Bất chấp Covid, Trung Quốc vẫn là "mỏ vàng" của ngành hàng xa xỉ

26/01/2022 08:34
26-01-2022 08:34:10+07:00

Bất chấp Covid, Trung Quốc vẫn là "mỏ vàng" của ngành hàng xa xỉ

Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho hàng xa xỉ ở trong nước khi mà họ không thể ra nước ngoài do các lệnh hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19...

Bất chấp Covid, Trung Quốc vẫn là

Khách hàng tại một cửa hàng đồ xa xỉ tại Trung Quốc - Ảnh: Chinadaily

Theo báo cáo thường niên về lĩnh vực xa xỉ của hãng tư vấn Bain & Company, doanh thu hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đại lục trong năm 2021 là 471 tỷ Nhân dân tệ (73,59 tỷ USD), tăng 36% so với năm 2020. Con số này cao gấp đôi so với 234 tỷ USD doanh thu hàng xa xỉ trong nước năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Sự bùng nổ của các cửa hàng miễn thuế

Doanh thu hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp việc doanh thu bán lẻ nói chung của Trung Quốc có xu hướng giảm kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Con số này cũng phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa Trung Quốc như một điểm đến cho các thương hiệu quốc tế.

Theo Bain, thị phần của Trung Quốc đại lục trên thị trường xa xỉ toàn đã tăng lên khoảng 21% trong năm 2021, tăng từ mức gần 20% năm 2020.

“Chúng tôi dự báo đà tăng trưởng này sẽ được duy trì, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025, bất chấp các mô hình đi lại quốc tế trong tương lai”, các nhà phân tích của Bain viết trong báo cáo. “Trung Quốc vẫn tiếp tục là câu chuyện tiêu dùng tuyệt vời nhất thế giới. Mức tăng thu nhập khả dụng bình quân vẫn cao hơn so với lạm phát”.

Theo báo cáo của Bain, doanh thu đồ da đã tăng khoảng 60% và là danh mục hàng xa xỉ ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất, theo sau là hàng thời trang và phong cách sống.

Động lực tăng trưởng chính cho thị trường xa xỉ Trung Quốc là sự phát triển của các cửa hàng miễn thuế tại tỉnh Hải Nam. Trong hai năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách giảm thuế và ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp nhằm đưa đảo Hải Nam trở thành một cảng thương mại tự do và một trung tâm tiêu dùng quốc tế.

Kể cả trước khi đại dịch xảy ra khiến người tiêu dùng Trung Quốc không thể ra nước ngoài mua sắm, các thương hiệu xa xỉ từ Hồng Kông đã bắt đầu đổ xô tới Hải Nam cũng như các khu vực khác của Trung Quốc đại lục để tranh những rắc rối liên quan tới biểu tình bạo lực tại đặc khu này.

Doanh thu hàng xa xỉ tại các cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam năm 2021 đã tăng 85% so với năm trước, đạt 60 tỷ Nhân dân tệ. Năm trước đó, tăng trưởng doanh thu là 122%. Các cửa hàng này chiếm khoảng 13% thị trường hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đại lục trong năm ngoái, tăng từ mức 9% của năm 2020 và 6% của các năm trước đó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bain cho rằng động lực lớn nhất cho thành công của các cửa hàng miễn thuế Hải Nam là mức giá giảm sâu nhờ được ưu đãi thuế. “Sự chênh lệch giá đáng kể” giữa giá niêm yết chính thức và giá bán tại Hải Nam đã làm chậm tăng trưởng doanh thu tại các kênh bán hàng khác, ít nhất là với một số mặt hàng, báo cáo chỉ ra.

Mục tiêu tăng trưởng gấp 4 lần trong 2021-2025 có dễ đạt được?

Các nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục có các chính sách mới nhằm thúc đẩy thị trường hàng miễn thuế nội địa đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 4 lần vào năm 2025 so với năm 2021, đạt doanh thu 258 tỷ Nhân dân tệ, với việc mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế mới tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có nới lỏng các hạn chế với việc đi lại quốc tế và hạn mức mua hàng miễn thuế hay không.

“Thị trường hàng miễn thuế tại Hải Nam vẫn đang tụt hậu ở một số mặt hàng cũng như về sức cạnh tranh giá, đặc biệt là sản phẩm trung cấp đến cao cấp”, các nhà phân tích của EIU nhận định trong một báo cáo công bố vào tháng 12/2021. “Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích kết hợp mua sắm với việc du lịch ở nước ngoài để trải nghiệm văn hóa và môi trường quốc tế”.

Theo ước tính của Bain, chi tiêu hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2021 đạt 320,6 tỷ USD, phục hồi sau khi suy giảm trong năm 2020 và vượt qua mức 317,7 tỷ USD của năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của hãng tư vấn này cho thấy trong năm 2021, chi tiêu cho hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc ít hơn khoảng 34 tỷ USD so với năm 2019.

Năm 2021, chi tiêu hàng xa xỉ của người Trung Quốc ít hơn khoảng 34 tỷ USD so với năm 2019 - Ảnh: AP

Tăng trưởng doanh thu hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm 2021. Các nhà phân tích của Bain cho rằng nguyên nhân của việc này là cơ sở so sánh cao của năm 2020, các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ cũng như quy định mới nhắm vào những người bán hàng có tầm ảnh hưởng trên các nền tảng trực tuyến.

Theo đó, các nhà phân tích của bain dự báo thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn hơn trong năm 2022.

“Các đợt bùng phát dịch sẽ tiếp tục xảy ra trong suốt năm nay. Chúng tôi dự báo điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lưu lượng khách hàng tại các trung tâm mua sắm ở những thành phố có dịch”, báo cáo của Bain viết.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu mở cửa “sống chung với dịch”, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược chống dịch Zero Covid với việc phong tỏa cả khu vực, cách ly nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt để ngăn chặn virus lây lan.

Trang Linh

VnEconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98