TPBank dự kiến rót 125 tỷ đồng vào công ty quản lý quỹ có 14 nhân sự
TPBank dự kiến rót 125 tỷ đồng vào công ty quản lý quỹ có 14 nhân sự
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) tại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC).
Cụ thể, NHNN chấp thuận cho TPBank góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NHNN ra văn bản chấp thuận, TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần tại VFC.
Đề án này đã được ĐHĐCĐ 2023 của TPBank thông qua hồi tháng 4. TPBank cho rằng việc góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ là nhu cầu tất yếu khách quan đối với TPBank và đảm bảo cơ sở pháp lý.
VFC là công ty gì?
CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) được thành lập từ năm 2008. VFC hiện có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, với số lượng nhân sự vỏn vẹn 14 người tính đến ngày 31/12/2022. Chủ tịch HĐQT VFC là bà Nguyễn Thị Huyền.
Tổng Giám đốc VFC là bà Võ Anh Tú được bổ nhiệm từ ngày 10/10/2022, bà có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng tại các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ như: VNDirect, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI, và đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình.
Đồng thời, bà Tú cũng là thành viên HĐQT của một số công ty trong các lĩnh vực điện tử, tin học và xây dựng: CTCP VIettronics Đống Đa, CTCP Công trình Viettronics.
Hồi tháng 5/2023, VFC công bố nghị quyết thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Số cổ phần dự kiến chào bán là 7.5 triệu cp với tổng giá trị chào bán 75 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Mục đích chào bán nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Công ty, gia tăng mở rộng các hoạt động tài chính nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng dài hạn; đảm bảo đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành về vốn pháp định và tỷ lệ an toàn tài chính trong quá trình hoạt động công ty quản lý quỹ.
VFC hiện có 2.5 triệu cp đang lưu hành, được sở hữu bởi 3 cổ đông lớn gồm: ông Nguyễn Anh Vũ (1.45 triệu cp, 58%), bà Hồ Thị Thùy Giang (600,000 cp, 24%) và bà Nguyễn Anh Hương (450,000 cp, 18%). Tuy nhiên, 3 cổ đông lớn này không nằm trong HĐQT cũng như ban điều hành VFC.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo thường niên, năm 2022, doanh thu của VFC đạt 7.83 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm, Công ty đã có doanh thu từ hoạt động tư vấn và quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ. Lợi nhuận sau thuế 2022 đạt 869 triệu đồng, tăng 187% so với năm trước.
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 của VFC đạt 27.9 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Trong năm 2022, Công ty không sử dụng nguồn vốn tín dụng/vốn vay nào. Các khoản nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ 3.21% tổng tài sản. Tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%.
Đối với mảng quản lý quỹ, trong năm 2022, VFC đã thành lập quỹ thành viên với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tính từ thời điểm thành lập quỹ đến cuối năm 2022, quỹ thành viên VVIF có NAV 7.72%.