Xuất khẩu thủy sản về đích sớm

15/10/2022 08:49
15-10-2022 08:49:45+07:00

Xuất khẩu thủy sản về đích sớm

Xuất khẩu thủy sản năm nay vụt sáng với kim ngạch 10 tỉ USD trong tầm tay, thậm chí có thể còn cao hơn nếu nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng mạnh.

Nhu cầu cao, giá tốt

Một ngày giữa tháng 10, lực lượng thu mua của Công ty TNHH thủy sản Tấn Phát (H.Trần Đề, Sóc Trăng) kéo lưới bắt 20 tấn tôm thẻ của một hộ dân ở ấp Trà Đuốc, xã Viên Bình. Ao tôm này cùng kích cỡ 30 con/kg, giá giao dịch tại ao là 163.000 đồng/kg. Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH thủy sản Tấn Phát, cho biết giá tôm kích cỡ lớn đã tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

Hiện nay, giá tôm không còn sốt như hồi tháng 6 - 7, nhưng vẫn còn khá cao và kích thích người dân gia tăng sản lượng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu tôm đã chững lại do thiếu nguyên liệu và tình hình lạm phát ở châu Âu. Tuy nhiên trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng này đang dẫn đầu về kim ngạch XK thủy sản với 3,4 tỉ USD. Kim ngạch XK cá tra đạt 2 tỉ USD, tăng trưởng ấn tượng đến 82%, các loại thủy hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể… cũng đều tăng trưởng mạnh và đạt 3,2 tỉ USD.

VASEP nhận định tình hình XK thủy sản có dấu hiệu chững lại vào tháng 7, nhưng ngay sau đó đã phục hồi, nhất là thị trường các nước ASEAN láng giềng của VN. Với tốc độ tăng trưởng đột phá và liên tục trong những năm gần đây, tính đến nay, tỷ trọng của thị trường ASEAN đã gần tương đương với EU trong tổng XK cá tra của VN. XK cá tra sang thị trường này tính đến hết quý 3/2022 đạt trên 70 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường Thái Lan, Singapore hiện nay có 70 doanh nghiệp (DN) VN có sản phẩm cá tra XK sang đây.

Xuất khẩu thủy sản về đích sớm - ảnh 1

Chế biến, xuất khẩu thủy sản đang có bước tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022. Chí Nhân

“Trong bối cảnh chi phí vận tải đường biển tăng mạnh, ngành hàng XK cá tra lại có giá bán không cao so với các loài thủy hải sản khác, nên những thị trường có vị trí địa lý gần như các nước ASEAN là một sự lựa chọn phù hợp của một số DN XK cá tra. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ASEAN có xu hướng chiếm lĩnh tỷ trọng XK cá tra nhiều hơn, có thể vượt qua EU trong thời gian tới”, đại diện một DN XK cá tra cho biết.

Vấn đề của VN là diện tích nuôi trồng manh mún, chưa có nhiều trang trại nuôi đạt chuẩn ASC để nâng tầm con tôm VN. Chỉ có nuôi mức độ trang trại mới áp dụng được các tiêu chuẩn công nghệ cao và có cơ hội tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành… Như vậy, cần có chính sách tích tụ đất đai và chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm...

TS Hồ Quốc Lực

Trong khi đó, nhờ tận dụng tốt Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các thị trường khác như Canada, Brazil…cũng tăng cường nhập khẩu cá tra của VN. Dự báo riêng kim ngạch XK cá tra trong năm nay có thể đạt 2,6 tỉ USD. Sự trở lại của thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng mang lại nhiều kết quả kinh doanh khả quan cho các DN.

Cần có chiến lược dài hơi

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định: “Hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến XK, nên DN đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến XK. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hóa, nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho DN thủy sản và người nuôi thủy sản. Do vậy, VASEP cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa luật Đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp”.

Về nhập khẩu, VASEP cho rằng các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, XK còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất XK, gia công XK.

Việc này sẽ giúp cho VN tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thủy sản thế giới. Một thách thức, khó khăn khác mà các DN thủy sản đang gặp phải là các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, khiến DN gặp vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.

Đồng tình với kiến nghị trên, TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta (FIMEX VN), phân tích: “Trên thế giới hiện nay có 6 nước nuôi tôm có sản lượng cao là Ecuador, Ấn Độ, VN, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Trong đó Ecuador, Ấn Độ và VN là 3 nước có sản lượng tôm cao nhất. Về thị trường tiêu thụ tôm chính gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, như vậy có sự cạnh tranh, có đan xen nhau, mặc dù khác nhau ở phân khúc sản phẩm. Nếu phân tích về lợi thế, trình độ chế biến của VN là cao nhất. Ấn Độ mới cải thiện trong 5 - 7 năm gần đây trong khi Ecuador chỉ mới bắt đầu tăng cường đầu tư trong vòng 2 - 3 năm gần đây. Do vậy, giá tôm tiêu thụ trung bình của VN là cao nhất và Ecuador là thấp nhất.

Tuy nhiên, vấn đề của VN là diện tích nuôi trồng manh mún, chưa có nhiều trang trại nuôi đạt chuẩn ASC để nâng tầm con tôm VN. Chỉ có nuôi mức độ trang trại mới áp dụng được các tiêu chuẩn công nghệ cao và có cơ hội tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành… Như vậy, cần có chính sách tích tụ đất đai và chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm…”.

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay các DN VN đã tạo được vị thế quan trọng trong lĩnh vực cung ứng thủy sản cho thế giới, nhưng để chạy đua cho vị trí cao hơn nữa thì cần có những hoạch định đúng đắn và kịp thời, mọi sự chủ quan và chậm trễ đều có thể phải trả giá đắt.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU

Trong tháng 10.2022, sự kiện quan trọng nhất của ngành thủy sản chính là đón tiếp phái đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đến VN để kiểm tra và đánh giá tình hình thực thi các biện pháp chống đánh bắt hải sản vi phạm quy định, nhằm gỡ thẻ vàng cảnh cáo của thị trường EU. Đoàn EC đã lên lịch kiểm tra Thẻ vàng IUU tại VN từ ngày 20 - 28.10. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: “Do thời gian chỉ còn khá ngắn, các địa phương nhanh chóng rà soát lại đội tàu trên địa bàn. Chúng ta cần lên nhiều kịch bản, tránh trường hợp lúng túng khi đoàn EC vào thanh, kiểm tra”.

Trong thời gian sau đó, VASEP đề nghị nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận để tiến tới khai thác bền vững, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường EU mà còn có các thị trường khác.

Quang Thuần

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu...

Kỷ lục chưa từng có, loại hạt mang về 1,16 tỷ USD chỉ trong 1 tháng

Giá tăng cao chót vót giúp doanh nghiệp Việt thu về ngay 1,16 tỷ USD trong tháng 3 nhờ bán một loại hạt thế mạnh. Đây là con số cao kỷ lục mà ngành hàng này ghi...

Nhật Bản trả giá đắt gấp đôi một loại hạt của Việt Nam, thu về hơn 3.200 tỷ đồng

Doanh nghiệp Nhật Bản trả giá gần gấp đôi năm ngoái để mua một loại hạt thế mạnh của Việt Nam. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật thu...

Giá sắn lao dốc mạnh nhất 10 năm qua

Mặc dù đang vào chính vụ sắn nhưng nhiều nơi thu hoạch xong sắn chất đầy đường, không có thương lái thu mua. Nguyên nhân do giá sắn "tuột dốc không phanh", xuống...

Giá lợn hơi tăng cao, người nuôi tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung

Lợn hơi bán được giá lên mức cao nhất trong 5 năm qua và có xu hướng tăng khiến người chăn nuôi rất phấn khởi, đồng thời cũng tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung.

Giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào

Giá gạo Ấn Độ tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, trong khi giá gạo của Thái Lan vẫn ổn định ở mức "đáy" trong hơn hai năm và giá gạo của Việt...

Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 Bộ xử lý phản ánh về giá heo hơi cao nhất 5 năm

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình thị trường thịt heo.

Giá lúa gạo thất thường, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra

Bộ Công Thương vừa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các...

Cơ hội và thách thức trong việc tăng diện tích nuôi cũng như xuất khẩu của tôm Việt trong năm 2025

Năm 2025, ngành tôm tiếp tục được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường, chi phí sản xuất và yêu cầu bền...

Giá gạo Việt xuất khẩu tăng, vượt qua Ấn Độ

Là một loại hạt mang lại giá trị kinh tế cao, giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, hạt gạo được ưu ái gọi tên là “hạt ngọc”. Sau thời gian...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




Hotline: 0908 16 98 98