ĐHĐCĐ GEG: Kế hoạch doanh thu tăng 26% nhưng lãi giảm 58%
ĐHĐCĐ GEG: Kế hoạch doanh thu tăng 26% nhưng lãi giảm 58%
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 26/04, CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) công bố mục tiêu doanh thu hơn 2.9 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận năm nay giảm tới 58%, còn 155 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của GEG
|
Kế hoạch giảm gần 60% lợi nhuận
Tại ĐHĐCĐ, HĐQT GEG trình và được đại hội thông qua mục tiêu doanh thu 2023 hơn 2.9 ngàn tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ sản xuất kinh doanh điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 2.47 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 155 tỷ đồng, giảm 58% so với thực hiện năm trước. Dẫu vậy theo lời bà Nguyễn Thái Hà - Tổng Giám đốc (TGĐ) GEG, Doanh nghiệp sẽ cố gắng phấn đấu đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Kế hoạch kinh doanh 2023 của GEG
|
Mục tiêu kinh doanh của GEG được đặt trong bối cảnh dự báo nền kinh tế 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là làn sóng nâng lãi suất ít nhất 2% ảnh hưởng trực tiếp đến dư nợ trên 10,000 tỷ đồng của Công ty. Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII chưa được ban hành chính thức; khung giá phát điện cho điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được ban hành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn còn dư địa để hỗ trợ. Bên cạnh đó, tờ trình Quy hoạch điện VIII (QHĐ8) tháng 03/2023 của Bộ Công thương có đề nghị cụ thể về một số chỉ tiêu, trong đó đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện sẽ rơi vào khoảng 121,757 - 145,989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, Nguồn cấp phụ tải riêng và Đồng phát). Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy là khoảng 368,461-501,608 MW.
Đối với kế hoạch sản lượng, theo GEG, 2022 là năm thứ 3 liên tiếp của hiện tượng La Nina, và xác suất để hiện tượng này duy trì đến hết mùa xuân 2023 là 70-75%. Nắng nóng cũng được dự báo cao hơn năm 2022 về số đợt và mức độ gay gắt. Lượng mưa thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm.
Với tình hình như vậy, GEG dự kiến năm 2023 sẽ đạt tổng sản lượng điện 1.29 tỷ kWh. Trong đó, thủy điện đạt 349 triệu kWh, giảm 3% so với năm 2022, dự kiến mang về doanh thu 379 tỷ đồng; điện mặt trời và áp mái đạt 407 triệu kWh, tăng 8%, dự kiến mang về 893 tỷ đồng; điện gió là 537 triệu kWh, tăng 68%, dự kiến mang về gần 1.15 ngàn tỷ đồng - bao gồm dự án điện gió Tân Phú Đông 1 dự kiến vận hành vào tháng 04/2023.
Đại diện Doanh nghiệp cho biết, mục tiêu lợi nhuận thấp như vậy còn đến từ dự báo về ảnh hưởng của việc tăng lãi suất vay của các dự án hiện hữu, đồng thời ghi nhận lãi suất vay của Dự án Tân Phú Đông (TPĐ) 1. Chi phí lãi vay năm 2023 tăng 67% so với cùng kỳ. “Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mà GEG thu về trong năm 2023”, trích lời vị đại diện.
Bên cạnh đó, đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung bà Nguyễn Thuỳ Vân (1980), trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập. Bà Vân là ứng viên do cổ đông lớn CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) đề cử.
Rút tờ trình chào bán cổ phiếu để tăng vốn, hướng đến các nguồn vốn xanh
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2022 cho cổ đông, tỷ lệ 100:6 (cổ đông sở hữu 100 cp được nhận 6 cp mới). Theo đó, Công ty sẽ phát hành hơn 19.3 triệu cp trong đợt chi trả này, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.05 ngàn tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2023. Ngoài ra, mức cổ tức 2023 dự kiến là 6%, cũng bằng cổ phiếu.
Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi (64.2 triệu cp), tỷ lệ cổ tức dự kiến là 6% nhân với tỷ lệ điều chỉnh, với ngày chi trả dự kiến là 15/12/2023. HĐQT GEG dự kiến trình thông qua việc mua lại số cổ phần này theo giá mua phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên khác với tài liệu công bố trước đó, HĐQT GEG đã không trình ĐHĐCĐ phương án chào bán quyền mua cổ phần (hơn 19.3 triệu cp) cho cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ.
Chia sẻ sâu hơn, đại diện Công ty tiết lộ việc tạm ngừng kế hoạch phát hành ra công chúng là nhằm chống pha loãng cổ phiếu. Thay vào đó, GEG sẽ tăng cường huy động nguồn vốn xanh với chi phí thấp hơn để phát triển danh mục năng lượng tái tạo.
Ảnh hưởng từ khung giá điện mới của Bộ Công thương và dự thảo QHĐ8
Đại diện GEG cho biết, hiện tại các nhà máy điện Doanh nghiệp đang sở hữu cùng giá áp dụng như sau:
- 12 nhà máy thuỷ điện, tổng công suất 84 MW, được áp dụng giá bán theo biểu phí tránh được cho thuỷ điện vừa và nhỏ (ban hành hằng năm).
- 5 trang trại điện mặt trời, được áp dụng giá bán FIT vùng 1 (FIT1) là 9.35 cents/kWh cho 20 năm.
- 32 hệ thống điện mặt trời áp mái, được áp dụng giá bán 8.38 cents/kWh cho 20 năm.
- 2 dự án điện gió ngoài khơi (TPĐ2 – 50MW; V.P.L Bến Tre – 30 MW), được áp dụng giá bán FIT1 9.8 cents/kWh áp dụng 20 năm.
- 1 dự án điện trên bờ Ia Bang 1 – 50 MW, áp dụng giá bán FIT1 8.5 cents/kWh áp dụng 20 năm.
Hiện GEG chuẩn bị đưa vào vận hành dự án điện gió TPĐ1, công suất 100 MW. Dự án này nằm trong danh sách dự án chuyển tiếp mà Công ty đang đàm phán giá. Tuy nhiên, giá bán dự kiến sẽ giảm 20% so với giá FIT1 sau khung giá mới. Doanh nghiệp cũng dự đoán, khung giá mới có thể gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đối với QHĐ8, đại diện GEG cho rằng sau khi được thông qua sẽ tạo điều kiện rất tốt về mặt chính sách. Các loại hình năng lượng tái tạo từ đây sẽ có giá bán rõ ràng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển danh mục năng lượng tái tạo.
Jera Co sẽ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn Nhật Bản
Trong phần thảo luận, trước câu hỏi về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn và mở rộng danh mục dự án đầu tư, đại diện Jera Co nhận định rằng bản thân GEG vốn đã có khả năng để phát triển những dự án tốt. Jera Co hiện đang làm việc với Doanh nghiệp để phát triển thêm các dự án ở những địa điểm phù hợp, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, đồng thời nghiên cứu phát triển thêm các dự án năng lượng tái tạo mới như điện gió và hydrogen.
Trong đó, hydrogen hiện vẫn là một mảng mới, cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, không chỉ từ Chính phủ mà còn từ hợp tác giữa đôi bên.
Bên cạnh đó, với nhận định nguồn vốn từ thị trường Nhật Bản đang có lãi suất rẻ trong khi đây là thế mạnh của Jera Co, vị đại diện chia sẻ sắp tới sẽ có hỗ trợ TTC Group và GEG để kết nối hợp tác với các định chế tài chính tại Nhật Bản với lãi vay hợp lý, cũng như có kế hoạch tái tài trợ các khoản vay nếu có thể trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Được biết, Jera Co là một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, đã trở thành cổ đông lớn của GEG từ tháng 08/2022.
Kỳ vọng kết thúc đàm phán giá điện cho dự án TPĐ1 trong quý 2, dự án Đức Huệ 2 bước vào tiến độ pháp lý cuối cùng
Tại phần thảo luận, TGĐ Nguyễn Thái Hà chia sẻ hiện tại, công ty trực tiếp sở hữu dự án TPĐ1 là Điện gió Tiền Giang (công ty con của GEG) đã đàm phán 2 vòng với EVN (trên tổng tiến độ đàm phán 4 vòng). Tiến độ EVN đưa ra tối thiểu là 5 tuần. Với 2 vòng đàm phán còn lại, dù có thể EVN sẽ điều chỉnh tiến độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý kiến của các nhà đầu tư, nhưng GEG kỳ vọng sẽ kết thúc quá trình trong quý 2.
Bên cạnh đó, bà Hà tiết lộ rằng kế hoạch 2023 đối với doanh thu điện gió được dựa trên dự báo tương đối lạc quan, khi ghi nhận doanh thu từ TPĐ1 từ tháng 4 (khoảng 376 tỷ đồng). Tính tới thời điểm hiện tại, bà Hà nhận định với tình huống lạc quan, doanh thu từ TPĐ1 sẽ được ghi nhận trong tháng 5, còn tình huống xấu phải kéo dài đến đầu quý 3, nghĩa là tháng 6. Doanh thu Công ty vì thế sẽ có ảnh hưởng, nhưng bà tin đây không phải là yếu tố trọng yếu. “Công ty sẽ cân nhắc mọi yếu tố, đưa ra các giải pháp để hoàn thành kế hoạch 2023”.
Đối với dự án điện mặt trời TTC Đức Huệ 2 tại Long An, bà Hà cho biết những bước cuối cùng hoàn thiện pháp lý cơ bản đã hoàn tất, gồm chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế 1:500. Thời gian qua, trong khi nhiều phiên bản QHĐ8 được ban hành, Bộ Công thương thời gian gần đây cũng đã rà soát lại các dự án điện mặt trời trong QHĐ7 điều chỉnh. Đức Huệ 2 nằm trong quy hoạch này.
Tất cả các dự án được rà sát loại với tổng công suất là 6,496 MW, trong đó phần lớn là điện mặt trời. Trong đó 27 dự án chưa có chủ trương đầu tư được chuyển về sau năm 2030. 23 dự án còn lại tập trung vào 2 phương án: cho triển khai 11 dự án (bao gồm Đức Huệ 2) với tổng công suất 726 MW; và cho triển khai toàn bộ dự án trước năm 2030 để tránh lãng phí xã hội. Và dù theo hướng nào, Đức Huệ 2 cũng nằm trong những dự án được triển khai trước năm 2030.
Cũng theo bà Hà tiết lộ, hiện tại giá vốn của tất cả các loại điện của GEG đang được kiểm soát rất tốt, ở mức 20-21 tỷ đồng/MWp điện, và đó là lợi thế rất lớn. Nhưng đây cũng là áp lực khiến GEG phải huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư để đạt công suất điện hiện tại, gia tăng tài sản của Công ty.
Tiếp tục nhắm các dự án hiệu quả cao để M&A
HĐQT GEG đã có trình bày báo cáo về tình hình sử dụng vốn thu được trong đợt chào bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi năm 2022. Cụ thể, GEG đã phát hành 64.2 triệu cp với giá chào bán 10,000 đồng/cp cho quỹ Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft mbH (DEG), thu về 642 tỷ đồng.
Bên cạnh 81 tỷ đồng được sử dụng để bổ sung vốn lưu động nhằm trả một phần nợ ngắn hạn, số tiền còn lại đã được GEG góp vốn vào dự án nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre giai đoạn 2 của CTCP Năng lượng VPL (321 tỷ đồng) và dự án nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 2 của CTCP Điện TTC Đức Huệ - Long An (gần 240 tỷ đồng).
Tại đại hội, TGĐ Nguyễn Thái Hà tiết lộ bên cạnh việc tiếp tục đầu tư vào nhà máy điện gió TPĐ1, sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu các dự án có tiềm năng mang lại hiệu quả cao để M&A - đặc biệt ưu tiên các dự án thuỷ điện sẵn pháp lý - nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu 2022 và các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023-2025.