Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

19/04/2024 08:44
19-04-2024 08:44:40+07:00

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ đô la Mỹ khi họ dự đoán đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá hơn nữa. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm đà giảm giá của NDT, vốn đang chịu áp lực vì thị trường chứng khoán trong nước bất ổn và triển vọng tăng trưởng kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đang tích trữ đô la Mỹ vì lo ngại nhân dân tệ mất giá hơn nữa. Ảnh: Reuters

Vấn đề trên đã diễn ra trong nhiều tháng ở thị trường tiền tệ của Trung Quốc đại lục trong bối cảnh lợi suất của đô la Mỹ duy trì ở mức cao. Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy tiền gửi ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng thêm 53,7 tỉ đô la kể từ tháng 9-2023, lên 832,6 tỉ đô la trong tháng 3-2024.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) ước tính, trong tháng 2, các khách hàng doanh nghiệp chỉ quy đổi 51% doanh thu xuất khẩu bằng đô la của họ sang NDT. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp chọn gửi tiết kiệm bằng đồng đô la.

Một số công ty xuất khẩu Trung Quốc gửi đô la trong các tài khoản ở nước ngoài để kiếm mức lãi suất lên đến 6% mỗi năm thay vì mức lãi suất 1,5%/năm gửi ở các ngân hàng trong nước.

Diễn biến này chủ yếu là do NDT suy yếu,  chạm mức thấp nhất trong 5 tháng và mất giá gần 2% so với đồng đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Xu hướng dài hạn thậm chí còn tiêu cực hơn khi NDT giảm giá 5% so với đô la kể từ đầu năm 2023. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc không muốn quy đổi thu nhập bằng đô la sang NDT.

Vào chiều ngày 18-4, tại Thượng Hải, NDT giao dịch ở mức 7,2391 đổi 1 đô la, không thay đổi nhiều so với mức giá đóng cửa của ngày hôm trước. Cùng ngày, PBoC cho biết sẽ quyết tâm ngăn chặn đà giảm giá một chiều của NDT.

Các nhà phân tích cho rằng, để NDT chấm dứt vòng xoáy giảm giá, một trong hai điều cần phải xảy ra: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sâu hoặc đồng NDT cần chạm một mức đáy nào đó. Nhưng hiện tại, cả hai khả năng này đều có vẻ xa vời.

“Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007 và tôi nghĩ điều này đủ để giải thích vì sao các nhà xuất khẩu Trung Quốc không muốn đổi đô la sang NDT. Mức chênh lệch lãi suất lớn này sẽ không sớm biến mất”, Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital bình luận.

Lemon Zhang, nhà chiến lược của ngân hàng Barclays nhận định, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể tiếp tục ưu tiên nắm giữ đô la trong hai quí tới.

Kể từ giữa năm ngoái, PBoC giới hạn lãi suất tiền gửi đô la ở các ngân hàng lớn ở mức 2,8%. Vì vậy, ngay cả khi quyết định mang đô la về nước, các công ty xuất khẩu Trung Quốc có thể ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản đô la cung cấp mức lợi suất cao hơn.

Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered nhận định, một sự xác nhận về việc Fed sắp giảm lãi suất là xu hướng đô la giảm giá rõ ràng hơn. Đây có thể là chất xúc tác để các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đổi ngoại tệ của họ sang NDT.

Nếu chuỗi dữ liệu kinh tế và lạm phát mạnh mẽ gần đây ở Mỹ tiếp tục duy trì thì triển vọng giảm lãi suất của Fed có thể bị đẩy lùi đến cuối năm 2024. Khi đó đồng đô la sẽ tăng giá mạnh.

Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng NDT sẽ giảm về mức 7,3 NDT đổi 1 đô la, gần với điểm đáy của NDT trong cả tháng 10-2022 và tháng 7-2023. Các cơ quan quản lý có thể bảo vệ ngưỡng tỉ giá này và đó là lúc các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể xem xét mang đô la về nước để đổi sang NDT.

Một số ngân hàng đầu tư cũng dự đoán NDT sẽ suy yếu xuống mức này vào quí 3 năm nay và sẽ không giảm thêm nữa. Một lãnh đạo ngân hàng ở Thượng Hải, chuyên giao dịch với các doanh nghiệp cho biết, một số khách hàng của ông hiện nhắm tới ngưỡng tỉ giá này để bán đô la.

Giới chức trách Trung Quốc dường như không quá lo lắng trước tình trạng tích trữ đô la của doanh nghiệp và người dân. Các ngân hàng nhà nước, gần đây đã bán đô la nhằm kìm hãm đà giảm giá của NDT.

Cho đến nay, NDT không giảm giá nhanh và sâu như tiền tệ của một số đối tác thương mại, đặc biệt là Nhật Bản với đồng yen giảm 9% trong năm nay. Đồng yen giảm giá mạnh hơn, làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc và làm giảm thặng dư thương mại của nước này. Thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2023  giảm 11%, xuống còn 593,9 tỉ đô la.

Khánh Lan (Theo Reuters, Bloomberg)

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đồng USD suy yếu, thị trường tài chính biến động mạnh

Đồng USD tiếp tục mất giá trong sáng 5/5, trong khi đồng đôla Đài Loan tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt mức cao...

Nhà đầu tư lớn vay thế chấp cổ phần quỹ đầu tư tư nhân giữa lúc cạn tiền mặt

Các quỹ hưu trí và nhiều nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn đã bắt đầu vay thế chấp dựa trên danh mục đầu tư tư nhân của mình nhằm huy động tiền mặt, trong bối cảnh hoạt...

Tập đoàn nước ngoài ồ ạt phát hành “trái phiếu gấu trúc” để phòng vệ rủi ro tại Trung Quốc

Các tập đoàn đa quốc gia đang đổ xô vào thị trường trái phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục, nhằm tìm kiếm nguồn vốn rẻ hơn và phòng ngừa rủi ro từ mối quan hệ ngày...

Khi lời hứa an toàn của fintech tan vỡ (kỳ 2): Vai trò của bên kết nối fintech, neobank với ngân hàng

Việc các công ty công nghệ hợp tác với các ngân hàng được FDIC bảo hiểm là điều phổ biến. Ví dụ, người dùng Apple Cash trong ứng dụng Apple Pay có thể được FDIC bảo...

Khi lời hứa an toàn của fintech tan vỡ (kỳ 1): Người tiết kiệm mắc kẹt giữa ngân hàng và công nghệ

Adam Moelis và Ben Doyle đã nảy ra một ý tưởng kinh doanh độc đáo: Nhiều người Mỹ gặp khó để hình thành thói quen tiết kiệm, trong khi lại rất thích chơi xổ số. Vậy...

Làn sóng rút vốn kỷ lục khỏi các quỹ ESG

Các quỹ đầu tư theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên toàn cầu chứng kiến lượng vốn bị rút ròng kỷ lục 8,6 tỉ đô la Mỹ trong quí 1 năm nay.

Lộn xộn trên thị trường tài chính toàn cầu: Ông Trump và ông thị trường

Kể từ ngày 2-4-2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan “có đi có lại” với mức thuế tối thiểu 10% trên hầu hết hàng hóa nhập khẩu, lên tới...

Liệu đồng đô la yếu có châm ngòi chiến tranh tiền tệ?

Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ đang gây áp lực phá giá tiền tệ ở các nước phụ thuộc vào xuất khẩu nhằm duy trì tính cạnh tranh. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các...

Thị trường đầu tư dài hạn đang trở nên rủi ro hơn?

Các chính sách của Tổng thống Trump đã làm chao đảo thị trường tài chính. Trong bối cảnh này, ưu tiên bảo vệ tài sản của bản thân là điều cần thiết trước khi nghĩ...

Đồng USD đánh mất niềm tin từ đồng minh Mỹ, giảm xuống mức đáy 3 năm

Đồng USD đang phải đối mặt với áp lực bán gia tăng trên thị trường tiền tệ khi cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump cùng thái độ không mặn mà với hợp...


Hotline: 0908 16 98 98