'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

23/04/2024 10:22
23-04-2024 10:22:07+07:00

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Tại dự thảo Nghị định lấy ý kiến tuần qua, Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.

Góp ý, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là "không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường".

Theo tính toán, một hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà ở nhà dân công suất 5 kW, tích hợp thiết bị lưu trữ 5 kWh có chi phí khoảng 80-90 triệu đồng. Nếu đầu tư pin lưu trữ 10 kWh, tổng chi phí 100-120 triệu đồng. Các thiết bị có thời gian bảo hành từ 5-12 năm, tùy loại.

Hệ thống này có thể giúp một hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 450-500 kWh mỗi tháng với bức xạ của miền Bắc. Tương ứng, với số tiền tiết kiệm được 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một tháng, thời gian hoàn vốn khoảng 7-10 năm.

"Sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu", ông Việt nói, thêm rằng không thể bán phần dư thừa hoặc được khấu trừ vào sản lượng sử dụng sẽ là không hiệu quả, đặc biệt khu vực chênh lệch lớn về hiệu suất theo thời điểm như miền Bắc.

Hiện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc khoảng 6%, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng 17%.

Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: VGP

Chuyên gia năng lượng Lã Hồng Kỳ đánh giá việc thu hồi vốn với khu vực miền Bắc sẽ khó khăn nên chủ đầu tư không mặn mà. Bởi, đặc điểm khí hậu ở đây chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng chênh lệch khá lớn nên khó tính toán công suất nối lưới tự dùng.

"Do đó, cần có cơ chế để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại một phần điện dư thừa", ông Kỳ đề xuất và cho rằng cơ chế này sẽ khuyến khích đầu tư, giúp phát triển hài hòa nguồn năng lượng này giữa các vùng miền, địa phương.

Trường hợp không bán cho EVN, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.

Lý do không khuyến khích điện mái nhà bán lượng dư lên lưới từng được Bộ Công Thương đưa ra, là có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống. Bởi, nguồn điện này phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Tức là, hệ thống phải có nguồn điện nền dự phòng (thủy điện, nhiệt điện...), đảm bảo vận hành ổn định trước những thay đổi nhanh của năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất trên cả nước theo Quy hoạch điện VIII.

Ngoài bán cho EVN, giới chuyên môn đề xuất nên cho điện mặt trời mái nhà mua bán giữa các tổ chức, cá nhân là "hàng xóm" của nhau. Góp ý gửi tới Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp (VCCI) từng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán giữa các khách hàng trong một tòa nhà mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia. "Việc này sẽ giúp cân bằng phụ tải tốt hơn do hạn chế được lượng điện dư", theo VCCI.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho hay, việc bán điện cho "hàng xóm" được các nước triển khai khá đơn giản qua đường dây riêng. Ở Việt Nam, ông đề xuất cho mua bán qua lưới và EVN có thể thu thêm phí quản lý đường dây.

Cơ chế này cũng được các chuyên gia cho rằng cần với doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp, khu chế xuất khi nhu cầu dùng năng lượng sạch dự báo tăng mạnh thời gian tới. "Với các doanh nghiệp này, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí", ông Việt nói.

Chẳng hạn, theo khảo sát tại một khu công nghiệp tại Hải Phòng, 3 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 3 MW, tạo ra 5.800 MWh trong năm 2023. Sản lượng này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

"Nếu các khu công nghiệp mua trực tiếp từ các nhà đầu tư hoặc tự lắp điện tái tạo sẽ giảm 15-30% chi phí so với mua từ EVN", ông Việt cho hay.

Cùng quan điểm, theo ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng tái tạo, chi phí để tạo ra một kWh điện mặt trời mái nhà ước tính dưới 1.000 đồng (khoảng 5 cent/kWh), thấp hơn so với giá điện bán lẻ điện hiện hành (trên 7,8 cent/kWh). Dùng nguồn điện này, ông Tiến nói, sẽ giúp chi phí mua điện của doanh nghiệp giảm xuống.

Nhưng dù giải quyết được yếu tố tài chính ban đầu, không có cơ chế mua bán điện vẫn là rào cản khiến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp lưỡng lự đầu tư loại năng lượng này. Bởi, doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư, nhưng họ lo khả năng thu hồi vốn khi không thể bán phần điện dư thừa. Trong khi, nhiều đơn vị sản xuất muốn dùng điện tái tạo để đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu. Vì thế, Phó viện trưởng VEPR đề xuất Nhà nước cho phép hình thành thị trường mua bán giữa các chủ đầu tư với doanh nghiệp sản xuất.

Điều này, theo ông, phù hợp với cung - cầu thị trường, tạo điều kiện để các chủ đầu tư khu công nghiệp, quỹ trung gian, đơn vị cung cấp giải pháp lắp đặt bỏ chi phí đầu tư, lắp đặt các hệ thống điện tái tạo này. Ngược lại, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng sạch với giá hợp lý.

Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Tuy nhiên, theo ông Lã Hồng Kỳ, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các thành phần như tấm pin, thiết bị lưu trữ, ắc quy. Điều này dẫn đến chất lượng các hệ thống chưa được kiểm soát chặt, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn, phòng cháy chữa cháy, ổn định chất lượng điện năng.

Việc đấu nối lưới để mua bán có thể gây mất an toàn cho lưới, do đó, giới chuyên môn cho rằng cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thiết bị, phòng cháy chữa cháy, quy trình nghiệm thu, kiểm tra bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ.

Ngoài ra, để tránh phát triển ồ ạt, ông Phan Công Tiến cho rằng hàng năm, cơ quan quản lý cần có báo cáo đánh giá độc lập khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện. Chẳng hạn tại Australia, Cơ quan vận hành hệ thống và thị trường điện (AEMO) công bố các dữ liệu này hàng năm trên trang website. Việc này để doanh nghiệp, người dân chủ động tính toán, quyết định khi lắp điện mặt trời mái nhà.

Phương Dung

Vnexpress






MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy gửi đơn tố cáo hành vi thông thầu ở Ninh Thuận

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận có đơn tố cáo hành vi thông thầu trong đấu giá đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước

Doanh nghiệp từng bán dự án điện mặt trời cho Trung Quốc, đề xuất làm 2 nhà máy điện gió ở Lâm Đồng

Mới đây, CTCP Đầu tư HLP đề xuất đầu tư xây dựng 2 dự án nhà máy điện gió Tà Năng 1 và Tà Năng 2 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Giải ngân đầu tư công TPHCM chùng lại

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tháng 4/2024, kết quả giải ngân đầu tư công của Thành phố chùng lại. Từng chủ đầu tư, từng cơ quan có liên quan cần hết...

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4426/BTC-VĐT gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các...

Phó Thủ tướng: Không đề xuất xử lý những dự án BOT do 'lỗi' của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên...

Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế?

Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể...

Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững

Hầu hết du khách Việt Nam được khảo sát đều đồng ý du lịch bền vững rất quan trọng và mong muốn hành trình của mình thân thiện với môi trường hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98