Đầu tư Sao Thái Dương cập nhật lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch
Đầu tư Sao Thái Dương cập nhật lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch
Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF) vẫn chưa được giao dịch trở lại kể từ ngày bị đình chỉ 13/11/2023, đồng thời còn nằm trong diện cảnh báo và kiểm soát. Mới đây, Doanh nghiệp đã cập nhật lộ trình khắc phục các tình trạng này.
Ngày 24/04/2024, HOSE thông báo tiếp tục xử lý SJF với hàng loạt vi phạm. Trong đó, đưa SJF vào diện kiểm soát do BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp (2022-2023) có ý kiến ngoại trừ và lỗ ròng 2 năm liên tiếp; bị cảnh báo vì lãi sau thuế chưa phân phối tại BCTC kiểm toán 2023 là số âm; và giữ nguyên diện đình chỉ giao dịch do chưa đáp ứng quy định ra khỏi diện này.
SJF cho biết Doanh nghiệp đã gửi công văn tới HOSE về việc khắc phục các tình trạng nêu trên từ 08/05/2024, và hiện có thêm văn bản cập nhật phương án xử lý.
Về các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC kiểm toán 2023, đầu tiên là khoản đầu tư 147 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona. Tại cuối năm 2023, số tiền đầu tư vào Tona hơn 148 tỷ đồng, nhưng dựa trên BCTC của Tona, doanh thu và giá vốn năm đó tương đối thấp, dẫn đến thua lỗ. Khả năng thu hồi vốn không khả quan nên SJF chưa có cơ sở đánh giá về trích lập dự phòng. Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục trao đổi, giám sát chặt chẽ và có giải pháp thoái vốn trong trường hợp khoản đầu tư không hiệu quả.
Hai là khoản cho vay đối với CTCP Cát tường Thiên Tân Lạc. SJF đã cho Cát Tường Thiên Tân lạc vay 163 tỷ đồng vào ngày 16/12/2021, thời hạn đến cuối năm 2024. Tiền lãi phát sinh tại cuối năm 2023 gần 16.7 tỷ đồng. Thời điểm này, SJF chưa thu hồi được khoản nợ, và dựa theo BCTC của Thiên Tân Lạc, khả năng thu hồi không khả quan do không phát sinh doanh thu và giá vốn, nên SJF cũng chưa có cơ sở để đánh giá và trích lập.
Với khoản vay này, SJF cho biết đã tiến hành làm việc với các sở, ban ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý, đưa dự án đi vào hoạt động và hiện thực hóa tài sản cho Công ty.
Ba là về dư nợ khoản phải thu ngắn hạn khác với các công ty con, tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng chưa thu hồi hết, do cán bộ nhân viên chưa hoàn tất thủ tục hoàn ứng. Doanh nghiệp cho biết đang tiến hành thu hồi dần công nợ.
Tuy nhiên, SFJ không đưa ra phương án giải quyết với 2 ý kiến ngoại trừ. Đầu tiên là khoản đầu tư của CTCP Sunstar Ecotech Việt Nam - công ty con của SJF vào dự án Công viên tre sinh thái của CTCP Đầu tư và Phát triển SCO, số tiền gần 102 tỷ đồng. Theo BCTC SCO, công ty này bị lỗ nhiều, nên khả năng thu hồi cũng không được khả quan, chưa đánh giá được mức độ thu hồi giá trị khoản đầu tư này.
Thứ hai là tình hình lỗ sau thuế tại ngày 31/12/2023. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do các khoản đầu tư vào công ty liên kết và công ty con không hiệu quả, dẫn đến trích lập dự phòng tổn thất dài hạn tăng cao, phương án giải quyết đã được nêu trong các mục trước đó.
“Đầu tư Sao Thái Dương đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục để đưa cổ phiếu SJF ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. Công ty cam kết sẽ khắc phục vi phạm trong thời gian sớm nhất” - trích thông báo của SJF.
Như những gì trình bày trong bản công bố, bức tranh hoạt động của SJF khá u ám. Quý 1 và quý 2/2023, Doanh nghiệp lỗ ròng khoảng 8 tỷ đồng theo BCTC tự lập, nhưng số lỗ vọt lên gần 303 tỷ đồng sau soát xét bán niên vì tăng trích lập dự phòng. Cả năm 2023, Doanh nghiệp lỗ ròng gần 322 tỷ đồng.
SJF lỗ nặng năm 2023 vì các khoản trích lập dự phòng | ||
Sang năm 2024, tình hình vẫn chưa sáng hơn khi SJF tiếp tục thua lỗ trong quý 1 (-3.4 tỷ đồng) và quý 2 (-4.4 tỷ đồng).