Khi nào Warren Buffett quyết định bán cổ phiếu?
Khi nào Warren Buffett quyết định bán cổ phiếu?
Khi Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng với chiến lược mua và nắm giữ lâu dài, bán đi một cổ phiếu, điều này thường gửi đi tín hiệu tiêu cực về doanh nghiệp đó và thậm chí có thể là cả ngành.
Nhà hiền triết xứ Omaha, người luôn ưu tiên nắm giữ cổ phiếu vĩnh viễn, thường chỉ có động lực thoái vốn khỏi một vị thế lớn khi ông đánh giá rằng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã suy giảm.
Tại cuộc họp thường niên của Berkshire năm 2009, Buffett đã chia sẻ triết lý đầu tư của mình: "Chúng tôi miễn cưỡng bán ra hơn hầu hết mọi người. Nếu quyết định ban đầu là đúng đắn, chúng tôi muốn nắm giữ trong thời gian rất dài, và chúng tôi đã sở hữu một số cổ phiếu trong nhiều thập kỷ". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nhưng nếu lợi thế cạnh tranh biến mất, nếu chúng tôi mất niềm tin vào ban lãnh đạo, hoặc nếu phân tích ban đầu của chúng tôi sai lầm - điều này vẫn xảy ra - chúng tôi sẽ bán".
Warren Buffett
|
Một ví dụ điển hình cho triết lý này là khoản đầu tư của Buffett vào các tờ báo như Omaha World-Herald và Buffalo News vào những năm 1970. Ban đầu, ông tin rằng các nhượng quyền của họ là không thể xâm phạm. Nhưng đến đầu những năm 2000, quan điểm của ông về ngành này đã thay đổi hoàn toàn. Sự sụt giảm của doanh thu quảng cáo và sự chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số đã làm suy giảm nghiêm trọng lợi nhuận của các tờ báo. Kết quả là, Buffett đã quyết định bán hết khoảng 30 tờ báo của mình vào đầu năm 2020.
Bán ra Bank of America
Nhiều khoản đầu tư hàng đầu trong danh mục cổ phiếu của Berkshire Hathaway đã có tuổi đời hàng thập kỷ - Buffett đã nắm giữ cổ phiếu Coca-Cola từ năm 1988 và American Express từ năm 1991. Có lẽ đó là lý do tại sao nhà đầu tư huyền thoại 94 tuổi này gần đây đã gây chú ý khi bán ra khoảng 9 tỷ USD cổ phiếu Bank of America (BofA) trong đợt bán tháo bắt đầu từ giữa tháng 7.
Cách đây 13 năm, Buffett đã mua 5 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi và chứng quyền của BofA để củng cố niềm tin vào ngân hàng đang gặp khó khăn với những khoản lỗ liên quan đến các khoản vay thế chấp dưới chuẩn. Ông đã chuyển đổi chứng quyền thành cổ phiếu thường vào năm 2017, khiến Berkshire trở thành cổ đông lớn nhất của BofA. "Nhà tiên tri xứ Omaha" sau đó đã bổ sung thêm 300 triệu cp vào vị thế của mình vào năm 2018 và 2019.
Đợt bán ra BofA gần đây diễn ra sau khi Buffett đã dành vài năm qua để bán đi nhiều khoản đầu tư lâu năm trong ngành ngân hàng, bao gồm JPMorgan, Goldman Sachs, Wells Fargo và U.S. Bancorp. Berkshire vẫn nắm giữ 10,3% cổ phần của Bank of America. Nếu việc bán ra tiếp tục và tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới ngưỡng báo cáo 10%, chúng ta sẽ không biết Buffett đã giảm bớt vị thế này đến mức nào cho đến khi có bản cập nhật 13-F hàng quý.
'Chúng tôi rất thận trọng'
Vậy liệu Buffett có nghĩ rằng BofA và các ngân hàng khác đã mất đi lợi thế cạnh tranh của họ? Có thể. Năm ngoái, ngay sau cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực đã đẩy Silicon Valley Bank và First Republic vào tay các nhà cứu trợ, vị CEO Berkshire đã ám chỉ về những vấn đề mới nổi trong ngành ngân hàng.
"Chúng tôi không biết các cổ đông của các ngân hàng lớn, các ngân hàng khu vực hoặc bất kỳ ngân hàng nào, sẽ đi về đâu bây giờ", ông Buffett chia sẻ trong năm 2023. "Công chúng Mỹ có lẽ đang bối rối về ngành ngân hàng hơn bao giờ hết. Và điều đó có hệ quả. Không ai biết hệ quả là gì bởi vì mỗi sự kiện bắt đầu tạo ra một động lực khác nhau”.
Ông Buffett cho biết các vụ sụp đổ ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và một lần nữa vào năm 2023, đã làm giảm niềm tin vào hệ thống và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bởi thông điệp kém hiệu quả từ các cơ quan quản lý và chính trị gia. Trong khi đó, số hóa và fintech đã khiến việc rút tiền hàng loạt từ ngân hàng trở nên đơn giản trong thời điểm khủng hoảng.
Sự sụp đổ của Silicon Valley và Signature Bank vào đầu năm ngoái, hai trong số những vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay, đã thúc đẩy các biện pháp cứu trợ đặc biệt từ các cơ quan quản lý. Cụ thể, họ đã bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi trong các ngân hàng gặp khó khăn và cung cấp một khoản tài trợ bổ sung cho các ngân hàng gặp khó khăn khác.
Nhà tiên tri xứ Omaha nhấn mạnh: "Bạn không thể biết chắc điều gì đã xảy ra với tính ổn định của các khoản tiền gửi. Nó đã thay đổi sau năm 2008 và một lần nữa sau sự kiện này. Điều đó thay đổi mọi thứ. Chúng tôi rất thận trọng trong tình huống như vậy về quyền sở hữu ngân hàng."
Tại thời điểm đó, ông Buffett dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ sụp đổ ngân hàng trong tương lai, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư vào Bank of America, một phần vì ông đã đích thân đàm phán thỏa thuận ban đầu và ngưỡng mộ CEO Brian Moynihan.
"Nhưng liệu tôi có biết cách dự đoán những gì sẽ xảy ra từ đây không?", ông Buffett đặt câu hỏi tại thời điểm xảy ra các vụ sụp đổ năm ngoái. "Câu trả lời là tôi không biết".