TP HCM: Những quận, huyện đã có kế hoạch sử dụng đất năm 2023
TP HCM: Những quận, huyện đã có kế hoạch sử dụng đất năm 2023
Trường hợp huyện Củ Chi có thể xem là đột phá, bởi đến quý IV-2022 mới được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022...
Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho hay đến nay đã thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 19 địa phương. Cụ thể, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp; 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và TP Thủ Đức.
Đến nay có 2 địa phương được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tức trễ so với quy định hơn 5 tháng. |
Trong đó, Sở Tài nguyên – Môi trường đã trình UBND TP HCM kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận 10, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh. Quận 10 và huyện Củ Chi đã được phê duyệt.
Trường hợp huyện Củ Chi có thể xem là đột phá, bởi đến quý IV-2022 mới được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 (trễ hơn 10 tháng so với quy định).
Các quận, huyện còn lại đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để trình hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
Việc các địa phương chậm trễ ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được nói đến nhiều và gần như không thể thay đổi.
Trước đó, qua các cuộc giám sát về công tác thu hồi đất, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay theo quy định, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của năm nay thì phải được duyệt vào ngày 31-12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt trễ, thường rơi vào quý II hoặc quý III.
Theo bà Vân, tồn tại này nhiều năm qua chưa khắc phục được và tình trạng trễ ngày càng trầm trọng. Đến quý IV-2022 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án và quyền lợi người dân.
Theo thống kê, đến tháng giữa 10-2022 có đến 8 quận, huyện chưa có kế hoạch sử dụng đất. Đại diện các quận, huyện cũng lý giải nguyên nhân chậm trễ và khẳng định không thể làm đúng quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã chỉ ra các khâu chậm trễ ở địa phương và cho rằng lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm mang tính hình thức. Nhiều địa phương, chuyên gia cũng kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
QUỐC ANH