Tập đoàn Tân Mai đề xuất xây khu công nghiệp hơn 200 ha để sản xuất gỗ tại Đồng Nai
Tập đoàn Tân Mai đề xuất xây khu công nghiệp hơn 200 ha để sản xuất gỗ tại Đồng Nai
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, CTCP Tập đoàn Tân Mai đề xuất cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, thành lập một khu công nghiệp quy mô hơn 200 ha cho ngành sản xuất gỗ tại huyện Vĩnh Cửu.
Tập đoàn Tân Mai cho biết, công ty là đơn vị chuyên trồng rừng, chế biến, sản xuất giấy, gỗ với diện tích quản lý, khai thác, sản xuất ở Đồng Nai rất lớn. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng là một trong những ngành quan trọng của Đồng Nai nên các doanh nghiệp đơn lẻ mong muốn vào khu công nghiệp tập trung.
Vì vậy, Tập đoàn Tân Mai đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho phép đơn vị nghiên cứu, thành lập một khu công nghiệp hơn 200 ha cho sản xuất gỗ tại huyện Vĩnh Cửu.
Trước đề xuất của Doanh nghiệp, Bí thư tỉnh ủy ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định gỗ là ngành có giá trị sản xuất, xuất khẩu lớn, hiện tỉnh Đồng Nai đang từng bước di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, trong đó có ngành gỗ vào khu sản xuất tập trung nên việc xây dựng một khu vực sản xuất bài bản là cần thiết.
Qua đó, Bí thư tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp cần đặc biệt xem xét kỹ lưỡng về tính pháp lý về quy hoạch, về đất đai, năng lực của doanh nghiệp, chiến lược phát triển của địa phương cũng như những vấn đề khác liên quan.
Tại Đồng Nai, hiện các sản phẩm gỗ xuất khẩu đi 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở Mỹ (64.5%), Nhật (12.3%) và Hàn Quốc (11.2%). Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Đồng Nai hiện đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Bình Dương).
Trong giai đoạn 2019 - 2022, ngành gỗ Đồng Nai đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 10 - 12%/năm.
Tập đoàn Tân Mai là ai?
Tập đoàn Tân Mai được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai công ty là CTCP Giấy Tân Mai và CTCP Giấy Đồng Nai, có trụ sở tại Biên Hòa, Đồng Nai. Tập đoàn Tân Mai chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2009. Tính tới tháng 04/2013, Doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 891 tỷ đồng, do ông Trần Đức Thịnh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Tân Mai hiện có 8 đơn vị thành viên gồm chi nhánh Đắk Lắk, xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Nông, chi nhánh Đông Nam Bộ, chi nhánh Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên, CTCP Tân Mai Miền Đông, CTCP Tân Mai Miền Trung và CTCP Tân Mai Lâm Đồng.
Trong năm 2013, nhà máy Giấy Tân Mai (tại Biên Hòa, Đồng Nai) bắt buộc phải ngưng hoạt động để thực hiện công tác di dời, nhà máy Giấy Đồng Nai hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên Tân Mai cũng đã ngưng sản xuất dây chuyền này mà chỉ tập trung sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giấy Bình An. Tương tự, do khó khăn về tài chính nên Tân Mai cũng tạm thời hoãn thực hiện dự án Tân Mai Miền Trung.
Dự án nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai - Kon Tum cũng đã dừng triển khai vào tháng 06/2012. Dự án khởi công từ tháng 02/2010, theo kế hoạch sẽ đi vào sản xuất từ tháng 01/2013. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp một số khó khăn trong việc huy động vốn, nhất là về nguồn vốn đầu tư tự có, nên đã dừng hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,218 tỷ đồng.