã ghi nhận ca nhiễm mới.

Ngày 04/08, Trung Quốc ghi nhận 86 ca nhiễm mới trong cộng đồng, bao gồm 15 ca không có triệu chứng, con số cao nhất trong 1 ngày kể từ tháng 1/2021.

Theo Bloomberg, đợt bùng dịch này ở Trung Quốc bắt đầu từ một ổ dịch gồm các nhân viên vệ sinh sân bay ở thành phố Nam Kinh hồi giữa tháng 7. Biến chủng Delta có tốc độ lây nhanh và hoạt động đi lại gia tăng trong mùa hè được xem là nguyên nhân chính khiến các ca nhiễm lan ra các địa phương khác.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Iris Pang của ING Bank cho rằng các ca nhiễm mới không tập trung ở những khu vực có nhiều hoạt động công nghiệp và xuất khẩu, nên ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất sẽ được hạn chế.

“Nếu có ca nhiễm ở những địa điểm mới, là những thành phố trung tâm của các ngành dịch vụ và sản xuất, thì các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Pang nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98