ĐHĐCĐ BCG: Kế hoạch tăng 20% lợi nhuận, niêm yết cổ phiếu BCG Land trong quý 3
ĐHĐCĐ BCG: Kế hoạch tăng 20% lợi nhuận, niêm yết cổ phiếu BCG Land trong quý 3
CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng ngày 28/04 theo hình thức trực tuyến.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BCG
|
Thảo luận
Khi QHĐ8 ban hành, BCG bán điện theo giá nào?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Minh Tuấn: Mức giá chuyển tiếp không tạo được lợi nhuận cho chủ đầu tư. Vì vậy, các chủ đầu tư nằm trong diện dự án chuyển tiếp không nhận được hỗ trợ. Đó là rủi ro chính sách, các chủ đầu tư phải chấp nhận.
Với BCG, dự án Phù Mỹ có 114 MWh, với giá này chúng tôi không có lợi nhuận. Chúng tôi có một loạt dự án nằm trong QHĐ8, sẽ tuân theo quy trình pháp luật để có chủ trương đầu tư và được phê duyệt. Chúng tôi dự trù công suất cho các dự án này từ 850MWh đến 1GWh.
Thực tế sự phát triển của các dự án sẽ phụ thuộc vào sự phát triển, đồng thời liên tục đánh giá, dò xét các chính sách để đồng vốn đầu tư ra sẽ có lợi nhuận trong mức kỳ vọng và vượt qua chi phí vốn.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, phải có lợi thế về hạ tầng để huy động vốn rẻ hơn đối thủ cạnh tranh. Đây là mục tiêu chúng tôi luôn cân đối trong kế hoạch phát triển.
Về mức giá, có thể thông qua giá đấu thầu theo quy định trong thời gian tới, đặc biệt là hình thức Bộ Công thương muốn thử nghiệm qua giá chuyển tiếp.
DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp) cũng là một trong những giải pháp giúp chúng ta tiếp cận nhiều hơn để tiếp cận với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện tái tạo. Các ngân hàng quốc tế thông qua kênh này có thể tài trợ, nên chi phí vốn có thể rẻ hơn rất nhiều, không cần thông qua vốn trong nước rồi tái tài trợ.
BCG Land đã nộp hồ sơ IPO vào quý 2 năm nay
Kế hoạch niêm yết của các công ty con?
Ông Nguyễn Thế Tài – Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ: Tình hình kinh tế 2022-2023 đang khá phức tạp. Trong năm qua, BCG đã lên kế hoạch cho BCG Land, Energy và Nguyễn Hoàng IPO, nhưng tình hình phức tạp đã khiến Công ty quyết định thay đổi tiến độ.
BCG Land đã nộp hồ sơ IPO vào quý 2 năm nay. BCG Energy đang hoàn thiện hồ sơ, sẽ cố gắng IPO trong năm nay. Còn Nguyễn Hoàng, vì sự khó khăn của thị trường, kế hoạch này có thể chậm lại, sẽ cập nhật trong thời gian tới.
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam: Riêng thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng như khu vực nói chung đang có cơ hội ổn định và tăng trưởng trong năm nay và năm tới.
Như đã chia sẻ, ngay trong quý 2 chúng tôi đã lên kế hoạch đại chúng hoá BCG Land để các đối tác cùng tham gia, tiến tới niêm yết lên thị trường chứng khoán.
Với BCG Energy, chúng tôi cũng đang tiến hành, để các cổ đông lớn có cơ hội tham gia phát triển mảng NLTT.
Khi tiếp tục đầu tư, dòng tiền sẽ âm
2 dòng tiền kinh doanh 2021 và 2022 âm, với mức nợ vay và lãi suất tăng cao như hiện nay, Doanh nghiệp đánh giá sao?
PTGĐ Phạm Minh Tuấn: BCG là một tập đoàn đầu tư. Trong kế hoạch kinh doanh, 2019-2025 sẽ tăng trưởng bảng cân đối, tăng các mảng đầu tư. Khi mua các dự án mới cùng dự án NLTT mới, dòng tiền sẽ âm, và chúng tôi cũng đã thông báo với cổ đông trong các giải trình.
Khi tiếp tục đầu tư, dòng tiền sẽ âm. Thứ 2, thời điểm 2019 và 2020, đầu tư rất mạnh, nâng tổng tài sản lên gấp đôi. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ vì thế rất cao. Nhận định điều đó sẽ ảnh hưởng đến an toàn tài chính, BCG có chiến lược thay đổi từ 2020-2021, và một trong những mục tiêu là giảm tỷ lệ này thông qua hình thức tăng vốn và tìm kiếm các dự án có lợi nhuận cao, thực hiện phương án M&A, để mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty.
Các chiến lược này đã được thực hiện, qua báo cáo tài chính hàng quý cho thấy tỷ lệ nợ đã giảm xuống đáng kể.
Các khoản nợ hầu hết là nằm trong khoản tài trợ dự án. Tiền thu về đảm bảo được công nợ. Mảng BĐS, dòng tiền từ bán dự án đảm bảo được trả nợ trái phiếu và nợ ngân hàng an toàn.
Với nợ vốn lưu động của Tracodi nằm ở mức tương đối thấp so vơi doanh thu của Tracodi, đồng thời nằm trong doanh thu của tập đoàn. Chúng tôi sẽ chuyển xuống cho Tracodi.
BCG chỉ có nợ trái phiếu khoảng 500 tỷ đồng. Đây là một trong những phép thử của tập đoàn với chương trình đánh giá tín nhiệm. Chúng tôi hiện đang làm việc với các bên đánh giá tín nhiệm, để đảm bảo dòng vốn cho các dự án năng lượng tái tạo sắp tới.
Trong năm 2021-2022, dù khó khăn, BCG vẫn giữ mình nằm trong số doanh nghiệp đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ.
Nợ xấu phải thu giá gốc 138 tỷ cuối năm 2021. Năm 2022 đã giảm xuống. Đây là do thu hồi công nợ hay công ty đã trích ra chi trả?
Các dự án M&A, thực hiện thông qua mua cổ phần. Với khoản 138 tỷ, đó là nằm trong báo cáo của Bảo hiểm AAA, là một khoản phải thu chúng tôi đánh giá là khó đòi. Năm 2022, chúng tôi quyết định thực hiện xoá khoản này trên bảng cân đối, do đánh giá ảnh hưởng không đáng kể.
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam: Khoản dự phòng trên nợ xấu 138 tỷ đồng, 80% đến từ bảo hiểm AAA, 20% là từ Tracodi. Khi BCG mua AAA, khoản này đã tồn tại rất lâu, 18-20 năm rồi. Khi thương lượng mua lại, đã trừ đi khoản nợ khó đòi này. Khoản này được xem như bị mất, trừ ra khỏi giá trị của doanh nghiệp.
Nghĩa là lúc mua, khoản này đã được trừ ra khỏi giá trị rồi, và đưa con số ấy ra khỏi bảng cân đối để sạch sẽ BCTC, không ảnh hưởng đến Tập đoàn.
Về nợ xấu của Tracodi, mảng xây lắp vốn tiềm ẩn các khoản nợ khó đòi. Chúng tôi đã kiểm soát rất chặt, kìm hãm các khoản nợ khó đòi phát sinh. Tracodi doanh số mỗi năm khoảng 3 ngàn tỷ đồng, nợ khó đòi khoảng 30 tỷ đồng, đây là tỷ lệ tôi tin là rất tốt với mảng xây dựng. Trong 5-6 năm vừa qua, đã có kiện cáo, phán quyết từ toà, và như vậy cũng đủ điều kiện để đưa khoản nợ xấu ra ngoại bảng, vẫn đảm bảo quy định kế toán và làm sạch được BCTC.
Với việc tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, Tracodi sẽ chứng kiến bước tăng trưởng thần tốc. Chúng tôi vẫn sẽ kiểm soát nợ khó đòi một cách chặt chẽ.
Với dòng tiền hoạt động kinh doanh, tôi xin làm rõ thêm là mô hình hoạt động của Tập đoàn là holding (là mô hình hoạt động gồm công ty mẹ và nhiều công ty con - PV). Nợ holding là rất thấp, chỉ gần 500 tỷ thông qua hình thức phát hành trái phiếu, niêm yết trên HNX. Đây là để thử nghiệm để áp dụng mô hình định giá tín nhiệm phát hành trái phiếu tài trợ đầu tư. BCG vẫn đang theo dõi hiệu quả của việc này. Nếu đủ an toàn, Tập đoàn sẽ nghiên cứu nhân rộng. Nếu không hiệu quả, sẽ dừng lại ở quy mô nhỏ.
Còn nợ trên báo cáo hợp nhất, đó là nợ từ các đơn vị thành viên hợp nhất về (54 thành viên liên kết), là các khoản nợ dự án được phân bổ. Khối lượng nợ theo đánh giá hiện đang rất cân đối.
Nếu như 4 năm trước, tỷ lệ nợ trên vốn chủ của BCG rơi vào khoảng 4-5 lần, do tập trung tăng trưởng, sử dụng các nguồn tài trợ trong nước. Đến nay, hệ số này chỉ còn là 1.04 lần. Chiến lược của BCG là tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, để tỷ lệ nợ trên vốn chủ xuống dưới 1, đặt mục tiêu là 0.5.
BCG đủ năng lực dự thầu cho các công trình lớn
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi về giải ngân đầu tư công. BCG hưởng lợi gì từ các chính sách này?
Phó Tổng Giám đốc Lưu Xuân Thuỷ: Thực ra, đầu tư công không phải bỗng nhiên BCG được hưởng lợi, mà phải xác định là lĩnh vực xuất phát từ năng lực cốt lõi là BCG có khả năng tham gia vào hay không, thì mới thu được thành quả.
Trong báo cáo HĐQT đã có đề cập đến chiến lược về hạ tầng. Tôi xin được cụ thể hoá hơn. Việc xây dựng chiến lược này đến từ cốt lõi năng lực của BCG, đồng thời nắm bắt xu thế phát triển của đất nước và chính sách của Chính phủ. Hiện tại, đầu tư công đang được chú trọng, thể hiện qua việc nhiều tuyến đường cao tốc Bắc-Nam được triển khai. Sắp tới, sẽ có một loạt các dự án đầu tư công nữa với thời điểm thực hiện rõ ràng rồi. Dư địa cho công việc này là rất lớn, và không chỉ chúng ta mà nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn giam gia vào.
Cái BCG có để tham gia, đó là chúng ta có năng lực, thậm chí là lợi thế. Năng lực là BCG có Tracodi. Pháp lý chúng tôi đã có chứng chỉ xây dựng hạng 1 về đường bộ và dân dụng, với doanh thu trong lĩnh vực cũng rất tốt. Nghĩa là chúng tôi đủ năng lực dự thầu cho các công trình lớn.
Đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi có lợi thế lớn là quyền khai thác đá trong khu vực. Nếu thực hiện các dự án tại đây, chúng ta sẽ có cơ hội đưa sản phẩm của chúng ta vào trực tiếp dự án với giá thành tốt hơn so với mua lại trên thị trường.
Đồng thời, sẽ tính toán đến việc sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn. Như vậy, việc sản xuất vật liệu không thuần tuý là khai thác nữa, mà nhắm đến các giá trị gia tăng khác nữa.
Chúng tôi cũng đang thực hiện các công tác quản lý thu phí đường bộ. Trong thời gian tới, để tính toán xa hơn, BCG sẽ hoàn thiện, củng cố năng lực trong công tác vận hành quản lý đường bộ, tiến tới 3-5 năm nữa khi hệ thống giao thông nhiều lên, chúng tôi sẽ tham gia vào lĩnh vực này, để tạo ra phát triển bền vững.
Về các chiến lược này chúng tôi cũng đã bắt đầu thực hiện cụ thể, chứ không chỉ trình bày ở đây. Xin cam kết với cổ đông và Tập đoàn, ban điều hành sẽ hiện thực hoá những mục tiêu này trong năm 2023.
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam: Hạ tầng vẫn là mối quan tâm để tạo ra sự tăng trưởng của Việt Nam, và kích cầu cho nền kinh tế vốn khó khăn khi kinh tế thế giới đứt gãy. Thông qua phương tiện truyền thông, có thể thấy miền Tây nam Bộ là những khu vực trọng điểm, để xây dựng các tuyến đường ven biển, trục ngang dọc kết nối với TPHCM với tổng vốn đầu tư tới cả trăm ngàn tỷ.
Như vậy, miền Tây Nam Bộ là mục tiêu sắp tới của BCG, với Tracodi đang sở hữu những lợi thế lớn khi có quyền khai thác mỏ đá trong khu vực. Được biết, khu vực này chỉ có 2 mỏ đá lớn.
Việc phát hành tăng vốn cho cổ đông là giải pháp để giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ xuống dưới 1
Trong tình hình kinh tế khó khăn, từ dịch bệnh, lạm phát, ngân hàng siết tín dụng. Xin phép được hỏi hiện tại BCG có phương án nào để kêu gọi vốn góp, thông qua những kênh nào?
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam: Đúng là tình hình kinh tế Việt Nam, tình hình kềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, tạo ra nhiều khó khăn với doanh nghiệp trong việc kêu gọi vốn và tái cấu trúc các khoản nợ tới hạn.
Với BCG, chúng tôi vẫn làm việc chặt chẽ với các ngân hàng đồng hành cùng trong thời gian qua, để chia sẻ khó khăn và tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhằm đảm bảo hiệu quả dòng vốn tài trợ.
Bên cạnh đó, BCG mở rộng quan hệ quốc tế - vốn là thế mạnh của BCG, nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ từ nước ngoài cho các dự án. Như DBS từ Singapore đã tiến hành tái tài trợ các khoản vay cho dự án năng lượng mặt trời áp mái với tổng giá trị 50 triệu USD, đã giải ngân 40 triệu. Chúng tôi cũng đang làm việc với một số ngân hàng khác để tái tài trợ cho một số dự án năng lượng khác với số vốn còn lớn hơn. Chúng tôi sẽ công bố trong 2-3 tuần tới, hiện tại chưa thể nói gì vì tính bảo mật.
Ngoài ra, bên cạnh các nguồn vốn tài trợ vay, chúng tôi tìm kiếm cả các quỹ đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp với điều kiện hiện tại. Tất nhiên với điều kiện hiện nay, việc kêu gọi đầu tư sẽ phải có mức giá hợp lý hơn so với thời kỳ bùng nổ. Đây cũng là sự chia sẻ rủi ro của BCG với các nhà đầu tư, là sự hy sinh nhất định để đổi lại sự phát triển ổn định.
Hiện tại, khối huy động vốn đang làm việc với nhiều tổ chức quan tâm đến các lĩnh vực của tập đoàn, đặc biệt là hạ tầng và năng lượng, để trở thành cổ đông lớn trong thời gian tới. Chúng tôi cũng không ngừng tìm kiếm các giải pháp khác. Trong điều kiện thuận lợi, việc phát hành tăng vốn cho cổ đông là giải pháp, để giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ xuống dưới 1.
Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ chia sẻ thêm: Đối với mỗi loại hình kinh doanh, chúng tôi xác định phương án tài trợ vốn khác nhau, phương án phù hợp với dòng tiền trả nợ. Với mảng BĐS, chúng tôi chủ yếu làm việc với các tổ chức tài chính trong nước, để phối hợp tài trợ cho người mua, đảm bảo doanh thu cho dự án và tiến độ xây dựng phù hợp.
Với NLTT là mảng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi có phương án rõ ràng. Trong giai đoạn đầu khi rủi ro còn cao, chúng tôi hướng đến các tổ chức tài chính trong nước. Sau đó là làm việc với các nhà đầu tư và ngân hàng quốc tế để tái tài trợ lãi suất vay và các khoản vay đảm bảo cho dự án. Đây là phương án đã rất thành công với những dự án điện áp mái, tạo ra các dự án được đánh giá cao từ quốc tế.
Trong 3 năm qua, chúng tôi đã huy động được hơn 150 triệu USD, sắp tới sẽ có số nợ lớn hơn nhiều.
Với các dự án hạ tầng, chúng tôi triển khai các chương trình vốn lưu động để hỗ trợ nhà đầu tư và nhà thầu để giải quyết được tiến độ dự án, trong lúc chờ nguồn vốn dài hạn hơn.
Với tập đoàn, BCG theo các điều kiện thị trường, khi phù hợp sẽ có phương án tăng vốn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, đảm bảo tài trợ cho dự án lớn. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện cam kết từ ĐHĐCĐ 2022, đó là đại chúng hoá BCG Land và BCG Energy, để tạo tiền đề huy động vốn từ thị trường chứng khoán.
Kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, năm nay có điều gì đảm bảo?
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam: Đúng là trong năm qua chúng ta đã có kế hoạch này, nhưng do điều kiện thị trường không thuận lợi nên ban điều hành đã chủ động hoãn lại để chờ đợi tình hình thuận lợi hơn.
Với mong muốn có một cơ cấu vốn an toàn trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, có thêm nguồn lực dự trữ để nắm bắt cơ hội xuất hiện, năm 2023 HĐQT xin ĐHĐCĐ thông qua việc tiếp tục kế hoạch phát hành với tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu. Đợi khi điều kiện thị trường phù hợp, sẽ ngay lập tức triển khai việc tăng vốn, nhằm tăng nguồn lực tài chính của Tập đoàn, góp phần giảm rủi ro cho Doanh nghiệp khi điều kiện thị trường có biến động. HĐQT xin ĐHĐCĐ để chúng tôi chủ động về thời điểm. Khi thuận lợi, sẽ ngay lập tức tiến hành.
Trong trường hợp có đối tác chiến lược, chúng tôi sẽ kêu gọi sự tham gia của họ vào Tập đoàn.
![]() Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam
|
Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.
Bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc trước thềm đại hội
Ngày 26/04, BCG công bố quyết định bổ nhiệm ông Lưu Xuân Thuỷ (1973), học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Luật chuyên ngành tư pháp và hành chính, vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Phát triển hạ tầng. Quyết định có hiệu lực từ 26/04/2023 đến 30/04/2024.
Ông Thuỷ có trách nhiệm vụ tham mưu cho HĐQT và ban điều hành việc nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án hạ tầng tiềm năng; xây dựng giải pháp quản lý, phát triển dự án; thực hiện quy trình thủ tục pháp lý; triển khai hồ sơ, đấu thầu dự án hạ tầng; triển khai công tác đầu tư, thi công, giải phóng mặt bằng các dự án.
Không chia cổ tức, kế hoạch tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận
HĐQT BCG đã đặt mục tiêu lạc quan cho năm 2023. Cụ thể, mức doanh thu kế hoạch ước tính đạt hơn 6.9 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với thực hiện 2022; mục tiêu lãi sau thuế cũng tăng 20%, đạt hơn 650 tỷ đồng. Nếu đạt được kế hoạch, các chỉ tiêu năm tới của BCG sẽ ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết (2015).
Doanh nghiệp dự kiến không chia cổ tức cho năm 2022, và kế hoạch chia 5% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2023. Đồng thời, ngưng kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành do không hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh của BCG năm 2023
![]() Nguồn: BCG
|
Kế hoạch của BCG được đưa ra bất chấp dự báo bất lợi về nền kinh tế. Theo đó, BCG cho biết năm 2023, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó rủi ro lớn nhất vẫn là xung đột giữa Nga – Ukraine và hoạt động kinh tế chậm lại do thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát và giá cả hàng hóa có thể giảm, do nhu cầu thế giới tăng chậm lại. Cùng với đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 cũng góp phần ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung.
Kết quả kinh doanh từ 2018 của BCG và kế hoạch 2023
![]() Nguồn: VietstockFinance
|
Việt Nam được dự báo cũng chịu ảnh hưởng vì cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine, với rủi ro khiến giá năng lượng biến động bất thường, bất định hơn, khiến nền kinh tế EU khó khăn trong khi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng với Việt Nam. Lạm phát được dự báo ở mức 4.5%-5%; lãi suất tăng nhẹ 50 điểm cơ bản.
Dựa trên bối cảnh này, BCG đưa ra nhận định về các mảng hoạt động của mình.
Với mảng năng lượng tái tạo (NLTT) của BCG Energy, BCG nhận định cơ hội đến từ điện gió ngoài khơi đang được chú trọng phát triển đầu tư với sự hỗ trợ từ Chính phủ; tình trạng thiếu hụt điện đang trở nên nghiêm trọng; giá nhiên liệu như than đá leo thang, tạo lợi thế cho nguồn điện NLTT; các nguồn tín dụng “xanh” trong và ngoài nước dần mở rộng về quy mô, chính sách. Tuy nhiên, chính sách cũng là rủi ro nhất với NLTT, vì hiện các chính sách chỉ mang tính ngắn hạn, chưa có lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, giá điện chuyển tiếp thấp hơn dự kiến, trong khi lưới điện quốc gia bị quá tải và không đồng bộ được với điện NLTT là những rủi ro gây ảnh hưởng.
Trong năm 2023, HĐQT BCG đặt kế hoạch hoàn thiện đấu nối 135 MW điện mặt trời trang trại, triển khai phát triển các dự án và M&A các dự án mới để hoàn thành 150 MW điện áp mái, đồng thời chuẩn bị xây dựng 500 MW điện gió. Tiến độ kế hoạch sẽ điều chỉnh theo thời điểm phê duyệt Quy hoạch điện 8 (QHĐ8). BCG Energy dự kiến doanh thu gần 3 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hơn 790 tỷ đồng.
Với mảng bất động sản (BĐS) của BCG Land, dự kiến 2023 sẽ có 3 bộ luật được sửa đổi gồm luật Đất đai, Nhà ở, và Kinh doanh BĐS, qua đó tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường và bổ sung pháp lý cho một số loại hình BĐS như officetel, condotel, biệt thự biển… Ngoài ra, 2023 được dự báo sẽ có nhiều tuyến đường cao tốc được khởi công, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực, thu hút thêm vốn đầu tư dự án cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nếu lạm phát vượt kỳ vọng, giá dầu vượt kỳ vọng, giá dầu vượt đỉnh, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất, qua đó gây ảnh hưởng ngược lại thị trường BĐS. Bên cạnh đó, các kênh tạo vốn chính của doanh nghiệp như phát hành trái phiếu vẫn chưa được khơi thông, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho người mua nhà vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
HĐQT BCG đặt kế hoạch năm 2023 tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đang xây dựng, trễ tiến độ bàn giao hoặc tiến độ mở bán. Ngoài ra là hoàn thiện tiến độ pháp lý với các dự án sắp động thổ trong thời gian tới.
Kế hoạch niêm yết tại công ty con CTCP BCG Land dự kiến trong Quý 3/2023 nhằm tăng khả năng huy động vốn cho việc phát triển dự án. Doanh thu 2023 dự kiến là gần 3.6 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận gần 685 tỷ đồng.
Đối với mảng xây dựng của Tracodi (HOSE: TCD), BCG cho biết Doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thi công và nghiệm thu với các dự án như Malibu Hội An, Amor Riverside, King Crown Infinity, hay Hội An D’or; và xây dựng các dự án điện mặt trời áp mái. Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính thông qua triển khai phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Kế hoạch kinh doanh doanh thu dự kiến là 3.3 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế 267.4 tỷ đồng.
Còn với lĩnh vực sản xuất và thương mại (nhóm CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng), doanh nghiệp nhận định biến động của kinh tế thế giới khiến các công ty sản xuất cho xuất khẩu gặp nhiều trở ngại. Do đó, năm 2023, Công ty tập trung nâng cao năng lực sản xuất và tinh gọn bộ máy. Nguyễn Hoàng đặt kế hoạch 2023 là 384.05 tỷ đồng và lãi sau thuế 12.6 tỷ đồng.
Đối với mảng bảo hiểm (CTCP BCG Financial), mục tiêu mà Công ty hướng tới năm 2023 tập trung vào 3 yếu tố chính: Thúc đẩy số hóa quy trình xây dựng, quản lý và phân phối sản phẩm để có thể mang đến trải nghiệm tích cực cho khách hàng; mở rộng hệ thống chi nhánh và giao dịch viên; chuyên nghiệp hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Công ty dự kiến tăng quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc từ gần 275 tỷ đồng năm 2022 lên trên 500 tỷ đồng năm 2023, trên 840 tỷ đồng năm 2023 và hưởng đến mục tiêu gần 2,000 tỷ đồng năm 2027. Trong năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục các hoạt động huy động vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược để có thể mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và fintech.
Với lĩnh vực dược phẩm (Tipharco, UPCoM: DTG), giai đoạn 2023-2027, BCG dự kiến doanh thu tăng bình quân 19%/năm và tổng lũy kế 5 năm đạt 2,520 tỷ đồng. Lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng 40%/năm, lũy kế 5 năm là 315 tỷ đồng.
Tại đại hội, HĐQT BCG trình và được thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 với ông Bùi Thành Lâm theo vì lý do cá nhân. Đồng thời, thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, tăng số lượng thành viên HĐQT từ 9 lên 10 người. 2 ứng viên là ông Vũ Xuân Chiến và ông Đặng Đình Tuấn, dành cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập.
![]() 2 Thành viên HĐQT độc lập được đề cử tại ĐHĐCĐ 2023 của BCG
|
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ đã thông qua việc thay đổi tư cách Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Tùng Lâm qua Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, để trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp.