Chứng khoán, tài khoản ảo và câu chuyện làm giá

18/11/2023 10:58
18-11-2023 10:58:15+07:00

Chứng khoán, tài khoản ảo và câu chuyện làm giá

Có lẽ sau MBS, nhiều công ty chứng khoán cũng sẽ tiến hành đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch trong một thời gian dài. Nếu vậy, trong tháng 11 này, có thể số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục sụt giảm.

Tài khoản chứng khoán sụt giảm

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang phục hồi khá tích cực trong nửa đầu tháng 11-2023, với chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc 1.100 điểm, sau khi có lúc rớt về vùng thấp nhất trong hơn bảy tháng qua tại 1.020 điểm hôm 1-11. Điểm số tăng cùng với thanh khoản đi lên cho thấy dòng tiền đang được lôi kéo trở lại, với kỳ vọng TTCK sẽ diễn biến tích cực hơn, ít nhất là trong sáu tháng tới.

Khác với những năm trước, dù đang là những tháng cuối năm, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, do tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn chậm. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống gần đây, dòng tiền tiết kiệm giai đoạn lãi suất cao đang đáo hạn dần và có thể tìm kiếm cơ hội, chuyển dịch sang TTCK.

Bên cạnh đà đi lên trở lại đầy mạnh mẽ của giá cổ phiếu, một thông tin khác khiến nhà đầu tư chú ý là số lượng tài khoản chứng khoán bất ngờ sụt giảm trong tháng 10 vừa qua. Theo thông tin được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) công bố mới đây, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (TKGD) của nhà đầu tư cá nhân trong nước đến 31-10-2023 còn 7.384.707 tài khoản, giảm ròng 378.137 tài khoản so với tháng trước đó.

MBS đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản mở tại MBS và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở nhưng không phát sinh giao dịch.

Trong khi đó, số lượng TKGD của nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn tăng thêm 164 tài khoản, lên 15.885 tài khoản; số lượng TKGD của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tăng 229 tài khoản, lên 40.429 tài khoản, còn của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 17 tài khoản, lên 4.523 tài khoản.

Như vậy, tổng cộng số lượng TKGD của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến cuối tháng 10 là 7.445.544 tài khoản, giảm ròng 377.727 tài khoản, tương đương giảm 4,83% so với tháng trước.

Dù thông tin này chưa cho thấy sự ảnh hưởng đến thị trường, khi VN-Index vẫn duy trì đà đi lên, nhưng rõ ràng nếu nhìn vào xu hướng số lượng tài khoản duy trì tăng ròng liên tục từ trước đến nay, thì sự sụt giảm bất ngờ ở TKGD của nhà đầu tư cá nhân trong nước vào tháng 10 vừa qua khiến không ít người bất ngờ.

Một số ý kiến cho rằng việc Bộ Công an yêu cầu lưu ý về “đội lái” chứng khoán đã khiến nhiều tài khoản của các đội nhóm này đóng lại để tránh bị điều tra.

Theo thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra nhận thấy đang có các sơ hở, thiếu sót của quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán, để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không kiểm soát, các đối tượng đã lợi dụng thuê, nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Câu chuyện phía sau

Tuy nhiên, cũng theo thông tin cung cấp từ VSDC, trong con số giảm ròng 377.727 tài khoản nói ở trên, số tài khoản mở mới trong tháng 10 là 167.659 tài khoản và số tài khoản thực hiện đóng trong tháng 10 là 545.386 tài khoản, trong đó số tài khoản được đóng nhiều nhất tại Công ty Chứng khoán (CTCK) MB (MBS) – 543.753 tài khoản. Qua trao đổi với MBS, VSDC được biết MBS đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản mở tại MBS và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở nhưng không phát sinh giao dịch.

Tài chính chứng khoán nói riêng hay bất kỳ kênh đầu tư nào khác nói chung có sự đào thải là điều tất yếu. Điều quan trọng hơn là sau đó sẽ luôn có một lớp nhà đầu tư mới tham gia và các cơ quan quản lý phải có giải pháp khôi phục niềm tin dành cho thị trường, giữ chân các nhà đầu tư.

Trước đó, vào ngày 10-10-2023, tại Chương trình chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán, đảm bảo nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11-2023. Do đó, có lẽ sau MBS, nhiều CTCK cũng sẽ tiến hành đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch trong một thời gian dài. Nếu vậy, trong tháng 11 này, có thể số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục sụt giảm.

Theo quy định, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản tại mỗi CTCK. Tuy nhiên, nhà đầu tư không bị giới hạn số lượng tài khoản trên toàn thị trường, tức mỗi người có thể mở tài khoản tại các CTCK khác nhau. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn thị trường có 81 công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán.

Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các CTCK trong những năm qua để lôi kéo người dùng, không ít nhà đầu tư đã mở hàng loạt tài khoản tại các CTCK để hưởng những ưu đãi trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc chuyển sang giao dịch tại CTCK mới. Hệ quả là trong khi vẫn có số ít nhà đầu tư sử dụng song song các tài khoản ở các CTCK khác nhau để lướt sóng, phần lớn nhà đầu tư chỉ giao dịch ở tài khoản CTCK mà họ thấy được lợi nhất về phí giao dịch, lãi suất margin và các tiện ích đi kèm. Do đó, số lượng TKGD đã một thời gian dài không còn phát sinh giao dịch là không nhỏ.

Bên cạnh đó, hiện tượng nhiều tài khoản không còn phát sinh giao dịch có lẽ cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn khác, đó là nhiều nhà đầu tư sau một thời gian tham gia đã rời khỏi thị trường mãi mãi. Đó có thể là vì thua lỗ, thiệt hại quá lớn, mất niềm tin vào thị trường trước những hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu, lừa đảo,… như nhiều phân tích đã chỉ ra. Dù vậy, việc TTCK nói riêng hay bất kỳ kênh đầu tư nào khác nói chung có sự đào thải là điều tất yếu. Điều quan trọng hơn là sau đó sẽ luôn có một lớp nhà đầu tư mới tham gia và các cơ quan quản lý phải có giải pháp khôi phục niềm tin dành cho thị trường, giữ chân các nhà đầu tư.

Đề án cơ cấu lại TTCK đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mục tiêu này đã nhanh chóng được chinh phục khi số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh liên tục, trong bối cảnh nhiều người ngồi nhà khi giãn cách xã hội và dòng vốn nhàn rỗi tìm kiếm cơ hội ở chứng khoán. Tính đến cuối tháng 10-2023, số lượng TKGD của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tương ứng 7,4% dân số.

Tuy nhiên, trước việc các CTCK sẽ phải làm sạch dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý, số lượng tài khoản bị đóng có thể sẽ rất lớn ngay trong tháng này. Khi đó, tỷ lệ trên sẽ sụt giảm đáng kể. Hiện chỉ với mỗi MBS thực hiện quy định trên, số lượng TKGD bị đóng của CTCK này đã lên tới 99,7% tổng số tài khoản bị đóng trong tháng 10 vừa qua.

Theo dữ liệu về thị phần giá trị giao dịch môi giới quí 3-2023 vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, MBS đã vươn lên tốp 5 thị phần môi giới trên cả hai sàn lần đầu tiên sau bốn năm. Cụ thể, thị phần của MBS ở mức trên 5%; trên sàn HOSE: MBS chiếm thị phần 5,09%; trên sàn HNX: MBS chiếm thị phần 5,18%.

Triêu Dương

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đầu tư chứng khoán qua mùa nắng mưa thất thường

Triển vọng kinh tế chưa rõ ràng cũng như thiếu vắng các câu chuyện hỗ trợ, chứng khoán Việt Nam đi vào vùng lình xình.

Thế giới chưa bao giờ bình yên, thị trường chứng khoán cũng vậy

Những sự kiện xung đột địa chính trị có thể vẫn tiếp tục xảy ra, và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phản ứng, nhưng cách chúng ta ứng xử với những sự kiện này sẽ...

Cú sụt giá cổ phiếu đầu tháng 8 chỉ là trò chơi tâm lý

Chỉ mới đây thôi, ta còn nghe về nguy cơ u ám và những mốc dự báo thị giá ngày càng thấp của cổ phiếu, nhưng giờ đây mọi thứ đã đi lên trở lại. Có phải triển vọng...

Những chỉ báo kinh tế kỳ lạ trong thời kỳ suy thoái

Khi nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái, việc dựa vào các chỉ báo kinh tế truyền thống như GDP, lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp có thể trở nên phức tạp. Các...

Lầm to khi nghĩ thị trường cổ phiếu đang biến động hơn bao giờ hết

Những phiên trồi sụt hàng chục điểm của VN-Index có lẽ khiến người tham gia thị trường nghĩ chứng khoán đang quá biến động. Nhưng, sự thực là thị trường chỉ biến...

Dự báo dựa trên số liệu và câu chuyện tương lai

Mọi dự báo đều lấy một con số từ hôm nay và nhân nó với một câu chuyện về ngày mai.

Bạn có nên nhận lời khuyên tài chính từ các Finfluencers?

Trong thời đại mà mỗi khi bạn lướt qua mạng xã hội, có thể bạn sẽ vô tình bắt gặp những gương mặt trẻ trung, năng động chia sẻ về cách đầu tư thành công hoặc làm...

Đầu tư chứng khoán qua quỹ hoán đổi danh mục đang trỗi dậy

Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), theo dõi các chỉ số chứng khoán hoặc một nhóm cổ phiếu theo chủ đề ở châu Á, đang trở thành kênh đầu tư yêu thích của nhà đầu tư tổ...

Đòn bẩy

Thị trường chứng khoán vừa kỷ niệm 24 năm sàn giao dịch chứng khoán “khớp lệnh”. VN-Index đã tăng từ 100 điểm lên 1,246 điểm trong 24 năm qua, tương ứng với mức...

Xử lý sau mua quan trọng hơn thời điểm mua

Bạn đã chuẩn bị rất kỹ, tính toán rất chi ly, phân tích rất nhiều để lựa chọn thời điểm vào lệnh. Nhưng tin tôi đi, 90% số lần bạn vào lệnh sẽ cảm thấy không hài...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98