Vì sao thị trường chứng khoán mãi xoay quanh câu chuyện 1.200 điểm
Vì sao thị trường chứng khoán mãi xoay quanh câu chuyện 1.200 điểm
Nếu như thị trường chứng khoán được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế thì việc trong khi kinh tế liên tục tăng trưởng còn thị trường chứng khoán vẫn mãi xoay quanh câu chuyện 1.200 điểm cho thấy cấu trúc thị trường chứng khoán đang “sai” ở đâu đó…
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm sáng hỗ trợ cho đà tăng giá trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ
|
Khối ngoại liên tục bán ròng, nhà đầu tư cá nhân là động lực mua chính
Theo số liệu từ đầu năm tới cuối tháng 7-2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra hơn 60.400 tỉ đồng chứng khoán các loại trên VN-Index, và là năm thứ 4 liên tiếp bán ròng mạnh (nếu không tính hoạt động mua ròng trong năm 2022).
Nếu tính lũy kế từ khi thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến nay, đỉnh điểm năm 2019 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lũy kế đạt hơn 142.000 tỉ đồng vốn gốc (tương ứng khoảng hơn 6,1 tỉ đô la Mỹ vốn gốc), nhưng đến cuối tháng 7-2024 thì số này chỉ còn lại hơn 9.600 tỉ đồng (tức chỉ tương đương gần 400 triệu đô la Mỹ).
Tại thời điểm cuối tháng 7-2024, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 17,2%, tương ứng với giá trị khoảng hơn 40 tỉ đô la Mỹ vốn hóa. Nếu trừ đi con số vốn gốc còn lại khoảng 400 triệu đô la Mỹ thì giá trị còn lại là lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư trên TTCK Việt Nam thời gian qua.
Như vậy, có thể nói nhà đầu tư nước ngoài đã kiếm lợi tính bằng lần trên TTCK Việt Nam. Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên nghiệp của họ và với việc tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu thì mức tăng trưởng đó là có thể hiểu được.
|
Điều đáng nói là trong giai đoạn sau Covid-19, xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị đảo ngược hoàn toàn. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, và đối tượng mua ròng chính lại là nhóm nhà đầu tư cá nhân. Đâu là nguyên nhân của tình hình này?
Thứ nhất, TTCK Việt Nam thiếu những động lực hấp dẫn, không phản ánh đầy đủ nền kinh tế thực và khiến cho nhà đầu tư nước ngoài rất khó trong hoạt động đầu tư. Các sản phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài khá hạn chế, nhiều doanh nghiệp tốt thì bị kín room ngoại, trong khi số lượng các doanh nghiệp hấp dẫn niêm yết ngày càng thấp.
Thứ hai, sự chậm trễ trong việc nâng hạng TTCK cũng khiến cho nhiều dòng vốn nước ngoài rút ra.
Thứ ba, làn sóng tái cấu trúc đầu tư toàn cầu sau Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đổ tiền vào các nền kinh tế bền vững và ổn định hơn để bảo toàn vốn. Ngoài ra, việc biến động tỷ giá lớn cũng khiến cho nhà đầu tư nước ngoài cần chuyển đổi qua ngoại tệ để dự phòng tiền đồng tiếp tục mất giá.
VN-Index giảm về dưới mốc 1.200 điểm là hệ quả tất yếu
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu bền vững, tình trạng xung đột còn diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, nguy cơ suy thoái và chiến tranh lan rộng thì nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều vì độ mở kinh tế cao. Trong khi đó, cơ cấu nhà đầu tư bắt đầu thiếu bền vững khi mà nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài liên tục bán ròng, còn đối tượng mua là các nhà đầu tư cá nhân, và đa số là những nhà đầu tư mới vào kể từ sau giai đoạn Covid-19.
Việc tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia thị trường ngày một giảm, trong khi tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng gây nên tình trạng mất cân đối và thị trường thiếu sự phát triển bền vững. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân không vững vàng, không có sự phân tích chuyên nghiệp và hay có thói quen sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Điều này sẽ khiến cho tâm lý hưng phấn và hoảng loạn luôn bao trùm các đợt biến động của thị trường, và làm cho mức độ biến động của thị trường ngày càng cao hơn mức cần thiết. Chưa kể, những nhà đầu tư cá nhân thường rất dễ bị dẫn dắt bởi các đội nhóm được gọi là “đội lái” và có thể khiến họ bị thiệt hại rất nhiều sau những con “sóng” thị trường.
Một trong những nguyên nhân khác xuất phát từ sự thiếu đa dạng và khó tiếp cận với các sản phẩm tài chính khác nhau của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Thị trường trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường quản lý quỹ tuy hình thành từ rất lâu nhưng quy mô phục vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Việc thiếu các công cụ hỗ trợ, khó tiếp cận, dẫn đến nhà đầu tư cá nhân có ít sự lựa chọn trong đầu tư và tất yếu sẽ lại quay vào TTCK.
Đợt giảm này của VN-Index do các nguyên nhân nào?
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì đợt giảm điểm hiện nay (đầu tháng 8-2024) của VN-Index còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố tổng hợp cả bên trong và bên ngoài. Các yếu tố này tích lũy dần và kết hợp với tâm lý phản ứng thái quá của nhà đầu tư cá nhân đã khiến cho sự biến động vượt quá mức cần thiết.
Thứ nhất, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Việc bán ròng này vừa có nguyên nhân chủ quan và vừa có nguyên nhân khách quan, trong đó nguyên nhân khách quan là việc tái cấu trúc hoạt động đầu tư toàn cầu sau Covid-19, còn nguyên nhân chủ quan là dự phòng với biến động tỷ giá của tiền đồng và một số nguyên nhân khác.
Thứ hai, lãi suất của Mỹ neo cao kéo dài, lo lắng khả năng kinh tế Mỹ giảm tốc và xung đột Trung Đông lan rộng.
Thứ ba, Nhật Bản tăng tiếp lãi suất điều hành lên 0,25%, tác động rất lớn lên tỷ giá đồng yen và từ đó khiến cho hoạt động đầu tư trên thị trường vốn toàn cầu bị ảnh hưởng do lo ngại có làn sóng bán tháo tài sản của các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
Thứ tư, lãi suất huy động có xu hướng tăng và những lo lắng về tình trạng vay ký quỹ gia tăng trong quí 2-2024.
Cuối cùng, chính là do sự phản ứng thái quá của nhà đầu tư cá nhân với mỗi một sự kiện của thị trường và đây cũng là hệ quả của cấu trúc TTCK Việt Nam thiếu bền vững.
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm sáng hỗ trợ cho đà tăng giá trong thời gian tới như: định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn cho hoạt động đầu tư (P/E khoảng 12,9 lần, so với mức trung bình 14,72 lần trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 7-2024), nền kinh tế Việt Nam ngày càng phục hồi vững chắc hơn, lãi suất thị trường 2 và tỷ giá có xu hướng giảm, trong khi mặt bằng lãi suất thị trường 1 sau khi tăng vẫn ở mức thấp.
Lão Trịnh