TikTok Shop, đối thủ đáng gờm của Shopee và Lazada ở Đông Nam Á
TikTok Shop, đối thủ đáng gờm của Shopee và Lazada ở Đông Nam Á
TikTok Shop đang trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành mối đe dọa với các ông lớn thương mại điện tử ở Đông Nam Á, như Shopee và Lazada.
TikTok Shop là trang thương mại điện tử của ứng dụng video ngắn TikTok và thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Trên ứng dụng mua sắm này, người bán, thương hiệu và người sáng tạo nội dung được phép bán hàng hóa của họ cho người dùng.
Doanh thu bán hàng ở Đông Nam Á tăng hơn 4 lần trong năm 2022
Vào năm 2022, TikTok Shop đã mở rộng sang 6 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa từ TikTok vào năm 2023 sẽ đạt mức tương đương 20% của Shopee. Theo chúng tôi, sự trỗi dậy của TikTok đã thôi thúc Shopee đẩy mạnh bán hàng và marketing kể từ tháng 4. Họ đang vào thế phòng thủ”, Shawn Yang, Chuyên viên phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết trong một báo cáo gần đây trên Sea Group, chủ sở hữu của Shopee.
Ở Đông Nam Á, tổng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) trên TikTok Shop đã tăng hơn 4 lần lên 4.4 tỷ USD vào năm 2022, theo dữ liệu từ công ty The Information. TikTok Shop được cho là đang hướng tới mục tiêu tổng giá trị bán hàng đạt 12 tỷ USD vào năm 2023.
Tại thời điểm này, tổng giá trị bán hàng hiện tại của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. Shopee ghi nhận tổng giá trị bán hàng 73.5 tỷ USD vào năm 2022, trong khi con số ở Lazada là 21 tỷ USD trong năm tài chính tính đến tháng 9/2021, theo các số liệu công khai.
Đối thủ khiến Lazada và Shopee "toát mồ hôi"
Phát ngôn viên của TikTok cho biết TikTok Shop “tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng” khi các "tay chơi" lớn và nhỏ đều sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. Vị này cho biết TikTok “tập trung vào sự phát triển liên tục của TikTok Shop ở Đông Nam Á”.
Tính đến tháng 5/2023, TikTok có 135 triệu người dùng ở Đông Nam Á, theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence.
Trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 sau Mỹ, với khoảng 113 triệu người dùng TikTok. Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, trong đó những người ở độ tuổi thanh niên chiếm 52% dân số.
Sachin Mittal, Trưởng bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông và Internet tại DBS, chia sẻ: “Lợi thế của TikTok là thôi thúc người dùng mua hàng khi đang xem video”.
Trong hki đó, Sea Group đang dựa vào mảng thương mại điện tử Shopee để cải thiện tình hình tài chính của tập đoàn. Trong quý 1/2023, Shopee báo lãi quý thứ 2 liên tiếp và góp công lớn giúp Tập đoàn mẹ có lãi. Trong khi đó, mảng giải trí kỹ thuật số Garena tiếp tục bị giảm doanh thu khi Free Fire, tựa game hàng đầu của Garena, tiếp tục bị cấm ở Ấn Độ với lý do đe dọa tới an ninh quốc gia. Shopee đang mở rộng dấu ấn của mình tại Malaysia và tiếp tục xây dựng hoạt động tại Brazil sau khi rời khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia, người dùng có mua sắm trên TikTok Shop đang giảm chi tiêu cho Shopee (-51%), Lazada (-45%), kênh offline (-38%) ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb, Shopee hiện là trang web thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á, chiếm 30%-50% lượng truy cập trên toàn khu vực trong 3 tháng qua, trong khi Lazada giữ vị trí thứ hai với 10%-30% lưu lượng truy cập.
Đốt tiền để giành thị phần
Hiện TikTok đang đốt tiền để phát triển và giành thị phần.
Jonathan Woo, Chuyên viên phân tích cấp cao của Phillip Securities Research, cho biết: “TikTok đang chi số tiền đáng kinh ngạc để thu hút cả người mua và người bán. Chiến lược này có thể không bền vững”.
Woo ước tính TikTok chi khoảng 600-800 triệu USD/năm cho các ưu đãi này, tức chiếm 6%-8% tổng giá trị bán hàng trong năm 2023.
Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop đã miễn thu phí hoa hồng khi ra mắt tại Singapore vào tháng 8/2022. Người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Trong khi đó, Shopee thu hơn 5% phí hoa hồng, giao dịch và dịch vụ.
Theo phóng viên của CNBC, 27 cuộn giấy vệ sinh 4 lớp từ Nomieo được bán trên TikTok với giá 5.8 SGD, trong khi mặt hàng này có giá 16.8 SGD trên Shopee.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Apptopia, số lượt tải ứng dụng TikTok Shop Seller Center ngày càng tăng trong 12 tháng qua.
Ông Woo lưu ý TikTok Shop vẫn còn “rất non trẻ” và “trong giai đoạn đốt tiền để tăng trưởng”. Đây là điều không tốt trong giai đoạn chi phí sử dụng vốn cao như hiện nay.
TikTok Shop cũng “chỉ là một nền tảng” và không có quy trình đầu cuối (end-to-end) như Shopee và Lazada. Hiện hai đối thủ của TikTok đang đầu tư mạnh vào logistics để giao hàng nhanh hơn, từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng và củng cố niềm tin của người mua lẫn người bán, ông nói.
Woo cho biết TikTok cũng có cơ sở người dùng thấp hơn, chủ yếu là những người trẻ. Theo đó, khả năng chi tiêu của họ sẽ ít hơn.
Mittal nói: “Tôi không nghĩ TikTok là mối đe dọa lớn với Shopee. Shopee có thể chấp nhận mất một số thị phần, nhưng Lazada thì không".
Vào năm 2020, Shopee vượt Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Sau đó, Lazada cũng cố gắng để bắt kịp nhưng vẫn chưa thành công.
Ông Woo cho rằng: “Nhìn chung, tôi nghĩ TikTok Shop có tiềm năng lớn như Shopee hay Lazada, nhưng có thể mất khá nhiều năm”. Vị chuyên gia này lưu ý tổng giá trị hàng bán của Shopee hiện vượt quá xa so với Shopee.
TikTok bị kẹt giữa căng thẳng địa chính trị Hiện TikTok đang bị giám sát kỹ lưỡng tại Mỹ (thị trường lớn nhất của Tiktok) trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung leo thang. Tuần trước, bang Montana của Mỹ đã cấm TikTok và các bang khác có thể làm theo. Tuy vậy, TikTok đã khởi kiện nhằm đảo ngược lệnh cấm này trong ngày 22/05. Họ bác bỏ cáo buộc cho rằng Chính phủ Trung Quốc “có thể truy cập dữ liệu về người dùng TikTok và ứng dụng này khiến trẻ vị thành niên tiếp xúc với nội dung độc hại”. Trước đó, CEO TikTok Zi Chew đã điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tháng 3/2023, nhưng không thể xoa dịu nỗi lo của họ về mối liên hệ của Tiktok với Trung Quốc và việc chưa có đủ thông tin về Dự án Texas – kế hoạch lưu trữ dữ liệu về thị trường Mỹ ở nước Mỹ. TikTok trước đó cũng bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 2020, cùng với các ứng dụng khác được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó, Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok – có hơn 750 triệu người dùng chủ động hàng ngày. |