Nối gót Phố Wall, chứng khoán châu Á đỏ rực, Nikkei 225 giảm gần 2%
Nối gót Phố Wall, chứng khoán châu Á đỏ rực, Nikkei 225 giảm gần 2%
Ngày thứ Hai đầu tuần, các thị trường chứng khoán trong khu vực đã chìm xuống đáy 3 tuần, với Nhật Bản dẫn đầu đà suy giảm. Nguyên nhân sâu xa đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương khi dữ liệu việc làm không mấy khả quan của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái.
Tại xứ sở hoa anh đào, chỉ số Nikkei 225 rơi gần 2% xuống mức thấp nhất trong một tháng. Đồng Yên tăng giá gần đây, phản ánh kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng làm giảm triển vọng lợi nhuận của các công ty xuất khẩu Nhật Bản. Đồng yên hiện đang giao dịch ở mức 143 Yên/USD, một tín hiệu đáng lo ngại cho các nhà xuất khẩu.
Thị trường chứng khoán ở Úc và Hàn Quốc cũng chịu tổn thất, đẩy chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/08.
Các dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế Mỹ - có khả năng lan sang các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu khắp châu Á - đang làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Thị trường việc làm Mỹ dường như đang mất đà, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ và sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với các nhà sản xuất chip như Nvidia đang giảm dần. Tất cả những yếu tố này đang tạo thêm áp lực cho thị trường.
"Thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là ở các khu vực dẫn đầu về công nghệ như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, đang chuẩn bị đối mặt với một cơn bão khi nền kinh tế của họ nhạy cảm với suy thoái toàn cầu", Hebe Chen, Chuyên viên phân tích tại IG Markets Ltd., cho biết. "Nếu đám mây đen của nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn lan rộng toàn cầu, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đồng AUD có thể sớm chịu áp lực nặng nề", bà nói.
Báo cáo việc làm đáng thất vọng dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall trong ngày 06/09. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm hơn với chính sách tiền tệ, giảm giá, trong khi đồng USD tăng nhẹ trong ngày 09.09. Trái phiếu Úc và New Zealand cũng có diễn biến tương tự.
Ở nơi khác tại châu Á, tài sản Trung Quốc sẽ là tâm điểm chú ý khi các quan chức nước này cố gắng nâng cao tâm lý bằng cách dỡ bỏ hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và y tế. Cổ phiếu Seven & i Holdings Co. sẽ được theo dõi chặt chẽ giữa những đồn đoán về đề nghị mua lại từ Alimentation Couche-Tard Inc.
Đối với các hàng hóa khác, giá quặng sắt giảm xuống dưới 90 USD/tấn lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022, trong khi giá dầu tăng từ mức đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2021.
Tháng 9 chứng kiến thị trường biến động mạnh khi cổ phiếu và hàng hóa toàn cầu giảm mạnh do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu yếu.
Các nhà giao dịch trong tuần này sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát của Mỹ vì họ lo ngại Fed đã chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất trong khi rủi ro suy thoái ngày càng tăng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào cuối tuần đã cố gắng xoa dịu nỗi lo, cho rằng không có "dấu hiệu cảnh báo nào nhấp nháy" đối với hệ thống tài chính và nhắc lại quan điểm của bà rằng nền kinh tế Mỹ đã đạt được “hạ cánh mềm” (soft landing) mặc dù tăng trưởng việc làm yếu đi. Trong khi đó, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết ông "cởi mở" về khả năng cắt giảm lãi suất manh hơn (50 điểm cơ bản).
Diana Mousina, Phó Kinh tế trưởng tại AMP Ltd. ở Sydney, nhận xét rằng các bình luận của các quan chức Fed sau dữ liệu việc làm "không cho thấy cảm giác cấp bách ngay lập tức trong việc cần cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Vì vậy, khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 là lớn hơn”.