Tổng Giám đốc SSV: Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, dòng vốn FDI vẫn mạnh mẽ chảy vào Việt Nam đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, nhiều ưu đãi của Việt Nam.

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, Chính phủ đã có những nỗ lực để hoàn thiện các văn bản pháp lý, ưu đãi về đầu tư, để thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Số liệu tính đến cuối năm 2023 cho thấy, Việt Nam đã thu hút được gần 438.7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, vốn FDI cũng đã được đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Thêm vào đó, Việt Nam đã tăng cường nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và gần đây nhất là Australia. Việc ký kết hợp tác không chỉ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao, mà còn nâng cao thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng… giữa hai nước đối tác.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam lâu năm, ông Han Bok Hee – Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Chứng Khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đã có những chia sẻ về tình hình đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới, nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc.

Dựa vào các số liệu năm qua, có thể thấy sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong năm 2024, ông có cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn hay không? Cơ sở nào để ông nhận định điều đó?

Ông Han Bok Hee: Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023 của Việt Nam thật sự rất tích cực, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 36.6 tỷ USD, tăng 32.1% so với năm trước, trong đó, FDI đăng ký mới tăng vọt 62.2%, đạt 20.19 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt quy mô cao nhất từ trước đến nay với 23.2 tỷ USD, tăng 3.5%.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, dòng vốn FDI vẫn mạnh mẽ chảy vào Việt Nam đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, nhiều ưu đãi của Việt Nam.

Việc kiên định đường lối đối ngoại đa phương, chủ động hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam trở thành bạn, đối tác tin cậy của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với 18 nước, bao gồm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Indonesia…và đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước.

Cùng với triển vọng kinh tế lạc quan trong năm 2024, Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới theo dự báo của IMF với tăng trưởng GDP ước tính ở mức 5.8%, chúng tôi tin rằng đà tăng tốc của dòng vốn FDI vẫn sẽ tiếp diễn. Số liệu vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm 2024 đã minh chứng cho điều đó khi đạt gần 4.3 tỷ USD, tăng 38.6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký mới đạt 3.6 tỷ USD, tăng 55.2%; vốn thực hiện đạt 2.8 tỷ USD, tăng 9.8%.

Về lĩnh vực đầu tư, năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Theo ông, trong năm 2024 ngành, nghề nào sẽ là lĩnh vực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất?

Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành chủ đạo của dòng vốn FDI tại Việt Nam trong nhiều năm qua, chiếm tới 64.2% tổng vốn đăng ký trong năm 2023 và dự kiến vẫn sẽ tiếp tục là ngành dẫn đầu thu hút vốn ngoại trong năm 2024.

Với chiến lược trở thành trung tâm công nghệ vi mạch bán dẫn đến năm 2030, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên để thu hút lĩnh vực công nghệ cao với mũi nhọn là sản xuất chip bán dẫn, phát triển trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là thế mạnh của Hàn Quốc, vì thế sẽ tạo động lực để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư mới từ Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, phân phối lưu thông hàng hóa, nội dung văn hóa và các dịch vụ khác… cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Là một nhà đầu tư Hàn Quốc, ông nhận thấy Việt Nam có các thế mạnh nào để có thể hấp dẫn được dòng vốn ngoại nói chung và dòng vốn từ Hàn Quốc nói riêng? 

Như đã đề cập ở trên, chúng tôi luôn đánh giá Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI nhờ chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, nhiều ưu đãi; hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; cơ cấu dân số vàng; và đặc biệt, triển vọng tăng trưởng kinh tế ở mức cao có thể duy trì trong một, hai thập niên tới với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc vẫn đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam và sẽ tiếp tục duy trì vị thế là đối tác lớn của Việt Nam.

Khi đầu tư vào Việt Nam, ông nhận thấy rằng đâu là yếu tố thuận lợi và khó khăn nhất?

Yếu tố thuận lợi nhất có lẽ là sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ Việt Nam. Các cơ quan quản lý luôn lắng nghe và sẵn sàng đối thoại, kịp thời ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, là điều mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đánh giá rất cao khi đầu tư ở Việt Nam.

Để tiếp tục “hấp dẫn” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, một số vấn đề chưa thuận lợi mà chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện là (1) đơn giản quy trình, thủ tục cấp phép; (2) phát triển hạ tầng chiến lược giúp giảm chi phí logistic; (3) tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón làn sóng FDI mới.

Gần đây, có một ngân hàng nội muốn mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, ông có cho rằng giao thương cũng như nhu cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang tăng lên hay không?

Chắc chắn rồi! Chúng tôi tin rằng nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc  sẽ sôi động hơn nữa trong thời gian tới.

Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) trong 6-7 năm trở lại đây. Và điều thú vị là, theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc năm thứ hai liên tiếp, cho thấy vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hoạt động giao thương của Hàn Quốc.

​Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt gần 80 tỷ USD năm 2023, tăng gấp đôi so với năm 2015 là thời điểm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam -Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, hướng đến mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài VKFTA, Việt Nam và Hàn Quốc còn có hai hiệp định thương mại khác là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giúp xóa bỏ thuế quan cho hơn 90% các mặt hàng xuất nhập khẩu. Hai nước cũng đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào cuối năm 2022 sau ba thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn hợp tác mới sâu rộng hơn.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

22-03-2024 09:02:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98