Sau bất động sản, đến lượt ngành quỹ tín thác 2,900 tỷ USD của Trung Quốc gặp rắc rối
Sau bất động sản, đến lượt ngành quỹ tín thác 2,900 tỷ USD của Trung Quốc gặp rắc rối
Việc ông lớn Zhongrong trễ hạn thanh toán cho khách hàng khiến giới đầu tư lo ngại về ngành tín thác trị giá 2,900 tỷ USD và cả khả năng lan truyền rủi ro sang các lĩnh vực khác tại đất nước tỷ dân.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan điều hành Trung Quốc siết kiểm soát với ngành quỹ tín thác 2,900 tỷ USD. Đây là một phần của lĩnh vực ngân hàng ngầm (shadow banking) vốn cung cấp các sản phẩm có tỷ suất sinh lợi cao hơn nhiều so với tiền gửi ngân hàng nhưng cũng đầy rủi ro.
Các công ty tín thác hoạt động ra sao?
Là một phần của ngân hàng ngầm, ngành quỹ tín thác được quản lý khá lỏng lẻo. Thông thường, họ huy động tiền tiết kiệm từ các hộ gia đình giàu có và các khách hàng doanh nghiệp và sau đó dùng tiền để cho vay hoặc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau.
Giới giàu có Trung Quốc từng xem quỹ tín thác là nơi an toàn để rót vốn và thu về tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhiều công ty quỹ tín thác không thể thanh toán hàng tỷ USD với các sản phẩm đầu tư mà họ phát hành ra. Kẻ từ thời điểm các cơ quan điều hành siết chặt quản lý trong năm 2017, quy mô của ngành cũng thu hẹp khoảng 20%.
Zhongzhi lớn đến mức nào?
Zhongzhi là gã khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng ngầm và sở hữu cổ phần ở hàng loạt công ty quỹ tín thác, quản lý tài sản và vốn cổ phần tư nhân. Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh này được thành lập vào năm 1995 bởi Xie Zhikun. Sau gần 30 năm, Zhongzhi giờ đã thành một đế chế khổng lồ.
Năm 2021, ông Xie Zhikun qua đời vì một cơn đau tim và Liu Yang là người được đề cử giữ chức Chủ tịch công ty. Ông Yang tuyên bố sẽ giữ nguyên trọng tâm chiến lược đối với mảng kinh doanh quản lý tài sản và công nghiệp.
Ngày nay, Zhongzhi quản lý khối tài sản lên tới 1,000 tỷ Nhân dân tệ (138 tỷ USD). Trong đó, một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất của tập đoàn là 33% cổ phần ở quỹ tín thác Zhongrong.
Quỹ tín thác Zhongrong đã có 270 sản phẩm đầu tư với tổng trị giá 39.5 tỷ Nhân dân tệ đến hạn thanh toán trong năm nay, theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust. Lợi tức trung bình của các sản phẩm đó lên tới 6.88%, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi 1.5% ở các ngân hàng.
Điều gì châm ngòi cho khủng hoảng ở Zhongzhi?
Rắc rối ở Zhongzhi Enterprise Group – một tập đoàn tài chính kín tiếng quản lý gần 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ (138 tỷ USD) – lên tới đỉnh điểm sau khi một vài doanh nghiệp cho biết chưa nhận được khoản thanh toán từ một đơn vị tín thác thuộc tập đoàn Zhongzhi.
Nacity Property Service Co. và KBC Corp. xác nhận Zhongrong International Trust, công ty liên kết của Zhongzhi Enterprise chậm thanh toán. Một công ty niêm yết khác cũng ghi nhận tình trạnh tương tự.
Mạng xã hội đang lan truyền một lá thư trong đó có nội dung Zhongrong International Trust đã không còn hoạt động. Phía Zhongzhi đã báo cáo vụ việc này lên các cơ quan chức trách.
Trong lá thư chưa được xác minh nội dung này, một nhà quản lý tài sản của Zhongzhi Enterprise Group đã xin lỗi khách hàng, nói rằng các đơn vị của tập đoàn quyết định trì hoãn thanh toán cho tất cả các sản phẩm kể từ giữa tháng 7. Theo bức thư, các khoản thanh toán bị trì hoãn này có tổng trị giá 230 tỷ Nhân dân tệ và liên quan đến hơn 150,000 nhà đầu tư.
Giới chức Trung Quốc hành động ra sao?
Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NFRA) đã lập một tổ công tác để rà soát các khoản nợ và rủi ro ở Zhongrong, dựa trên nguồn tin thân cận. Cơ quan này yêu cầu Zhongrong báo cáo kế hoạch thanh toán nợ nần và các tài sản có thể bán để giải quyết khủng hoảng thanh khoản.
Những khó khăn của Zhongzhi xảy ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm khi các nhà đầu tư vẫn đang lo nghĩ về tình hình kinh tế và thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Country Garden Holdings, đang đứng trước bờ vực vỡ nợ, trong khi lượng tín dụng từ các ngân hàng Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Đây là một tín hiệu cho thấy nhu cầu từ các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đang suy giảm. Sự xuất hiện đồng thời của nhiều rủi ro khác nhau đang gây áp lực các cơ quan chức trách Trung Quốc khi họ đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch.
Khủng hoảng tại Zhongzhi làm dấy lên nguy cơ lan truyền rủi ro sang các lĩnh vực khác và khiến niềm tin sụp đổ.
Bất động sản có phải nguồn cơn rắc rối của Zhongzhi?
Theo Bloomberg, nguồn cơn khơi mào cho rắc rối của Zhongzhi vẫn chưa rõ ràng.
Các công ty tín thác Trung Quốc thường cung cấp nhiều sản phẩm đầu tư liên kết với các công ty phát triển bất động sản và trong quá khứ, nhiều công ty đã không thể thanh toán với các sản phẩm này. Trong khối tài sản 629 tỷ Nhân dân tệ do Zhongrong quản lý, bất động sản chiếm 11%.
Năm ngoái, Zhongzhi đã rót vốn mạnh vào ít nhất 10 dự án bất động sản, với hy vọng thị trường sẽ phục hồi và mang lại tỷ suất sinh lợi cao. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại.