Lạm phát đình trệ đang hình thành

07/05/2022 10:00
07-05-2022 10:00:00+07:00

Lạm phát đình trệ đang hình thành

Mặc dù các cú sốc gần đây đã làm cho lạm phát tăng đột biến và tăng trưởng chậm lại nhưng đó hầu như không phải là vấn đề duy nhất của nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi không có chúng thì triển vọng trung hạn cũng trở nên u ám hơn do các vấn đề về xu hướng kinh tế, chính trị, môi trường và nhân khẩu học.

Nguồn: Alex Hughes Cartoons

* Bài viết thể hiện quan điểm của Nouriel Roubini

Triển vọng trung hạn trở nên u ám

Thách thức mới mà nhiều nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi đang phải đối mặt là lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng lạm phát đình trệ hiện nay là một loạt các cú sốc tổng cung tiêu cực chẳng những làm giảm sản lượng mà còn tăng chi phí.

Điều này không có gì ngạc nhiên khi mà đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều lĩnh vực phải đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến nguồn cung lao động giảm liên tục, đặc biệt là ở Mỹ. Sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine làm tăng giá năng lượng, kim loại, thực phẩm và phân bón. Và giờ đây, Trung Quốc đã ra lệnh thực thi chính sách Zero-COVID-19 nghiêm khắc ở các trung tâm kinh tế lớn như Thượng Hải, gây thêm nhiều xáo trộn chuỗi cung ứng và tắc nghẽn hệ thống vận tải.

Ngay cả khi không có những yếu tố ngắn hạn quan trọng này, triển vọng trung hạn cũng sẽ trở nên u ám. Có nhiều lý do để lo ngại rằng tình trạng lạm phát đình trệ ngày nay sẽ tiếp tục trên toàn thế giới, tạo ra lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn và có thể là suy thoái ở nhiều nền kinh tế.

Sự dịch chuyển hoạt động sản xuất mang động cơ chính trị

Trước hết, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, quá trình phi toàn cầu hóa đã diễn ra và đi kèm theo đó là sự quay trở lại của nhiều hình thức bảo hộ khác nhau. Điều này đã phản ánh các yếu tố địa chính trị và động cơ của các quốc gia - nơi mà các nhóm dân số lớn cảm thấy bản thân mình đã bị “bỏ lại” ở phía sau. Việc gia tăng căng thẳng địa chính trị và các tổn thương của chuỗi cung ứng do đại dịch để lại dẫn tới sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi sang các nền kinh tế phát triển hoặc đến các nhóm quốc gia đồng minh chính trị. Dù thế nào đi nữa, việc sản xuất đang bị phân bổ sai sang các khu vực hoặc quốc gia có chi phí cao hơn.

Các phản ứng về chính trị và kinh tế kéo dài nhằm chống quá trình nhập cư ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế mới nổi quan trọng (Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc) cũng sẽ làm giảm nguồn cung lao động và gây áp lực tăng lương. Trong nhiều thập kỷ, những dòng người nhập cư quy mô lớn đã giúp kìm hãm đà tăng trưởng tiền lương ở các nền kinh tế này, tuy nhiên những ngày đó đã kết thúc.

Tương tự, cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra hiệu ứng lạm phát đình trệ trên diện rộng. Điều này làm gia tăng sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng, các hạn chế chặt chẽ hơn đối với thương mại công nghệ, dữ liệu, thông tin - những yếu tố chính của mô hình thương mại trong tương lai.

Biến đổi khí hậu cũng góp phần gây ra tình trạng lạm phát đình trệ

Hạn hán hủy hoại mùa màng và làm tăng giá lương thực. Tương tự, các cơn bão, lũ lụt và mực nước biển dâng cao làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Chính sách chống carbon (decarbonization) của các chính phủ đã dẫn đến việc đầu tư không đủ cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch và tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng khi mà các nguồn năng lượng tái tạo chưa thể đạt đến quy mô đủ để bù đắp cho phần sụt giảm. Trong điều kiện này, giá năng lượng tăng đột biến là điều không thể tránh khỏi. Và khi giá năng lượng tăng, “lạm phát xanh” (greenflation) sẽ tác động đến giá các nguyên liệu thô được sử dụng trong các tấm pin mặt trời, pin, xe điện và các công nghệ sạch khác.

Sức khỏe cộng đồng có thể là một yếu tố khác. Chúng ta mới chỉ làm được rất ít việc để có thể ngăn chặn những đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo. Mọi người đều biết rằng đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và kích động các chính sách bảo hộ như thế nào khi các quốc gia đổ xô tích trữ các nguồn cung cấp thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế.

Chúng ta cũng phải lo lắng về chiến tranh mạng. Nó có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong sản xuất, như các cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu hay các nhà máy chế biến thịt trong thời gian gần đây. Những sự cố như vậy dự kiến sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn theo thời gian. Nếu các công ty và chính phủ muốn tự bảo vệ mình, họ sẽ cần phải chi hàng trăm tỷ USD cho an ninh mạng, làm tăng thêm chi phí lên người tiêu dùng.

Những yếu tố này như “thêm dầu vào lửa” làm gia tăng các phản ứng chính trị chống lại sự bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo. Điều này sẽ dẫn đến việc chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ người lao động, những người thất nghiệp, các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương và những người “bị bỏ lại phía sau”. Dù những nỗ lực này có mục đích tốt, chúng cũng tạo ra các tác dụng phụ như gia tăng xung đột lao động và vòng xoáy lạm phát tiền lương.

Những người lạc quan có thể cho rằng chúng ta vẫn có thể dựa vào sự đổi mới công nghệ để giảm áp lực lạm phát theo thời gian. Điều đó có thể đúng nhưng yếu tố công nghệ đó phải lấn át được tất cả những yếu tố lạm phát đình trệ được liệt kê ở trên. Hơn nữa, tác động của thay đổi công nghệ đối với tăng trưởng năng suất tổng hợp vẫn chưa rõ ràng. Sự khác biệt giữa phương Tây và Trung Quốc sẽ hạn chế việc áp dụng các công nghệ tốt hơn hoặc rẻ hơn trên bình diện toàn cầu, do đó làm tăng chi phí. (Ví dụ: hệ thống 5G của phương Tây hiện đắt hơn nhiều so với hệ thống của Huawei, Trung Quốc)

Trong mọi trường hợp, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và người máy không phải là hàng hóa thuần khiết. Nếu chúng cải tiến đến mức có thể tạo ra giảm phát đúng nghĩa, chúng cũng có thể sẽ phá vỡ toàn bộ ngành nghề và ngành công nghiệp, làm gia tăng sự chênh lệch về thu nhập và tài sản. Điều đó sẽ dẫn đến một phản ứng chính trị thậm chí còn mạnh mẽ hơn những phản ứng mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Giới thiệu về tác giả Nouriel Roubini

Nouriel Roubini tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Bocconi và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Havard. Ông là một trong số rất ít những người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông được mệnh danh là "Dr Doom" vì thường xuyên đưa ra những dự báo bi quan về thị trường tài chính cũng như kinh tế thế giới.

Nouriel Roubini là giáo sư kinh tế tại Đại học New York. Ông cũng là CEO của Roubini Macro Associates, LLC, công ty tư vấn kinh tế nằm ở New York và đồng sáng lập Rosa & Roubini Associates có trụ sở chính tại London.

Ông còn là chuyên gia cấp cao tại Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng trong thời gian ông Bill Clinton giữ chức Tổng thống Mỹ. Roubini cũng từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nguồn: Investopedia

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98