Chứng khoán HVS bị đình chỉ toàn bộ hoạt động
Chứng khoán HVS bị đình chỉ toàn bộ hoạt động
Ngày 13/09/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của CTCP Chứng khoán HVS Việt Nam do không duy trì điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định của Luật Chứng Khoán.
Trước đó, các vấn đề về khả năng tiếp tục hoạt động của HVS cũng đã được đơn vị kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2024. UBCKNN đang xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ, dẫn đến hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của HVS. Tuy nhiên, tại ngày lập BCTC giữa niên độ, không có lý do gì để HĐQT và Ban Tổng Giám đốc HVS tin rằng Công ty không được UBCKNN chấp thuận tiếp tục hoạt động. Do đó, BCTC vẫn được lập theo giả định HVS sẽ tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh đó, HVS đang chờ UBCKNN xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ, dẫn đến HVS chỉ phát sinh doanh thu lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
HVS đã nộp hồ sơ lên UBCKNN đề nghị tăng vốn theo phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài được thông qua theo các Nghị quyết HĐQT, để tăng vốn điều lệ từ 50.2 tỷ đồng lên 300.2 tỷ đồng. Theo đó, khối lượng vốn cần huy động dự kiến là 250 tỷ đồng.
Trên thực tế, Chứng khoán HVS đã ở trong tình trạng tê liệt từ lâu.
Cụ thể, tháng 8/2018, UBCKNN đã rút nghiệp vụ môi giới của HVS. Lần lượt từ tháng 9/2018 và tháng 11/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấm dứt tư cách thành viên đối với Công ty.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 03/12/2018, Công ty bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (nay là Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam) thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, HVS phát sinh hơn 201 triệu đồng doanh thu hoạt động, toàn bộ là lãi tiền gửi có kỳ hạn, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, HVS lỗ ròng gần 266 triệu đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 203 triệu đồng.
Tổng tài sản của HVS tính đến ngày 30/06/2021 gần 11 tỷ đồng, gần như toàn bộ đang nằm ở khoản tiền gửi 10 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 3%, tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (UPCoM: PGB).
Điểm đáng chú ý khác là lỗ lũy kế của HVS đã hơn 39 tỷ đồng và thâm vào vốn.
HVS với khoản lỗ lũy kế đã tồn đọng nhiều năm | ||
Thượng tầng nhiều biến động
Khép lại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 diễn ra vào đầu tháng 8/2024, thượng tầng HVS có biến động lớn khi miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm bà Trương Thị Hồng Nga (Chủ tịch HĐQT), ông Ngô Văn Đô, ông Thái Đình Sỹ và 3 thành viên BKS là bà Nguyễn Thị Tuyết (Trưởng BKS), bà Chu Hoàng Mai, bà Đinh Hoài Hương.
Ở chiều ngược lại, ĐHĐCĐ thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm bà Văn Lê Hằng, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Trịnh Bình Long và 3 thành viên BKS là bà Mai Ngọc Anh, ông Dư Bá Phước, bà Ngô Thị Hồng Nhung. Sau đó, bà Văn Lê Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT còn bà Mai Ngọc Anh được bầu làm Trưởng BKS.
Tại thời điểm diễn ra đại hội, bà Văn Lê Hằng (sinh năm 1993) được giới thiệu còn đang là chuyên viên kinh doanh tại Công ty TNHH TCG Land.
Bà Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1982) đang là thư ký - trợ lý tại CTCP Tập đoàn Thành Công. Bà Thủy từng có khoảng thời gian làm Phó phòng xuất nhập khẩu tại CTCP Ô tô Thành Công Việt Nam từ 2011 - 2019 và trước đó là nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu tại Công ty TNHH Cơ khí Thành Công từ tháng 8/2005 – 2011.
Còn ông Trịnh Bình Long (sinh năm 1975) từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại nhiều Công ty khác nhau, điển hình như CTCP Tập đoàn Thành Công, Hyundai Lam Kinh, Vnsteel, Liên danh Coma - Cotana,… Hiện ông Long đang giữ chức vụ Tổng Thư ký Tổng Giám đốc tại CTCP Tập đoàn Thành Công.
Danh sách thành viên BKS mới rất đáng chú ý khi tất cả đều giữ các chức vụ tại Công ty Chứng khoán DSC tại thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ. Cụ thể, ông Dư Bá Phước (sinh năm 1997) đang là chuyên viên pháp chế DSC; bà Mai Ngọc Anh (sinh năm 1989) đang là chuyên viên phòng quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ DSC; bà Ngô Thị Hồng Nhung (sinh năm 1994) đang là chuyên viên kế toán DSC.
Đại hội cũng thông qua việc thay đổi người giữ chức Tổng Giám đốc từ bà Phạm Thị Giang sang một cá nhân còn rất trẻ, sinh năm 1999 là ông Tiền Quốc Việt.
Trước đó, trong ngày 14/05, cơ cấu cổ đông của HVS ghi nhận biến động lớn khi lần lượt bà Trương Thị Hồng Nga, ông Ngô Văn Đô và ông Thái Đình Sỹ - các cá nhân vừa được miễn nhiệm thành viên HĐQT - đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ.
Ở chiều ngược lại, bà Văn Lê Hằng trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào gần 4.6 triệu cp (tỷ lệ 90.81%), tương ứng phần lớn lượng cổ phiếu mà ba cá nhân nêu trên bán ra.
Cơ cấu sở hữu của Chứng khoán HVS
Nguồn: Người viết tổng hợp
|