Kiểm soát dấu hiệu 'bong bóng' bất động sản

25/07/2022 10:10
25-07-2022 10:10:00+07:00

Kiểm soát dấu hiệu 'bong bóng' bất động sản

Giá nhà đất trên thị trường bất động sản (BĐS) tăng cao, liên tục lập mặt bằng giá mới ở các địa phương, nhưng thanh khoản và giao dịch thấp là tín hiệu cho thấy xuất hiện bong bóng cục bộ. Các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm soát hiện tượng này không để gia tăng.

Nguy cơ “bong bóng”

Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, lại đang đối mặt với những khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, khiến cho nguồn cung giảm sâu, giá tăng cao so với thu nhập của phần lớn người dân.

Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2021, cả nước có 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, với quy mô 24.027 căn, bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc BĐS tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Đáng chú ý, mặc dù nguồn cung ít nhưng số lượng giao dịch trên thị trường không nhiều. Trong tổng số trên 22.700 căn hộ được đưa ra thị trường, số lượng giao dịch gần 11.600 căn, tỷ lệ hấp thụ đạt 50,9%, như vậy có thể thấy mức thanh khoản trên thị trường thấp, giá nhà tăng nhanh chủ yếu do chi phí phát sinh, không phải do sức mua trên thị trường tăng.

Giá nhà đất tăng cao, liên tục lập mặt bằng giá mới ở các địa phương, nhưng thanh khoản và giao dịch thấp.

Còn theo thống kê của Kênh thông tin dịch vụ BĐS số 1 Việt Nam batdongsan.com.vn, thị trường BĐS tại nhiều tỉnh thành vẫn sôi động, nhưng mức độ quan tâm đất nền giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021, các tỉnh phía Bắc, phía Nam giảm lần lượt 11% và 12%, nhưng giá rao bán vẫn ở ngưỡng cao, tiếp tục tăng thêm. Đơn cử, tại Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%, giá rao bán lại tăng lần lượt 20%, 21%, 11%, 26%. Một số địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng ghi nhận lượng quan tâm sụt giảm lần lượt 32%, 22%, 7% giá rao bán tăng tương ứng 16%, 35%, 29%. Tương tự với thị trường phía Nam, mức độ quan tâm đất nền Bình Dương, Đồng Nai đều giảm 13%, giá rao bán tăng lần lượt 27% và 7%.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn nhận định, sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mặt bằng giá BĐS tại hầu hết các thị trường đều không giảm mà còn tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Nghi vấn về "bong bóng" BĐS bắt đầu xuất hiện khi giá liên tục được đẩy lên cao, trong khi thanh khoản trên thị trường không tăng tương ứng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nguồn cung trên thị trường giảm mạnh do việc thắt chặt pháp lý, cùng với những chi phí đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất. Bên cạnh đó, tâm lý đầu cơ hình thành trong bối cảnh lạm phát do khủng hoảng kinh tế sau dịch cũng khiến giá nhà đất tăng mạnh. Song, giá nhà tăng, thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện bong bóng cục bộ…

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để hạn chế bong bóng BĐS gia tăng cần phải nhanh chóng mở rộng thêm nguồn cung, nhất là nguồn cung ngắn hạn, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị phát triển, tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục; công bố thông tin dữ liệu về những dự án được chấp thuận đầu tư, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, dự án được phép giao dịch trên thị trường, biến động giá BĐS…

Theo ông Nguyễn Văn Đính, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục rà soát các quy định chồng chéo của các luật liên quan đến thị trường BĐS, để sớm giải quyết các rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án BĐS; thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư.

Thị trường đã lập đỉnh

Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường BĐS đã lập đỉnh và bước vào một giai đoạn mới. Giá BĐS hiện nay tăng đột biến ở địa phương nào có thể là hiện tượng thổi giá, nhưng thời điểm này không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp hàng dài để xem, mua đất, thay vào đó là tâm lý thăm dò, người mua ít nhưng người bán nhiều. Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo thị trường đất nền tiếp tục chững hoặc giảm nhẹ để tìm điểm cân bằng sau giai đoạn sốt giá.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho hay, mặc dù quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “hạ nhiệt” tại nhiều địa phương trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm. Vì ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn và tâm lý đầu tư BĐS không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích, giá BĐS đã tăng nóng trong hai năm qua, không riêng gì tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Giá BĐS toàn cầu tăng trung bình 6 – 7% trong giai đoạn 2020 – 2021, bởi dòng tiền rẻ, lãi suất thấp, cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh ít… nên dòng tiền đổ vào BĐS. Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản để đẩy giá BĐS như hai năm qua đã không còn nữa, trừ khi các quy định pháp lý liên quan đến phát triển, kinh doanh BĐS được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư…

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đang có động thái điều tiết đưa thị trường trở về giá trị thật. Về lâu dài, Việt Nam cần đánh thuế BĐS thứ hai, thứ ba… để xây dựng thị trường lành mạnh, theo thông lệ quốc tế, không thể một mình một chợ. Đây cũng là một cách để làm giảm tình trạng đầu cơ trên thị trường.

Thanh Vân

Báo Tin tức





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bất động sản hút bao nhiêu vốn FDI trong 4 tháng đầu năm?

4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.67 tỷ USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ và chiếm hơn 20% tổng vốn đăng ký.

Vay ngân hàng mua nhà, vợ chồng trẻ cần chú ý gì để tránh 'bẫy' lãi suất?

Hiện các ngân hàng có động thái giảm lãi suất cho vay với bất động sản, mức thấp nhất từ 5%/năm khiến nhiều vợ chồng trẻ muốn vay tiền mua nhà. Tuy nhiên, chuyên...

Lãi suất có thể tăng nhưng không đáng ngại

Chuyên gia ACBS không quá lo ngại nếu lãi suất tăng trong thời gian tới bởi mức sinh lợi có thể chưa đủ hấp dẫn và vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn quyết tâm...

Chung cư Hà Nội hét giá cao nhưng giao dịch thật rất ít

Bộ Xây dựng cho biết qua quá trình đi kiểm tra một số chung cư được rao bán giá cao, kết quả cho thấy số lượng giao dịch thành công rất ít

Bộ Xây dựng: Chung cư tăng giá đột biến nhưng giao dịch gần như bằng 0

Theo Bộ Xây dựng, có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao. Tuy nhiên, ở một số chung cư có...

Hà Nội: Giá chung cư tăng nhanh, người mua đổi "khẩu vị" để hợp túi tiền

Chuyên gia cho rằng trước những diễn biến leo thang về giá, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, do đó người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị...

Chuyên gia đề xuất người mua NOXH trả lãi suất cố định, Chính phủ tài trợ phần chênh lệch

Chuyên gia đề xuất cách làm tương tự như Singapore, đó là người mua nhà được hưởng lãi suất cố định 2.5%/năm, còn chênh lệch từ đó trở lên do Chính phủ tài trợ.

Thực hư thông tin Đà Nẵng sốt đất, sáng mua chiều bán lãi 200 triệu?

Thị trường bất động sản ở Đà Nẵng xuất hiện những thông tin như sốt đất, giá tăng. Trong khi đó, nhiều chủ nhà đất lại đang than thở trầy trật cắt lỗ vẫn không...

Đất nền - “kênh đầu tư vua” đã quay trở lại?

Đất nền là loại hình bất động sản mà nhiều người chọn đầu tư, dự phòng hoặc xây nhà ở, do đất nền có sự đa dạng về diện tích, mức giá, khu vực, tính thanh khoản và...

Cửa sáng mua nhà ở xã hội: Sẽ hết cảnh nghìn người xếp hàng chen chúc

Nghị định về phát triển nhà ở xã hội sẽ được trình xin ý kiến thành viên Chính phủ đầu tháng 5 tới đây, trong đó có nhiều nội dung mới, rút gọn điều kiện. Đáng chú...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98