Tự doanh "sụp hầm" cổ phiếu UPCoM, Chứng khoán WSS lỗ hơn 50 tỷ đồng
Tự doanh "sụp hầm" cổ phiếu UPCoM, Chứng khoán WSS lỗ hơn 50 tỷ đồng
CTCP Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 ảm đạm với mức lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng do tác động chính từ hoạt động tự doanh, chủ yếu do đầu tư cổ phiếu UPCoM.
Kết quả kinh doanh riêng quý 3 và 9 tháng năm 2022 của WSS. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tổng doanh thu quý 3 của WSS chỉ đạt 2.4 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, chủ yếu do các hoạt động môi giới, tự doanh sụt giảm. Hoạt động tự doanh chỉ đạt 57 triệu đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ hơn 734 triệu đồng (tương ứng giảm 92%). Nghiệp vụ môi giới mang lại gần 360 triệu đồng doanh thu (giảm 38%); lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm mạnh 84%, tương ứng giảm 700 triệu đồng.
Mặt khác, mảng đóng góp lớn nhất là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu, tăng 25% lên 1.56 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 30%, lên 49.64 tỷ đồng. Kết quả, hoạt động tự doanh của Công ty lỗ 49.7 tỷ đồng trong quý 3.
Khấu trừ các khoản chi phí và phát sinh, WSS báo lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân đẫn đến kết quả thua lỗ chủ yếu do lãi lỗ liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/09/2022, WSS ghi nhận tài sản FVTPL với giá trị 182.5 tỷ đồng, tăng 4.5%. Trong đó, danh mục cổ phiếu sàn UPCoM chiếm phần lớn với hơn 117 tỷ đồng (giảm 14%); còn cổ phiếu niêm yết hơn 12 tỷ đồng (tăng 19%). Tuy nhiên, Công ty không nêu rõ đang đầu tư vào các cổ phiếu nào.
Theo BCTC soát xét bán niên 2022, tại danh mục tự doanh, WSS đang nắm giữ các mã cổ phiếu trên sàn UPCoM gồm HAF (chiếm hơn 53%, đạt gần 89 tỷ đồng), xếp sau là MGG (chiếm gần 30%), ILS (chiếm gần 17%), còn lại là ABB, C4G, DIC và HBD.
Nguồn: WSS, VietstockFinance tổng hợp
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm, WSS ghi nhận doanh thu hoạt động gần 42.4 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ FVTPL và thu nhập hoạt động khác đều tăng mạnh lần lượt 92% và gấp 6 lần, đạt gần 32 tỷ đồng và 2.3 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu các mảng dịch vụ như môi giới, cho vay và tư vấn lại đi lùi. Sau cùng, WSS lỗ sau thuế 21.5 tỷ đồng, sa sút hơn mức lỗ 19.8 tỷ đồng cùng kỳ.
Năm 2022, Công ty lên kế hoạch tổng doanh thu 42 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.2 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 11% so với thực hiện năm 2021.
Tại cuối tháng 9, tổng tài sản tại của WSS đạt hơn 506.6 tỷ đồng, giảm gần 6% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản cho vay giảm mạnh hơn 82%, còn hơn 4.7 tỷ đồng, đây đều là giá trị cho vay margin trong quý 3. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng giảm mạnh hơn 94%, còn hơn 1 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả cuối kỳ giảm 28.5%, về mức hơn 3.7 tỷ đồng. Chiếm 98% cơ cấu là nợ phải trả ngắn hạn 3.65 tỷ đồng (giảm 29%); nợ phải trả dài hạn 60 triệu đồng.