Sét đánh khiến DHB lỗ bán niên gần trăm tỷ dù được tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ
Sét đánh khiến DHB lỗ bán niên gần trăm tỷ dù được tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ
Nhờ được tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) có 2 quý liên tiếp báo lãi sau nhiều năm. Tuy nhiên, tại quý 2/2024, Doanh nghiệp bất ngờ lỗ hơn 137 tỷ đồng, dẫn đến bán niên lỗ gần 100 tỷ đồng. Nguyên nhân lại… do ông trời.
Tình hình kinh doanh quý 2 và bán niên 2024 của Đạm Hà Bắc
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 2, DHB đạt 958 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 6%. Dù giá vốn đi ngang nhưng vẫn cao hơn doanh thu, nên Doanh nghiệp lỗ gộp 59 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 120 tỷ đồng).
Điểm đáng chú ý là chi phí tài chính giảm mạnh 55%, còn 82 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản thu nhập khác 51 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 140 triệu đồng) cũng góp phần cải thiện kết quả quý 2 của DHB. Theo thuyết minh, đây là số tiền lãi được xóa tính trên lãi chậm trả tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - khoản nợ khổng lồ mà DHB được tái cơ cấu trong năm 2023.
Khoản vay của DHB tại VDB được ký hợp đồng từ tháng 9/2008 với hạn mức hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, nhằm đầu tư “Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc”. Đây là 1 trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Khoản nợ khủng khiến DHB tích lũy khoản lỗ khổng lồ | ||
Khoản vay trên được hạch toán lãi vay vào bảng cân đối kế toán của DHB từ năm 2015, cũng là thời điểm Doanh nghiệp chứng kiến chuỗi thua lỗ kéo dài. Ngoại trừ năm 2021 lãi nhỏ giọt và lần lãi đậm năm 2022 nhờ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, các năm còn lại DHB đều lỗ nặng do gồng gánh chi phí tài chính mỗi năm tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ được chấp thuận tái cơ cấu khoản vay, DHB đã có kết quả tốt hơn.
Dẫu vậy, DHB vẫn lỗ sau thuế hơn 137 tỷ đồng tại quý 2/2024 (cùng kỳ lỗ 350 tỷ đồng), chấm dứt chuỗi 2 quý lãi liên tiếp sau khi tái cơ cấu nợ.
Mới đây, Doanh nghiệp công bố BCTC soát xét bán niên 2024 với các chỉ tiêu không thay đổi so với báo cáo tự lập. Theo đó, doanh thu bán niên đạt gần 2 ngàn tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế 99 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 480 tỷ đồng). Doanh nghiệp thực hiện được 42% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Nguồn: VietstockFinance
|
Một trong những lý do gây lỗ là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào (đặc biệt là than đá) neo cao. Tuy vậy, nguyên nhân chính gây ra sự việc khiến Doanh nghiệp chỉ biết… kêu trời. Theo giải trình, diễn biến thời tiết thất thường trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của Công ty khiến các dây chuyền sản xuất phải dừng lại bất thường, ảnh hưởng lớn đến thiết bị. Khắc phục được điện lưới, Doanh nghiệp phát hiện một số thiết bị có hiện tượng rò điện nên phải ngừng máy dài ngày, kết hợp đại tu sửa chữa lớn. Vì vậy, thời gian chạy máy giảm 45 ngày so với kế hoạch, không có sản phẩm tạo ra.
Vào cuối tháng 6, tổng tài sản của DHB giảm 8% so với đầu năm, còn hơn 6.2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chỉ khoảng 963 tỷ đồng, giảm 20%, với hơn 252 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi (-26%). Tồn kho còn 478 tỷ đồng, giảm 21%.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn đi ngang, ghi nhận hơn 1 ngàn tỷ đồng. Hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh lần lượt là 0.93 lần và 0.47 lần, cho thấy có rủi ro trong việc hoàn tất nghĩa vụ trả nợ tới hạn. Nợ vay ngắn hạn tăng 7%, lên gần 400 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn tại Vietinbank. Nợ vay dài hạn tăng nhẹ, ghi nhận hơn 2.5 ngàn tỷ đồng, gồm hơn 1.4 ngàn tỷ đồng từ Vietinbank và hơn 1.1 ngàn tỷ đồng của VDB.
Với khoản lỗ gần 100 tỷ đồng bán niên, DHB đang lỗ lũy kế hơn 2.2 ngàn tỷ đồng.