Chung quy cũng... vì lãi suất
Chung quy cũng... vì lãi suất
Thị trường địa ốc đóng băng vì nhiều lý do, trong đó về phía người mua, có lý do lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà đang quá cao, có thể lên đến 14%. Giả dụ một người muốn mua căn hộ giá 3 tỉ đồng, vay ngân hàng trả góp; làm sao họ có thể chịu nổi tiền lãi lên đến 420 triệu đồng mỗi năm, tức chừng 35 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền gốc cũng phải trả dần. Với từng ấy tiền, họ có thể thuê căn hộ hạng sang và vẫn còn dư ra khoản tiền chi tiêu hàng tháng.
Các thị trường khác cũng vậy; lấy ví dụ thị trường trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường dùng tiền đầu tư vào các dự án dài hạn và thường dự trù những lần phát hành kế tiếp khi có đợt trái phiếu đáo hạn. Trong tình hình lãi suất như hiện nay, họ phải chào mời lãi suất trái phiếu cực cao mới có hy vọng tìm được người mua. Với người mua, đang nắm giữ trái phiếu cũ phát hành khi lãi suất còn thấp, chắc chắn phải chịu một mức định giá trái phiếu thấp hơn trên thị trường thứ cấp để bù vào lợi suất cho người mua mới.
Từng có chuyên gia kinh tế khẳng định, không doanh nghiệp nào có thể sống nổi với lãi suất cho vay đến 15-16%/năm. Và như thế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các khoản vay từ bên ngoài bằng ngoại tệ có lãi suất thấp hơn nhiều, sẽ ngày càng lấn lướt khu vực doanh nghiệp nội địa. Người dân cũng không mặn mà bỏ vốn làm ăn khi họ có thể để tiền nhàn rỗi trong ngân hàng hưởng lãi cao.
Chúng ta thường nói đến nguyên tắc lãi suất thực dương, nhưng chỉ số giá tiêu dùng năm rồi, theo Tổng cục Thống kê chỉ tăng 3,15% so với năm trước, lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%. Như thế lãi suất chỉ cần ở mức 5% là đã thực dương rồi, đã có tác dụng kềm chế lạm phát rồi chứ không thể cao như hiện nay được.
Chúng ta cũng thường nghĩ ngân hàng khó lòng hạ lãi suất cho vay vì phải trả lãi suất huy động vốn rất cao. Thật ra, trong cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện đại, việc cho vay, tìm ra nguồn tiền để cho vay không liên quan nhiều đến nguồn vốn huy động – cái cảm nhận có mối tương quan này chủ yếu là do các quy định của hệ thống quản lý ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống. Vì thế việc hạ lãi suất cho nền kinh tế là điều hoàn toàn có thể làm được.
Đầu tiên các ngân hàng thương mại phải xem lại mức lãi quá cao trong khi cả nền kinh tế đang gặp khó khăn. Theo VnExpress, năm 2022, hơn 20 ngân hàng báo lãi ở mức kỷ lục và toàn ngành làm ra hơn 265.000 tỉ đồng lợi nhuận, trong đó 7 cái tên đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỉ đồng gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VPBank, VietinBank và Agribank. Các ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động giảm mức lãi để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đồng vốn.
Hơn thế, điều cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi là các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay dài hạn. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước nhiều lần kêu gọi các ngân hàng thương mại thỏa thuận mức lãi suất huy động tối đa để tránh cuộc đua nâng lãi suất huy động. Tuy nhiên điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, giúp người dân nhận chân rủi ro từ đó họ mới không đi theo các ngân hàng nhỏ, cứ chực chờ đưa lãi suất lên cao, gây khó khăn cho cả thị trường.