'Ông lớn' vận tải biển chạy đua… lên bầu trời

28/09/2022 09:28
28-09-2022 09:28:55+07:00

'Ông lớn' vận tải biển chạy đua… lên bầu trời

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, MSC (Thụy Sĩ) vừa ra mắt đơn vị vận tải hàng hóa bằng máy bay, nối gót các đối thủ đứng ngay sau đó trong ngành, Maersk của Đan Mạch và CMA CGM của Pháp, trong cuộc chạy đua trở thành nơi phục vụ tất cả nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.

Bổ sung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới MSC (Thụy Sĩ) vừa thông báo ra mắt bộ phân kinh doanh vận tải hàng không có tên gọi MSC Air Cargo. Ảnh: Shipping and Freight Resource

Thông báo của MSC hôm 26-9 cho biết hãng sẽ mở rộng sang mảng kinh doanh vận tải hàng không để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và bổ sung cho mảng kinh doanh cốt lõi. Bộ phận kinh doanh mới có tên gọi, MSC Air Cargo, sẽ được dẫn dắt bởi Jannie Davel, cựu giám đốc mảng vận tải hàng hóa của hãng Delta Air Lines (Mỹ).

Để trang bị máy bay cho bộ phận này, MSC đã ký kết thỏa thuận thuê 4 máy bay Boeing 777-200F mới của Atlas Air, có trụ ở ở New York.

“Đây là bước đầu tiên của chúng tôi ở thị trường này. MSC sẽ tiếp tục thăm dò nhiều con đường khác nhau để phát triển mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nhằm bổ sung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi”, Giám đốc điều hành MSC Soren Toft cho biết trong một tuyên bố.

Với động thái trên, MSC thành lập đội bay vận tải hàng hóa của riêng mình.

Hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới, CMA CGM bắt đầu vận chuyển hàng bằng máy bay và ra mắt công ty con, CMA CGM Air Cargo vào năm 2021. Công ty này dự kiến sẽ có đội bay 12 chiếc vào năm 2026, bao gồm 4 chiếc Airbus A350F mới sẽ được giao trong năm 2025 và 2026.

Hồi tháng 5-2022, CMA CGM đã thành lập một liên minh với hãng bay Air France-KLM (Pháp- Hà Lan) để phát triển năng lực vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, hãng cũng chi 400 triệu euro để mua 9% cổ phần của hãng bay đang nợ nần chồng chất này. Quan hệ đối tác thương mại độc quyền với Air France-KLM sẽ chứng kiến sự kết hợp mạng lưới vận chuyển hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng của họ tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Năm ngoái, Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, đã thuê 3 máy bay chở hàng Boeing 767 và mua 2 máy bay chở hàng Boeing 777 mới để giao cho công ty con Star Air vận hành và quản lý. Đến tháng 4-2022, Maersk chính thức ra mắt Công ty vận tải hàng hóa hàng không Maersk Air Cargo và hiện tại, công ty này đang vận hành 15 máy bay chở hàng.

Đại dịch thúc đẩy nhu cầu

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới MSC (Thụy Sĩ) vừa thông báo ra mắt bộ phân kinh doanh vận tải hàng không có tên gọi MSC Air Cargo. Ảnh: Shipping and Freight Resource

Trong quá khứ, MSC, Maersk và CMA CGM phần lớn tránh xa vận tải hàng không vì xem đó là sự phân tâm tốn kém khỏi mảng kinh doanh cốt lõi gồm các đội tàu container khổng lồ, bến container và mảng kinh doanh logistics liên quan. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn cung ứng toàn cầu trong những năm qua do tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chủ hàng lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không có chi phí đắt hơn nhưng đáng tin cậy hơn. Đó là điều đã khuyến khích 3 ‘ông lớn’ vận tải biển chạy đua vào thị trường này.

Michel Pozas Lucic, Giám đốc mảng vận tải hàng không của Maersk, cho biết các nút thắt trong chuỗi cung ứng vận tải biển đã thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng bằng máy bay.

Ông nói: “Hầu hết khách hàng của chúng tôi cũng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng máy bay vì họ cần giao nhanh một các sản phẩm cụ thể hoặc do tình trạng gián đoạn vận tải biển”.

Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô, sản xuất quần áo và các công ty công nghệ, tất cả thường dựa vào vận tải đường biển để vận chuyển hàng hóa của họ. Nhưng họ đã bắt đầu chuyển sang đường hàng không vì lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển sẽ làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa, bỏ lỡ thời hạn ra mắt sản phẩm mới hoặc bắt đầu mùa thời trang mới.

Abbie Durkin, chủ sở hữu của Palmer & Purchase, công ty có 3 cửa hàng quần áo và phụ kiện dành cho nữ giới ở New York, nói: “Bạn không thể chỉ dựa vào tàu biển nữa. Tôi đang vận chuyển toàn bộ bộ sưu tập mùa đông bằng đường hàng không để đảm bảo chúng đến trước dịp Giáng sinh”.

Theo Marc Zeck, nhà phân tích ở Công ty quản lý tài sản Stifel, đại dịch Covid-19 đã nâng tầm quan trọng của chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Trong thời kỳ trước đại dịch, nếu cần vận chuyển một số hàng hóa bằng đường biển, thì bạn đến hãng vận tải biển và đặt chỗ, rồi hàng hóa sẽ được giao đúng như kế hoạch. Bây giờ, khả năng đó không còn nữa”.

Liệu có phải là thời điểm tốt để mua sắm máy bay?

Michael Field, nhà phân tích ở Công ty Morningstar, cho biết sau hai năm kinh doanh bùng nổ, rất nhiều hãng vận tải đường biển đang nắm trong tay lượng tiền mặt khổng lồ và họ đang tìm cách để chi tiêu, bao gồm mua máy bay chở hàng.

Maersk dự báo dòng tiền mặt tự do của hãng trong năm nay sẽ lên đến 19 tỉ đô la Mỹ. Hãng sẽ nhận 7 chiếc Boeing 767 trong tháng 11 tới, bao gồm 3 chiếc mua và 4 chiếc thuê để phục vụ các tuyến bay chở hàng châu Á-Mỹ và Á-Âu. Người phát ngôn của Maersk cho biết hãng cũng đã đặt mua 2 chiếc Boeing 777, dự kiến giao vào năm 2024.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là thời điểm tốt để các hãng vận tải biển mua máy bay chở hàng?

Michael Field nói: “Công suất vận tải hàng bằng máy bay đã được bổ sung trong thời kỳ đại dịch. Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đang giảm trong vài tháng qua. Áp lực trên các tuyến đường biển đang giảm dần, vì vậy, có lẽ bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để mua máy bay chở hàng”.

Dù vậy, Field cho rằng các hãng vận tải biển vẫn có thể kiếm lợi nhuận trong dài hạn từ mảng kinh doanh vận tải hàng không nhờ bán thêm dịch vụ cho khách hàng hiện tại.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng hơn 21% vào năm ngoái nếu xét trên số liệu đo lường tải trọng và khoảng cách bay. Doanh thu của ngành đã đạt 289 tỉ đô la Mỹ trong năm đó, tăng từ 238 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và 264 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019. IATA kỳ vọng vận tải hàng không thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng 4,4% trong năm nay.

Nhu cầu mạnh mẽ đã đẩy giá cước vận tải hàng bằng máy bay tăng gần 200% trong khoảng thời gian 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong ba năm qua, 400 máy bay chở hàng đã được bổ sung vào đội bay thế giới, tăng 20% so với năm trước, theo Boeing. Nhà sản xuất máy bay này ước tính đội máy bay chở hàng toàn cầu sẽ tăng lên hơn 3.600 chiếc vào năm 2040 từ khoảng 2.000 chiếc hiện nay.

Chánh Tài

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98