Khi nhỏ lẻ hoảng loạn bán ra, các "cá mập" lại âm thầm bắt đáy
Khi nhỏ lẻ hoảng loạn bán ra, các "cá mập" lại âm thầm bắt đáy
Trong cơn bão bán tháo ngàn tỷ USD vào ngày thứ Hai, các “tay chơi” lắm tiền nhiều của lại đang tích cực gom hàng.
Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy trong lúc nhỏ lẻ tháo chạy, các quỹ đầu cơ đã mua vào cổ phiếu Mỹ với tốc độ chóng mặt, nhanh nhất kể từ tháng 3. Đây là một bước ngoặt đáng chú ý sau nhiều tháng liên tục bán ra. JPMorgan Chase cũng ghi nhận các nhà đầu tư tổ chức đã gom 14 tỷ USD cổ phiếu giữa lúc thị trường lao dốc và kéo chỉ số S&P 500 tụt 3%.
"Nó giống như thấy một chiếc túi hiệu mà bạn thèm thuồng bấy lâu nay bỗng được giảm giá 10%", Max Gokhman từ Franklin Templeton Investment Solutions chia sẻ. "Giá thì vẫn còn đắt đỏ, nhưng bạn có thể tự nhủ đó là một cơ hội hiếm có".
Quyết định táo bạo của các quỹ đầu cơ đã phần nào là đúng đắn, ít nhất là tại thời điểm này. Ngay ngày hôm sau, thị trường đã phục hồi ấn tượng. S&P 500 và Nasdaq 100 đều tăng khoảng 1%. Chỉ số VIX – thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall - cũng hạ nhiệt từ mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, liệu đây có phải là đáy thật sự hay chưa vẫn còn là câu hỏi mở và danh sách những lo ngại vẫn còn dài: Từ chi tiêu AI quá cao của các gã khổng lồ công nghệ cho đến lo ngại Fed chậm chạp trong việc giảm lãi suất và sự đảo chiều của các giao dịch carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất). Nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan.
Jonathan Caplis, CEO của công ty nghiên cứu quỹ đầu cơ PivotalPath, nhận định: "Đa số các nhà quản lý chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng các vấn đề hiện tại chỉ là ngắn hạn, do tâm lý thị trường. Họ không cho rằng đây là vấn đề dài hạn ảnh hưởng đến nền tảng của các doanh nghiệp hay nền kinh tế Mỹ”.
Lịch sử cũng ủng hộ những người dám "bắt đáy". Kể từ năm 1980, S&P 500 thường tăng trung bình 6% trong 3 tháng sau khi giảm 5% từ đỉnh, theo phân tích của Goldman Sachs. Tuy nhiên, nhóm chiến lược của David Kostin tại Goldman cũng cảnh báo rằng kịch bản có thể khác biệt tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, Citigroup nhắc nhở rằng "các kịch bản suy thoái vẫn chưa được phản ánh vào giá." Chiến lược gia Beata Manthey của Citi khuyến nghị "mua vào khi giá giảm sâu", nhưng cũng thận trọng: "Chúng tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi làm như vậy một khi thấy bằng chứng về việc giảm vị thế hoàn chỉnh hơn”.
Cuộc chơi vẫn còn dài. Nhưng ít nhất, những động thái "bắt đáy" của các quỹ đầu cơ đã mang lại một tia hy vọng giữa bầu trời u ám của thị trường tài chính.